Đối tượng áp dụng gồm: Người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản bằng phương pháp hầm lò; người lao động (NLĐ) làm việc trong hầm lò tại các công trình khai thác mỏ hầm lò. Thông tư này không áp dụng đối với NLĐ làm việc tại các mỏ hầm lò nhưng không làm các công việc trong hầm lò.
Theo Thông tư, ca làm việc của NLĐ trong hầm lò là khoảng thời gian từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại nhà giao ca cho đến khi trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ sau khi kết thúc công việc, bao gồm: Thời gian nhận nhiệm vụ, thời gian di chuyển từ nhà giao ca đến vị trí sản xuất và trở lại sân công nghiệp trên mặt bằng mỏ (bao gồm cả khoảng thời gian NLĐ di chuyển từ cửa lò đến vị trí sản xuất được giao nhiệm vụ trong hầm lò và ngược lại) và thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò.
Còn thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò là khoảng thời gian NLĐ trực tiếp làm nhiệm vụ được giao tại vị trí sản xuất trong hầm lò đến khi kết thúc công việc tại vị trí làm việc, bao gồm cả thời gian nghỉ trong giờ làm việc. Công việc trong hầm lò là tất cả các công việc phục vụ cho việc khai thác mỏ hầm lò tính từ cửa lò đến vị trí sản xuất trong hầm lò và ngược lại.
Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ trong hầm lò. Theo đó, ca làm việc của NLĐ trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày. Thời giờ làm việc của NLĐ tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 1 tuần.
Đối với viêc làm thêm giờ, Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định: Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài ca làm việc quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này; bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm; việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của NLĐ và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.
Thông tư 04/2021/TT-BCT quy định: Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động. Cụ thể, NLĐ làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp NLĐ làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho NLĐ các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Cũng theo Thông tư 04/2021/TT-BCT, đối với nghỉ chuyển ca; nghỉ hằng tuần; nghỉ lễ, tết; nghỉ hàng năm; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tuân thủ theo quy định tại Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 115 Bộ luật Lao động.
Thông tư 04/2021/TT-BC yêu cầu người sử dụng lao động phải quy định cụ thể ca làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các công việc trong hầm lò tại nội quy lao động và thông báo cho NLĐ theo quy định của pháp luật; hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương theo định kỳ trước ngày 15/1 và báo cáo đột xuất trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện các quy định tại Thông tư này. Thông tư 04/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.