3 lần gặp gỡ đặc biệt của các cựu phi công
Vào tháng 4/2016, Đoàn 11 cựu phi công Mỹ (trong đó có cựu Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Peter Peterson) đã sang thăm Việt Nam. Mùa thu năm 2017, đoàn 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát dẫn đầu, đã hoàn tất các thủ tục “du lịch” lên đường đến TP San Diego miền viễn Tây Mỹ, bắt đầu những sự kiện đặc biệt trong cuộc hội ngộ lịch sử lần thứ hai với câu đề dẫn: “Từ không chiến đến hòa giải”.
Sau hai cuộc gặp mặt đó, ngày 3/10, các cựu phi công Việt Nam và Mỹ đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt lần thứ ba với với chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải và hợp tác, phát triển”. Những người lính trên hai chiến tuyến trong cuộc chiến tranh trên không ở Việt Nam (từ năm 1965 đến năm 1973) gồm 17 cựu phi công Mỹ cùng thân nhân và hơn 20 cựu phi công quân sự Việt Nam đã chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát (cựu phi công Mig-21), nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đại diện cho đoàn cựu phi công Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày nay, khi chiến tranh đã kết thúc, quan hệ hai nước đã bước sang trang mới theo hướng hợp tác toàn diện. Các phi công Việt Nam và Mỹ đều có chung tâm trạng muốn gặp lại đối thủ của mình năm xưa - người mà lúc đó họ chưa từng biết mặt, để cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm trong và sau chiến tranh.
Mục đích của cuộc gặp mặt không chỉ dừng lại ở việc muốn làm sáng tỏ một số thắc mắc vẫn theo đuổi mỗi phi công sau các trận không chiến cách đây gần nửa thế kỷ, mà sâu xa hơn, chúng ta muốn đẩy mối quan hệ sang một chương mới, góp phần xây dựng quan hệ của hai quốc gia tương xứng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước: “Gác lại quá khứ - hướng tới tương lai - xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện”.
Còn Đại tá Charlie Tutt - cựu phi công Mỹ chia sẻ: “Sau những cuộc gặp mặt, giao lưu chúng ta đánh giá về nhau cao hơn, cảm thấy tin tưởng nhau hơn và cùng trân trọng nhau hơn. Và việc mỗi cuộc gặp gỡ lần sau, số lượng các cựu phi công Việt Nam và Mỹ góp mặt càng đông hơn đã minh chứng rằng những cuộc gặp gỡ như thế này thực sự có ý nghĩa và quan hệ hai nước chúng ta đang phát triển một cách toàn diện và tốt đẹp”.
Hé lộ bí mật gần nửa thế kỷ trước
Phi công Nguyễn Sỹ Hưng kể lại, các phi công Mỹ từ trước tới giờ luôn nghĩ rằng, Không quân Việt Nam đã sử dụng chiến thuật bay cao, bay thấp thì mới có thể bắn hạ được máy bay đối phương. Tướng Soát đã bị chất vấn làm thế nào ông có thể dùng tên lửa hồng ngoại bắn trúng vào động cơ máy bay F4 của Mỹ trong điều kiện hai phi công Mỹ đều nhìn thấy máy bay của ông và có thể bắn được ông.
Thế nhưng cuối cùng, máy bay bị bắn rơi lại là máy bay Mỹ. Họ nghi ngờ rằng, chắc hẳn Việt Nam sử dụng chiến thuật bay cao và thấp. Tướng Soát thật thà cho biết, hôm đó không có nhóm bay cao hay thấp nào cả, mà chỉ có hai chiếc máy bay Việt Nam.Với kinh nghiệm trận mạc dày dặn, Tướng Soát đã xử lý tình huống cực nhanh và bắn hạ máy bay Mỹ trong thời gian cực ngắn: 1 phút 10 giây kể từ lúc phát hiện đến lúc bắn. Điều tiết lộ này của Tướng Soát gây bất ngờ và nể phục đối với phi công Mỹ.
Cũng qua cuộc trao đổi thẳng thắn với các phi công Mỹ, điều bí mật sau gần nửa thế kỷ cũng được giải mã. Thời đó, phi công Việt Nam luôn thắc mắc không hiểu làm thế nào mà máy bay của mình bay ở độ cao nào cũng bị máy bay Mỹ phát hiện, dù lúc đầu, họ bay rất thấp, lúc đến gần đối phương mới kéo lên cao. Phi công Mỹ tiết lộ, thời đó Mỹ đã lắp thiết bị phát sóng trùng tần số với máy “hỏi - đáp” trên máy bay Mig-21, nhờ đó họ phát hiện được Mig-21 ở trên không.
Tại cuộc gặp tại San Diego, Tướng Soát có dịp gặp lại cựu phi công F-4J John Cezak, người bị ông bắn rơi máy bay vào ngày 27/6/1972. Ông Cezak nhìn Tướng Soát hồi lâu, rồi hỏi: “Có phải ông là người bắn rơi máy bay của tôi, rồi còn vào Hỏa Lò thăm tôi?”.
Khi được hỏi về cảm nghĩ khi bị bắn rơi, phi công John Cezak đã nói: Đó là một ngày nắng đẹp, chúng tôi bay qua biên giới với tâm trạng phấn khích, nhưng chính Tướng Soát đây đã phá hỏng một ngày đẹp trời của tôi…
Máy bay do phi công Việt Nam Phạm Phú Thái điều khiển đã bị phi công Roy Cash bắn rơi ngày 10/7/1968. Ngày 27/6/1972, phi công Phạm Phú Thái đã bắn rơi máy bay do phi công Thomas Hanton điều khiển. Vào ngày gặp mặt, vợ phi công Thomas Hanton nắm tay Trung tướng Phạm Phú Thái nói: “Cảm ơn ông đã bắn rơi máy bay, mà Tom vẫn sống, khi Tom còn đang trong “Hilton Hà Nội” (Nhà tù Hỏa Lò – PV), cô vợ cũ đã bỏ đi lấy chồng khác, vì vậy tôi mới có cơ hội lấy được Tom”.
Đại tá Jack Ensch là phi công F-4 kỳ cựu của Hải quân Mỹ, ông đã qua chương trình đào tạo Top Gun, đã có hơn 800 lần hạ cánh trên hạm và tham chiến ở Việt Nam với 285 lần xuất kích. Đến ngày 25/8/1972 thì Jack bị tên lửa bắn rơi, nhảy dù xuống Hải Dương, bị bắt giam vào “Hilton Hà Nội”.
Khi sang Việt Nam lần đầu ông vẫn mang theo nỗi ám ảnh về 216 ngày bị giam trong Hỏa Lò, thậm chí còn nói không muốn gặp lại quản giáo năm xưa. Nhưng sau lần sang Việt Nam năm 2016, đặc biệt là sau cuộc gặp các cựu phi công Việt Nam đã khiến ông thay đổi hoàn toàn.
Khi trả lời phỏng vấn, sau khi tiếp đoàn cựu phi công Việt Nam, ông nói: “Nhà tù nhỏ nhất trên thế giới là giữa hai tai của chúng ta. Nếu chúng ta cứ nghĩ về hận thù, chúng ta sẽ mãi bị giam trong một nhà tù giữa hai tai. Hãy khép lại quá khứ, vượt qua để thoát ra khỏi nhà ngục này, hướng tới tương lai”.