“Đại dịch vẫn khiến giáo dục bị gián đoạn nghiêm trọng, nhưng tất cả các quốc gia hiện nhận thức rõ ràng về cái giá đắt phải trả nếu tiếp tục đóng cửa trường học, như UNESCO đã trình bày trong hai năm qua. Chiến dịch tiêm chủng được mở rộng và những bài học chống dịch từ hai năm qua đã mang lại mô hình mới, dựa trên các biện pháp bảo đảm sức khỏe và an toàn tại trường học”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho hay.
Để giảm bớt nỗi lo ngại của các bậc cha mẹ về nguy cơ bùng phát COVID-19 trong trường, dẫn đến lây truyền nCoV cho các thành viên trong gia đình học sinh và lan ra cộng đồng, giới chức các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp ứng phó khác nhau khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học.
Tại Singapore, Bộ Giáo dục nước này cũng đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn tại trường học nếu xuất hiện ca nhiễm. Nếu một học sinh có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với nCoV nhưng vẫn khỏe mạnh, học sinh này cần tự cách ly trong vòng 72 giờ, sau đó tự xét nghiệm nhanh thêm lần nữa. Học sinh có thể kết thúc quá trình tự cách ly và trở lại trường học khi có kết quả xét nghiệm nhanh lần hai âm tính.
Nếu một học sinh cảm thấy không khỏe và dương tính với nCoV thông qua xét nghiệm nhanh, Bộ Giáo dục Singapore khuyến cáo phụ huynh đưa con đến cơ sở y tế xét nghiệm PCR miễn phí gần nhất, kết quả sẽ được nhanh chóng gửi về nhà học sinh. Sáng kiến này do Chính phủ Singapore tài trợ, áp dụng đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
Trong tình huống phát hiện ca nhiễm nCoV tại lớp học, đối với các trường mầm non, do trẻ em không có ứng dụng truy vết tiếp xúc, trường sẽ cố gắng chủ động xác định những người tiếp xúc gần để ban hành cảnh báo nguy cơ sức khỏe.
Đối với các cấp học khác, Bộ Giáo dục Singapore sẽ tiến hành truy vết tiếp xúc thông qua ứng dụng và trực tiếp gửi cảnh báo nguy cơ với học sinh nếu đó là trường hợp tiếp xúc gần. Các trường học cũng sẽ khử trùng cơ sở vật chất và ra thông báo trước nếu lớp phải học từ xa trong một ngày để tiến hành công việc này.
Tây Ban Nha cũng sẽ tuyên bố dịch bùng phát nếu ghi nhận 3 ca nCoV trong lớp học, nhưng chỉ tiến hành xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần. Nếu người tiếp xúc gần âm tính với virus, xét nghiệm bổ sung sẽ được thực hiện sau 7 ngày.
Theo quy định trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của Pháp, lớp học sẽ bị đóng cửa nếu ghi nhận ít nhất ba học sinh nhiễm virus. Tuy nhiên, quy định mới ban hành chỉ yêu cầu những em dương tính với nCoV cách ly, còn lại sẽ xét nghiệm và có thể trở lại trường nếu âm tính. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quyết định có đóng cửa lớp học nếu số ca nhiễm gia tăng hay không.
Tại Đức, quy định giữa các khu vực khác nhau. Một số nơi như Thủ đô Berlin bắt buộc học sinh xét nghiệm nhanh ba lần mỗi tuần, trong khi bang Thuringia không áp dụng quy định này. Tại Hy Lạp, Chính phủ áp dụng quy tắc “50% +1”, tức là một lớp học cần được cách ly nếu một nửa số học sinh nhiễm nCoV.
Romania đưa ra chính sách khá nghiêm ngặt, yêu cầu các lớp chuyển sang hình thức học trực tuyến ngay khi phát hiện một ca nhiễm. Các lớp học trực tiếp sẽ được nối lại sau 8 ngày nếu tất cả học sinh âm tính với virus. Học sinh cũng phải xét nghiệm nhanh tại nhà hai lần mỗi tuần, chi phí được Chính phủ tài trợ.
Slovenia cũng yêu cầu toàn bộ lớp cách ly 7-10 ngày nếu phát hiện một ca nhiễm, ngay cả khi mọi học sinh đều đã tiêm chủng. Các học sinh được xét nghiệm nhanh 3 lần mỗi tuần, do phụ huynh tiến hành trong khuôn viên trường học.
Tại Mỹ, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), trong trường hợp phát hiện ca nhiễm nCoV từng đến trường học hoặc sự kiện của trường, điều tra ca nhiễm và truy vết tiếp xúc là những chiến lược quan trọng để giảm nguy cơ lây lan.
Quy trình xử lý khi trường học phát hiện ca nhiễm nCoV do CDC đưa ra bao gồm 6 bước. Đầu tiên là cần biết ngày mà ca nhiễm bắt đầu có triệu chứng hoặc ngày phát hiện dương tính với virus nếu không có triệu chứng. Điều này giúp xác định khoảng thời gian ca nhiễm nên cách ly và xác định trường hợp tiếp xúc gần.
Hai bước tiếp theo là hướng dẫn ca nhiễm cách ly và lập tức xác định các trường hợp tiếp xúc gần, đặc biệt là những người tiếp xúc ở bên ngoài trường học. Tiếp đó, cần thông báo cho tất cả các F1 về trạng thái của họ, đồng thời khuyến cáo họ tuân thủ những biện pháp bảo vệ bản thân và người khác mà CDC đưa ra.
Các khuyến cáo về cách ly và xét nghiệm đối với người tiếp xúc gần được điều chỉnh theo tình trạng tiêm chủng của người đó. Theo CDC, để giảm thiểu gián đoạn quá trình học trực tiếp, các trường học có thể cân nhắc không yêu cầu cách ly những học sinh 12-17 tuổi là F1 nhưng đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng tiêu chuẩn.
Học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và khách đến thăm được khuyến cáo thường xuyên đeo khẩu trang. Khi họ phải bỏ khẩu trang để ăn trưa, nhà trường cần bố trí giãn cách phù hợp tại bàn ăn.
Bước thứ 5 là thông báo cho toàn thể trường học về sự xuất hiện của COVID-19 tại trường. Tần suất thông báo có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với số lượng ca nhiễm nCoV trong trường học.
Cuối cùng, CDC cho biết nhà trường cần xác định thời điểm quay lại lớp sớm nhất có thể đối với các ca nhiễm và trường hợp tiếp xúc gần, đảm bảo những học sinh này không trực tiếp đến lớp cho tới khi kết thúc quá trình cách ly.