Chuyện về những người chật vật trong tâm “bão”
Vào một trưa trời nắng oi ả, dưới cái nóng 38 độ, chị Bảo Thanh (40 tuổi, Hà Nội) vẫn đang lúi húi trong chợ cóc để lựa từng mớ rau, thớ thịt cho bữa cơm của cả gia đình. Hè về, thời điểm giữa trưa cái nắng chói chang rọi thẳng xuống khu chợ, khiến không khí nơi đây nóng bức, ngột ngạt như lò nung. Khung giờ này nhiều người chỉ muốn ở trong nhà “trốn” nóng, ấy vậy mà đây lại là “giờ vàng” đi chợ yêu thích của chị. Bởi chị biết đây cũng là lúc dân chợ “bỏ của chạy lấy người”, bán rẻ, bán nốt rồi dọn hàng về sớm vì không thể ngồi bán giữa cái nóng “như thiêu như đốt”.
Trước đó, chị Thanh đã từng là một người phụ nữ thành phố chính hiệu khi luôn mua đồ ăn tươi sẵn trong siêu thị, dù giá cả có cao hơn nhưng với sự tiện nghi, thoáng mát, siêu thị vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của chị. Vậy nhưng, khi đại dịch COVID-19 ập đến, công việc gắn bó hơn 10 năm bỗng dang dở, nguồn thu nhập của cả nhà bốn nhân khẩu giờ chỉ còn mình chồng chị. Mức sống cũng vì thế mà giảm đi, thay vì đi siêu thị, chợ cóc, chợ tạm trở thành lựa chọn duy nhất của gia đình.
Sau đợt dịch căng thẳng, chị đã kiếm được một công việc part time (bán thời gian) để có đồng ra đồng vào, bữa cơm gia đình dù vẫn mua thực phẩm ở chợ nhưng cũng tươm tất hơn, đầy đủ ba món. Những tưởng mức sống sẽ khá dần lên khi đại dịch đã tạm ổn nhưng cơn “bão giá” ập tới vài tháng qua khiến mỗi ngày chị lại loay hoay vì nỗi lo “miếng cơm, manh áo”.
“Mỗi ngày đọc tin tức nào là giá xăng tăng lên đỉnh mới, nào là giá thực phẩm tăng mạnh hay hàng hoá dồn dập tăng giá,… mà lòng tôi lại nặng trĩu. Nhà có bốn người, vợ chồng tôi và hai cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, tốn kém lắm. Riêng hai đứa nhỏ, chi phí tiền học chính, “học thêm học nếm” đã hết 5 triệu/tháng. Mà còn bao nhiêu chi phí phải lo khác.
Trong khi đó, không chỉ xăng tăng mạnh mà từ mớ rau, cân thịt, gạo, dầu ăn đều tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Cái gì cũng tăng giá vèo vèo, lương thì cũng tăng đấy nhưng không ăn thua so với vật giá leo thang. Nói thật nhà tôi tháng nào cũng túng tiền, anh xã luôn phải ứng lương trước để chi tiêu nhưng cũng đành vậy. Bảo bố mẹ nhịn ăn, nhịn mặc còn được chứ hai đứa nhỏ tôi không đành…”, chị Thanh tâm sự.
Nhìn vào thực tế, nỗi lo của chị Thanh không hề thừa thãi trong thời điểm này. Chỉ riêng xăng dầu, tính đến ngày 21/6, giá xăng trong nước đã tăng tới 500 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 tiến tới mốc 33.000 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp từ 21/4 đến nay. Đây là mức tăng cao chưa từng có, xăng tăng kéo theo đó là tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải, tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu và hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ, làm xáo trộn đời sống của người dân.
Đối với lương thực, thực phẩm khô và tươi sống cũng đã điều chỉnh sang mức giá mới, tăng giá từ 5% đến 20%. Trong đó, có nhiều mặt hàng thiết yếu với nhiều gia đình như trứng, dầu ăn, mì tôm… cũng điều chỉnh tăng giá bán từ 5% đến 10%. Trước tình trạng “bão giá” tăng chóng mặt như hiện nay, không chỉ người mua mà người bán cũng chật vật không kém.
Anh Khắc Hưng (42 tuổi, Hưng Yên), có thâm niên chục năm kinh doanh rau củ tại chợ nhưng cũng phải “nhăn mặt” với cơn tăng giá chóng mặt này. Anh cho biết: “Giá xăng cứ lên đỉnh như thế, thử hỏi có cái gì không tăng không. Nào thì chi phí đi lại, chi phí nhập thực phẩm chưa kể còn khoản này, khoản kia. Tôi nhập hàng về bán, không tăng giá thì lỗ mà tăng thì ế. Có những ngày đi bán cả ngày mà ế dăm bó rau là coi như đi làm không công cả buổi rồi. Thời tiết thì khắc nghiệt để qua ngày là rau chả còn ngon và tươi nữa”.
Có thể thấy, cơn “bão giá” này đang ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng có thu nhập từ thấp đến trung bình và nhất là những người lên thành phố mưu sinh, lập nghiệp. Dù đã cố gắng xoay xở trong cơn “bão giá” nhưng vẫn không đủ sống, nhiều cặp vợ chồng di cư về quê vì thu không đủ chi.
Vợ chồng anh Mạnh Khang (30 tuổi, Bình Dương), làm xe ôm công nghệ trên TP HCM chia sẻ về khó khăn trong thời gian qua: “Mọi thứ đều tăng giá từ tiền điện, tiền nước, đặc biệt là xăng xe. Hai vợ chồng lên TP HCM mưu sinh nên cần phải chi tiêu rất nhiều khoản: thuê nhà, ăn uống, đi lại,... việc giá cả leo thang như vậy khiến người lao động xa quê như chúng tôi không đủ tiền để chi tiêu các khoản thiết yếu. Trong khi tiền kiếm được thì “ba cọc ba đồng”, tiền xăng còn quá tiền chạy cước thì cơm còn không có rau chứ đừng nói có thịt. Cứ đà này, bám trụ lại thành phố cũng không nổi, sang tháng hai vợ chồng định kéo nhau về quê kiếm ăn thôi”.
Giờ đây, nỗi lo “bão giá” không chỉ của riêng gia đình chị Thanh, anh Khang mà còn là nỗi lo chung của hầu hết người dân sống tại thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM,... Ảnh hưởng của “bão giá” dễ dàng nhận thấy nhất có lẽ là qua mâm cơm của những người lao động, vốn đã giản đơn giờ lại càng thêm đạm bạc.
Giá xăng tăng mạnh - nguyên nhân chính gây “bão giá”. |
Học cách vượt qua “bão giá”
Trở lại câu chuyện “giờ vàng” đi chợ, chị Thanh chia sẻ đây là một trong những cách thắt chặt chi tiêu “có một không hai” thời gian này của chị. Bởi vẫn muốn cả nhà có bữa cơm tươm tất nhưng lại không kham nổi giá cả tăng vọt nên chị đành chịu nắng, chịu nóng đi chợ vào cái giờ không giống ai để mua được thực phẩm giá rẻ.
“Hơn tháng nay tôi toàn áp dụng cách đi chợ này, nóng thì nóng thật đấy nhưng ví tiền nó đỡ hao đi hẳn”, chị Thanh cười kể. “Ngày trước tôi thường đi chợ sớm, trời vừa mát mẻ, thực phẩm lại tươi ngon nhưng nói thật là từ khi “bão giá”, giá cao quá. Vì công việc part time buổi chiều mới phải đi, nên tôi toàn canh ra chợ lúc giữa trưa, tầm nắng nóng như đổ lửa nhiều anh chị dân buôn bán tháo, bán nốt rồi tranh thủ dọn hàng về cho sớm chợ. Với cách này tôi vừa mua được thực phẩm giá rẻ hơn mà vẫn tươi vì là đồ trong ngày”.
Cũng giống như chị Thanh, chị Thu Hà (37 tuổi, Hà Nội) và gia đình cũng đang trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” để không bị “âm tiền” vào cuối tháng. Nếu như ngày trước chỉ với 100 nghìn đồng đi chợ là chị đã đủ mua thịt cá, rau củ cho một bữa tối tinh tươm, thì giờ phải 150 nghìn đồng mới được một mâm cơm đủ ăn. Hay như xăng xe, thường chị đi đổ gần 100 nghìn đồng là đầy bình thì giờ phải hơn 150 nghìn đồng nếu vạch xăng chạm đỏ.
Để vượt qua “bão giá”, gia đình chị Hà đã có những giải pháp thắt chặt chi tiêu cho hợp lý. Trước tình trạng thực phẩm thành phố ngày càng leo thang, chị Hà nhờ mẹ ở dưới quê gửi thực phẩm “nhà làm” như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng,… lên theo tuần bằng xe khách. Còn rau thì chị tự trồng và thu hoạch tại nhà như giá, xà lách, dền, cải ngọt,… tất cả vừa sạch sẽ lại tiết kiệm. Còn để đỡ tiền xăng xe, chị Hà lựa chọn giải pháp từ bỏ xe máy, đi xe đạp đi làm. Theo chị, cách này vừa tiết kiệm tiền xăng mà còn thon thả, đẹp dáng. “Tôi mới khởi động kế hoạch thắt chặt chi tiêu này tầm hơn tháng nay nhưng kết quả rất khả quan. Trung bình một tháng tôi có thể tiết kiệm được mấy triệu tiền sinh hoạt. Tiền đấy cũng chả dư đâu nhưng mà không âm là tôi mừng rồi”, chị Hà tâm sự.
Cũng giống như chị Thanh, chị Hà, nhiều gia đình trên thành phố cũng đang xoay xở học cách vượt qua “bão giá”. Bên cạnh những bí quyết riêng của mỗi gia đình thì giảm thiểu sự lãng phí, tối đa hoá giá trị chi tiêu là một trong những cách giúp tiết kiệm tiền bạc hiệu quả trong thời kỳ này. Để tránh các khoản phát sinh không đáng gây hoang phí tiền bạc, mỗi gia đình cần lên sẵn ngân sách chi tiêu theo tuần, theo tháng. Nên khoán trước những khoản tiền cố định cho từng mục như điện nước, ăn uống, đi lại, tiền học, mua sắm, phát sinh,… và cố gắng chi tiêu đúng theo kế hoạch, hạn chế chi dư số tiền đã đề ra. Có như vậy cả nhà mới có thể thích nghi với thời “bão giá”.
Trong bối cảnh vật giá leo thang, túi tiền của nhiều gia đình bị siết chặt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức sống của họ. Thế nhưng, “bão giá” không phải là một bài toán khó nếu như cả gia đình có cách chi tiêu hợp lý trong thời điểm này.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu