Trung tâm hòa giải, đối thoại có phải thành phần của Tòa án?
Theo Kế hoạch số 11/KH-TANDTC triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trước tố tụng tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của TP Hải Phòng (Đề án thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án), từ tháng 3/2018, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động. Các trung tâm này có nhiệm vụ thực hiện hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại giải quyết các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố dụng Dân sự (TTDS), Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) không được hòa giải, đối thoại hoặc không tiến hành hòa giải, đối thoại được.
Các trung tâm hòa giải, đối thoại đã rà soát, lựa chọn, chỉ định 60 hòa giải viên, đối thoại viên, là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, các cán bộ đã từng tham gia công tác hội thẩm nhân dân và các Luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại.
Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đặt trụ sở tại TTAND, nhưng không phải là một tổ chức có cơ cấu, bộ máy riêng, không thuộc biên chế của TAND. Đây là một tổ chức tự quản của các hòa giải viên, đối thoại viên, có chức năng điều phối hoạt động hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính, được TAND hỗ trợ một số hoạt động. Kinh phí hoạt động của các Trung tâm chủ yếu do UBND TP Hải Phòng hỗ trợ, TANDTC cũng cấp một phần kinh phí, được dùng để đầu tư cơ sở vật chất của các Trung tâm và chi bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên.
Cùng với việc thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại, TANDTC mở các lớp tập huấn cho hòa giải viên, đối thoại viên và hướng dẫn về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại bao gồm: Thủ tục nhận và chuyển đơn đến Trung tâm Hòa giải, đối thoại; việc chuẩn bị hòa giải, đối thoại và tổ chức phiên hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên, đối thoại viên; thời hạn hòa giải, đối thoại; xử lý kết quả hòa giải, đối thoại; xác định thời hiệu khởi kiện, ngày khởi kiện, thời hạn xử lý đơn khởi kiện trong trường hợp sau khi hòa giải, đối thoại tại Trung tâm nhưng người khởi kiện vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Qua 6 tháng triển khai thực hiện Đề án thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của TP Hải Phòng, từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2018, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại nhận 2.573 đơn khởi kiện, đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhân sự thỏa thuận, các vụ việc này sẽ được cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự.
Trên cơ sở đó, TANDTC đã quyết định mở rộng thí điểm triển khai hòa giải, đối thoại tại tòa án tại 16 tỉnh, thành.
Xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Chế định “Hòa giải bên cạnh Tòa án”, “Hòa giải trước tố tụng tại Tòa án” hoặc “Hòa giải tại Tòa án” nhưng không nằm trong quy trình tố tụng đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan… Từ kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm tại Hải Phòng, TANDTC cho rằng, việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và thực tiễn áp dụng cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. TANDTC đang xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo đề cương dự thảo được công bố trên Tạp chí TAND xin ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, của Luật gia, Luật sư, Thẩm phán... trong cả nước, phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC hoặc các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính do một hoặc các bên yêu cầu Tòa án hòa giải, đối thoại.
Hoà giải tại Tòa án được xác định là hoạt động do Hoà giải viên thực hiện nhằm hỗ trợ các bên thoả thuận, thống nhất việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dân sự theo quy định của Luật này khi có yêu cầu hoặc trước khi Tòa án thụ lý vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Còn đối thoại tại Tòa án là hoạt động do Đối thoại viên thực hiện nhằm hỗ trợ các bên thống nhất việc giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này khi có yêu cầu hoặc trước khi Tòa án thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật TTHC.
Hòa giải viên, Đối thoại viên là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, được Chánh án TANDTC ra quyết định bổ nhiệm để tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, Đối thoại viên không thuộc biên chế của Tòa án.
Việc hòa giải, đối thoại bảo đảm các nguyên tắc chung: Nội dung thoả thuận hoà giải, đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba; Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Luật này; Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
Dự thảo Luật cũng nêu nguyên tắc: Việc hòa giải phải bảo đảm các bên tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, dựa trên sự nhượng bộ lẫn nhau. Việc đối thoại phải bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các bên; không được ép buộc các bên thực hiện việc giải quyết khiếu kiện hành chính trái với ý chí của họ.
Liên quan đến bảo mật thông tin, dự thảo Luật đề xuất, không được sử dụng lời khai của một bên hoặc những người khác tham gia hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong TTDS, TTHC hoặc các thủ tục tố tụng khác, trừ những trường hợp sau đây: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất bằng văn bản về việc không yêu cầu giữ bí mật trong quá trình hòa giải, đối thoại; Những thông tin liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Bất cứ thông tin nào được trao đổi giữa một bên với Hòa giải viên, Đối thoại viên trong phiên họp riêng là bí mật và không được tiết lộ tới bất kỳ bên nào khác tham gia hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý trước của bên đã cung cấp thông tin.
Không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản chính thức bất cứ giai đoạn nào của thủ tục hòa giải, đối thoại, trừ biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Luật này và ghi chép của Hòa giải viên, Đối thoại viên phục vụ cho việc tiến hành hòa giải, đối thoại.
Các bên tham gia hoà giải, đối thoại có quyền: Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại; Yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên giữ bí mật hoặc công khai những thông tin cung cấp; Bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải, đối thoại; Yêu cầu Tòa án công nhận hòa giải thành, đối thoại thành.
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án, không thu tiền lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Dự thảo Luật cũng đề xuất những quy định về tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; Trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại; Xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Hiện nay, việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được thí điểm tại 16 tỉnh, thành là: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.