Cảnh giác 'tín dụng đen' núp bóng cho vay tiêu dùng

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù chỉ có 16 công ty tài chính (CTTC) được cấp phép hoạt động nhưng người tiêu dùng vẫn bị bủa vây bởi điện thoại, các app cho vay núp bóng CTTC. Sự lập lờ này khiến cho các CTTC đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi người có nhu cầu vay tiêu dùng rơi vào bẫy “tín dụng đen”.

Công ty tài chính: Dư nợ giảm, nợ xấu tăng

Tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen” do Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hôm qua (31/10), ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 CTTC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép là gần 136 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống. Tuy nhiên, nợ xấu của các CTTC đến nay đã lên đến 8 - 10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều CTTC lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Theo ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (thuộc VNBA), tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua; một thống kê cho thấy, trong khi dư nợ cho vay tiêu dùng (CVTD) của nhóm CTTC tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022, thì nợ xấu tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 .

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các CTTC đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, tổ chức triển khai CVTD đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, song đến nay hầu như các CTTC đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.

Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, theo ông Hùng còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Đó là khách hàng cố tình không trả nợ và chưa bị xử lý nghiêm. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các CTTC tăng cao, chất lượng tài sản tại các CTTC sụt giảm, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các CTTC phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao, người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ CTTC… Hệ quả là “tín dụng đen” diễn biến phức tạp.

Đáng ngại là tình trạng “tín dụng đen” núp bóng CVTD, thậm chí mạo danh ngân hàng, CTTC... khiến người vay không phân biệt được đâu là CTTC được cấp phép chính thống, đâu là “tín dụng đen”.

Theo đại diện VNBA, để các CTTC tiêu dùng mở rộng mạng lưới, góp phần hạn chế “tín dụng đen” và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, việc nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các CTTC là hết sức cần thiết…

Với thực tế thu hồi nợ thời gian qua, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng cần xem xét lại dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp dù đã bị cấm trong Luật Đầu tư. Bởi, đã đến lúc ngành tài chính tiêu dùng phải chuyên nghiệp, không thể nào để công ty vừa cho vay lại vừa nghĩ cách đòi nợ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, đang có sự không đồng bộ trong các quy định về lãi suất giữa các luật. Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất không vượt quá 20%/năm, còn luật chuyên ngành đang được quy định bằng cụm từ “theo thoả thuận”. Do có độ chênh nên gần như cơ quan Công an đang tạm hiểu rằng lãi suất cứ trên 20% là vi phạm pháp luật dân sự. “Điều này cũng khiến người dân đánh đồng 16 CTTC được NHNN cấp phép với các đơn vị khác đang tồn tại…” - Chuyên gia này nhận định, đồng thời khẳng định mức trần lãi suất đang hạn chế việc tiếp cận tín dụng. “Để giải quyết vấn đề, cần có luật cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo thông lệ quốc tế, trong đó áp dụng ngưỡng nợ xấu và trần lãi suất riêng cho nhóm này” - TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Đọc thêm

Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế

 Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế
(PLVN) - Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên sàn của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.