Đơn giản hóa thủ tục các gói vay dưới 100 triệu đồng
Tiếp cận nguồn vốn vay ở mức nhỏ cũng không dễ dàng hơn với việc tìm kiếm nguồn vốn vay lớn. GS.TS Trần Ngọc Thơ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra ví dụ về trường hợp một nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long cần 15 triệu đồng cải tạo trồng trọt. Khoản tiền này rất nhỏ nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi đó, trên không gian mạng có nhiều tổ chức “tín dụng đen” chào mời vay các khoản tín dụng và được cho vay với điều kiện rất đơn giản. Đã có rất nhiều người “sập bẫy tín dụng đen” chỉ vì các thủ tục cho vay quá đơn giản, thậm chí còn có thể vay tiền bằng iCloud.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã sớm ban hành kế hoạch hành động với 7 nội dung trọng tâm để tiếp cận toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng, đặc biệt ưu tiên đến việc phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, trong nhiều năm, thông qua những văn bản chỉ thị, hướng dẫn, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng chương trình tín dụng, các gói cho vay tiêu dùng phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...).
Đáng chú ý, bà Mai Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư 12/2024/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN) về hoạt động cho vay của TCTD đã bổ sung quy định về các khoản vay có giá trị nhỏ. Theo đó, các khoản vay tối đa dưới 100 triệu đồng thì TCTD chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tối thiểu về mục đích sử dụng vốn vay và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay.
Xây dựng sản phẩm phù hợp với nhiều nhóm đối tượng
Theo số liệu thống kê, hiện nay quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD trong 5 năm tới. Trong khi đó, ở Việt Nam, đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là một giải pháp thiết yếu góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho rằng, cần phải nhìn nhận thẳng thắn một số mặt hạn chế trong hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam gần đây, khi đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội để tổ chức hội nhóm với mục đích truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ, thực hiện hành vi lừa đảo, các công ty mạo danh... những vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Trong khi đó, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, để khai thác được tiềm năng của thị trường và giải quyết những tồn tại, thách thức liên quan đến hoạt động tín dụng, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, trong thời gian tới, các TCTD phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.
TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng đề xuất cần có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với từng nhóm đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng hợp tác với các kênh công nghệ tài chính (fintech), từ đó, các fintech tận dụng lợi thế của nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia khác đã đề xuất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh việc số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường…