Ít nhất 73 hộ dân xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và các xã khác đã gửi vào Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Thọ Lộc khoảng 13 tỷ đồng. Đến nay đã quá hạn từ 1 tháng đến 1 năm nhưng nhiều hộ chưa nhận được tiền lãi. Bức xúc, người dân đi rút tiền nhưng đi lại nhiều lần họ vẫn không rút được đồng nào.
Người dân tụ tập trước cửa phòng tín dụng đòi rút tiền. |
QTDND Thọ Lộc là tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Quỹ được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy phép số 71/NH – GP ngày 8/3/1997 với nội dung hoạt động là huy động tiền gửi và cho vay các thành viên trong địa bàn xã Thọ Lộc; Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh số 251849 ( đăng ký lần đầu ngày 2/6/1998), đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 26/12/ 2008, vốn điều lệ: 718 triệu đồng.
Từ năm 1997 đến 2011, QTDND Thọ Lộc hoạt động khả quan, nhưng năm 2012 do ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nước, quỹ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sự việc người dân kéo nhau đi rút tiền nhiều tháng nay nhưng chưa chi trả.
Theo số liệu QTDND Thọ Lộc cung cấp, tính đến ngày 31/12/2012, quỹ có tổng dư nợ 15.477.921.000 đồng. Trong đó, vốn huy động từ dân là 12.629.000.000 đồng (với 452 sổ gửi), 2 tỷ vay của Quỹ TW, còn lại là vốn góp của thành viên QTD. Nợ xấu dân vay sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, làm kinh tế VAC… tổng cộng là 29 món vay (hợp đồng tín dụng vay) với tổng số tiền là 1.981.800.000 đồng. Theo phân tích của QTD thì nợ xấu của quỹ vào khoảng 13%, cao hơn quy định của Nhà nước (cho phép là dưới 5 %).
Như vậy, vấn đề đặt ra là, vì sao nợ xấu người dân vay chỉ chiếm gần 2 tỷ đồng, vậy còn lại khoảng 13 tỷ đồng không biết QTD hoạt động cho vay như thế nào mà chưa có khả năng chi trả cho người gửi khi tới hạn?.
Trao đổi về vấn đề này, bà Khuất Thị Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Thọ Lộc và ông Nguyễn Duy Dần, Phó Giám đốc QTD đều cho rằng: “ Năm 2012, hoạt động của QTDND Thọ Lộc gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó những năm trước người dân gửi thời hạn dài từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng năm 2012 thì chủ yếu người dân gửi ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng. Do đó thời gian gửi với thời gian cho vay chênh lệch nhiều, không phù hợp, khiến công tác thu nợ của quỹ gặp rất nhiều khó khăn. Không phải Quỹ không có khả năng chi trả mà khất sẽ trả, nhưng sẽ trả dần ”.
Dù người dân gửi nhiều hay ít thì giờ đây đều lâm vào tình trạng muốn rút tiền nhưng không được. Ông Khuất Trọng Thực, ở cụm 5, xã Thọ Lộc, bức xúc nói:
“Tôi gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn là 1 năm, nay đã quá hạn hơn 1 tháng. Giờ tôi muốn rút tất cả gốc lẫn lãi về để xây nhà, mà ra QTD khoảng 10 lần nhưng cả rút với trừ nợ cho bà chị gái với con rể mới được 198 triệu đồng, tính ra còn chưa đủ số tiền lãi của tôi. Dân chúng tôi đã gửi đơn lên UBND xã, UBND và một số cơ quan chức năng đề nghị xem xét giải quyết ”.
Đặc biệt có một vài hoàn cảnh hiện rất khó khăn, muốn rút toàn bộ tiền ra nhưng cũng không được như trường hợp Bà Nguyễn Thị Tằm (75 tuổi), sống độc thân không nơi nương tựa gửi 13 triệu đồng để an dưỡng tuổi già, cụ Khuất Thị Sở (101 tuổi, mới mất) ở thôn Ổ Thôn, xã Thọ Lộc, là mẹ của hai liệt sỹ gửi 20 triệu đồng; cụ Nguyễn Thị Thực (70 tuổi) gửi 20 triệu đồng…
Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh thành phố Hà Nội thì “trong thời gian thanh tra, tình hình hoạt động của QTDND Thọ Lộc không ổn định, còn nhiều tồn tại, sai phạm trong công tác quản trị, kiểm soát và điều hành”.
Một số cá nhân liên quan trong vụ việc cũng đã bị cơ quan công an huyện Phúc Thọ triệu tập để điều tra. Tuy vậy đến nay người dân vẫn từng ngày, từng giờ chờ cơ quan chức năng làm rõ vấn đề, trả lại những đồng tiền mà họ chắt bóp bằng mồ hôi nước mắt mới mong kiếm được.
Đỗ Đức