Liên tục từ ngày 10 đến 14/8 (cả ngày thứ bảy), HĐXX đã xét hỏi nhóm bị cáo đại diện một số đơn vị, cá nhân về tội danh “Tham ô” trong vụ án Kho cảng LPG Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).
90 triệu + tham ô = 416 triệu
Hầu hết các bị cáo khi trả lời trước Tòa đều phân bua cho rằng sai phạm của mình là quan hệ giao dịch thông thường trong làm ăn, có những việc phải áp dụng “luật bất thành văn” của thị trường vào bối cảnh đó, và một số bị cáo cho rằng VKS truy tố họ về tội “Tham ô” là chưa chính xác và... oan (!).
Riêng buổi chiều ngày 13 và cả ngày 14, HĐXX xét hỏi nhóm bị cáo bị VKS truy tố về tội “Tham ô” thông qua hành vi lập Bản khoán khống số 198 ngày 13/11/1998 để rút hơn 114 triệu đồng.
Trong vụ này, bị cáo Đặng Hữu Quý - nguyên Giám đốc, Phan Thị Thu Thủy - Kế toán trưởng và Đỗ Duy Hồng và một số bị cáo khác Cty Tư vấn Đầu tư xây dựng (là một đơn vị được tách ra từ Cty Thiết kế và xây dựng dầu khí).
Các bị cáo tại phiên xử
Theo cáo trạng, năm 1998 Cty Chế biến Kinh doanh các sản phẩm khí có Tờ trình gửi Tổng Cty Dầu khí Việt Nam trình dự toán khảo sát địa chất bổ sung móng bể Condensat có giá trị 416 triệu đồng (làm tròn số) và đã dược Tổng Cty Dầu khí Việt Nam phê duyệt. Công việc được giao cho Đỗ Duy Hồng là Đội trưởng thực hiện nhưng đội của Hồng lại đi thuê Nguyễn Văn Hòe và Nguyễn Văn Lưu là cán bộ khảo sát của Bộ Xây dựng làm với giá thỏa thuận 90 triệu đồng (trọn gói) và đã thanh toán xong. Nhưng để rút được toàn bộ 416 triệu đồng mà Tổng Cty Dầu khí Việt Nam phê duyệt, Đặng Hữu Quý đã chỉ đạo Đỗ Duy Hồng và Phan Thị Thu Thủy lập khống Bản khoán số 198 có nội dung khoán cho đội khảo sát của Đỗ Duy Hồng khoan bổ sung năm mũi khoan địa chất với giá tiền 306 triệu đồng (làm tròn số - PV).
Để có chứng từ thanh toán, Hồng đã dùng thủ đoạn lập bốn bản hợp đồng giả cách với một số đối tác “ma”, sau khi trừ đi các khoản “hươu vượn”, còn lại 145 triệu đồng (làm tròn số) đã được chia chác như sau: Hồng hưởng 24 triệu đồng (làm tròn số), chi cho Đặng Hữu Quý 45 triệu đồng, Phan Thị Thu Thủy 25 triệu đồng, Vương Đức Tân 10,5 triệu đồng (vì Tân có “công” lập hợp đồng khống).
Quanh co cãi cùn
Trước Tòa, các bị cáo khai rằng không có chuyện lập Bản khoán và Hợp đồng khống, việc thi công công trình là có thật, giao khoán là có thật... Chẳng qua lúc đó do áp lực thời gian phải hoàn thành tiến độ nên họ phải thực hiện công việc trước, làm Bản khoán và Hợp đồng sau... Từ đó, các bị cáo chỉ thừa nhận đó là hành vi vi phạm Luật Kế toán Tài chính và xứng đáng được hưởng các khoản tiền do công sức của họ bỏ ra.
Nhưng khi Tòa hỏi về khoản tiền chênh lệch ngoài 90 tiệu đồng thanh toán cho đơn vị thực hiện thi công, còn lại đi đâu thì các bị cáo... “bí”! Riêng Đặng Hữu Quý khai: Chỉ giao khoán cho đội làm, còn việc thanh quyết toán do anh em thực hiện, Quý không biết. Các “lính” khai chi cho Quý 59 triệu đồng, nhưng Quý chỉ thừa nhận có nhận 4 triệu đồng vào dịp Tết vì anh em cho biết đây là nguồn tiền có được từ việc cho thuê nhà.
Chu Chất Chính khai: Hợp đồng bị quy kết nâng khống 25% để rút ra 39 triệu đồng là oan. Sở dĩ có việc này là do số lượng bản vẽ tăng lên 86 bản so với nhu cầu ban đầu nên phải tính tăng tiền chi phí theo tỷ lệ thuận thành 39 triệu đồng. HĐXX đã phải nhắc cho Chính biết là những lời khai của Chính trước Tòa là không khớp với những gì Chính khai trước cơ quan điều tra.
Chính cho biết: Khi ở trại giam, Chính nhận tin bố chết. Do nôn nóng được tại ngoại nên bị cáo đã khai chưa chính xác, nay trước HĐXX, bị cáo khẳng định những lời khai trước Tòa mới là đúng.
Trong tuần này, HĐXX tiếp tục hoàn tất việc xét hỏi, sau đó chuyển sang phần tranh tụng.
Tuấn Sơn