Từ “thủ phủ cà phê” …
Vinataba, Vifon, Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre cho đến nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết là một trong số ít các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam phát hiện ra thương hiệu của mình bị đánh cắp tại nước ngoài. Điều này đã dấy lên mối quan ngại cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam nói chung và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng về “vấn đề bảo hộ độc quyền thương hiệu”, cũng như các giải pháp làm thế nào để sản phẩm du lịch cà phê Việt Nam lấy lại sự nguyên vẹn, cũng như vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.
Trả lời báo chí, ông Thái Hồng Hà – Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết: “Một trong những chủ trương của ngành văn hóa là việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thông qua các chương trình tham quan du lịch, hội nghị, hội thảo du lịch nông nghiệp gắn với cà phê, chương trình phát triển nông thôn mới. Chúng tôi cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây dựng các chương trình, tour du lịch trải nghiệm, khám phá quy trình trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến và thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk để giới thiệu và phục vụ du khách trong và ngoài nước”.
Cũng theo ông Thái Hồng Hà nhận định: “Chỉ dẫn địa lý là lợi thế rất lớn đối với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, từ cơ sở quan trọng này, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột dần trở nên quen thuộc đối với người dân và du khách trong, ngoài nước qua đó, tiếp tục quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk là vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc”.
Bảo vệ thương hiệu cà phê Việt
Theo thống kê, hiện nay sản phẩm cà phê Robusta của Buôn Mê Thuột đã có mặt ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cà phê Buôn Mê Thuột là chỉ dẫn địa lý nhắc ta nhớ về mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại, là nơi đưa danh tiếng cà phê Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Cũng chính vì sự nổi tiếng được tạo nên bởi hương vị độc đáo, thể chất đậm đà mà thương hiệu này của nước nhà ngang nhiên bị đánh cắp một cách đầy “đau đớn”.
Mới đây, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam được Công ty tư vấn sở hữu công nghiệp BROSS & PARTNERS có trụ sở tại Hà Nội phát hiện bị đánh cắp thương hiệu. Theo đó, địa danh “Buon Ma Thuot”, cả tiếng Latinh và tiếng Trung, đã bị một doanh nghiệp (DN) ở Quảng Đông (Trung Quốc) có tên là Công ty Guangzhou đăng ký bảo hộ và được cấp chứng nhận bảo hộ số 7970830, nhóm sản phẩm 30 (cà phê); hiệu lực văn bằng 10 năm kể từ 14/11/2010.
Điều này đặt nước ta vào bối cảnh khi mà thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột như một “chiếc bánh ngọt” bị các quốc gia khác lăm le “xâu xé”. Hơn bao giờ hết Việt Nam cần mở rộng hệ thống “bảo tàng cà phê”. Cùng với các quốc gia tầm cỡ có bảo tàng cà phê như: Brazil - cường quốc số 1 về cà phê của thế giới - bảo tàng cà phê quốc gia được thành lập năm 1988, đặt ở Santos, Ethiopia - quê hương đầu tiên, nơi những chú dê phát hiện ra sự tuyệt diệu của hạt cà phê, ở Đức, có bảo tàng cà phê Jacobs…, thì lần đầu tiên ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Trung Nguyên cũng đã xây dựng được bảo tàng cà phê với hơn 10.000 hiện vật được trưng bày tại Làng Cà phê Trung Nguyên với mục đích xây dựng một không gian văn hóa giới thiệu văn hóa cà phê của Trung Nguyên đồng thời giao lưu văn hóa cà phê với các nước trên thế giới.
Từ đó cho thấy, việc xây dựng các bảo tàng cà phê là biện pháp để bảo tồn thương hiệu cà phê Việt Nam. Bởi, bảo tàng được ví như một thế giới thu nhỏ của sản phẩm cà phê đưa du khách đi qua từng vùng, miền khác nhau, chứa đựng các giá trị văn hóa gợi nhắc cho du khách nhớ về thời kỳ lịch sử của cà phê, quy trình chế biến cũng như các câu chuyện gắn liền với nét đặc trưng của hương vị cà phê ngày nay. Với những người ưa khám phá và tìm tòi thì đây là một nơi lý tưởng tìm hiểu thêm và thêm yêu hơn với thứ đồ uống nức tiếng này của Việt Nam.
Như vậy, một thương hiệu “chính danh” khi đã gắn liền với một câu chuyện lịch sử thì chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc với du khách. Dù cho họ có đi đến những nơi mang thương hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” thì điều du khách vẫn luôn tâm niệm đó là cà phê của Việt Nam chứ không phải cà phê của Trung Quốc. Và chắc chắn điều đọng lại trong họ sẽ mãi là câu chuyện về một sản phẩm du lịch được quảng bá tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.
Thiết nghĩ, việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gắn liền với một câu chuyện văn hóa lịch sử nơi vùng đất cao nguyên huyền thoại sẽ làm cho người ta nhớ tới một thứ đồ uống thức thời của Việt Nam không chỉ đặc trưng bởi hương vị, quy trình mà còn ẩn chứa cả một câu chuyện văn hóa đằng sau.