Bức tường chia cắt quan điểm nước Mỹ

Trump xem xét các mẫu tường biên giới ở California tháng 7/2018
Trump xem xét các mẫu tường biên giới ở California tháng 7/2018
(PLVN) - Nhìn bề ngoài, “cuộc chiến” khiến chính phủ Mỹ bị đóng cửa trong gần ba tuần qua đều liên quan đến những tranh cãi quanh dự án xây dựng bức tường biên giới 5 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump từng đưa ra khi tranh cử. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng về bản chất, đây là cuộc đối đầu giữa hai ý niệm hoàn toàn khác nhau về bản sắc của nước Mỹ hiện nay.

"Kín cổng cao tường", hay "hướng về phía trước"?

Một quan điểm cho rằng ý tưởng xây bức tường biên giới với Mexico của Trump là minh chứng cho khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", câu nói thể hiện niềm tin trước sau như một của Trump rằng nước Mỹ hiện nay là một "thảm họa", hay theo ngôn từ trong diễn văn nhậm chức của ông là "sự giết chóc". Trump muốn đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ trước, bằng cách ngăn trở, trục xuất hoặc hạn chế những người ông cho là đã làm thay đổi đất nước này.

Với tâm niệm đó, Trump không chỉ muốn dựng lên bức tường bê tông hay rào thép để ngăn cản dòng người di cư bất hợp pháp từ Nam Mỹ. Ông còn tạo ra các rào cản pháp lý để ngăn những người nhập cư hợp pháp, phần lớn đến từ châu Á, trong khi kêu gọi tăng lượng người nhập cư da trắng đến từ châu Âu, chẳng hạn như Na Uy.

Trong khi đó, các đối thủ của Trump, chủ yếu là những nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện, lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược về nước Mỹ. Họ cho rằng "những ngày xưa thân ái" mà Trump thường nhắc tới không hẳn tốt đẹp cho đại bộ phận người Mỹ, đặc biệt là những người da màu và các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo thiểu số. Những người theo quan điểm này muốn giữ cánh cửa tới nước Mỹ luôn rộng mở và hướng tới tương lai, thay vì nuối tiếc quá khứ.

Niềm tin của họ xuất phát từ câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Ronald Reagan rằng "Những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đang ở phía trước" và những hành động thực tiễn của cựu tổng thống Barack Obama trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhóm nhập cư cũng như thiểu số. 

Họ cho rằng bức tường biên giới của Trump vừa là trở ngại về vật lý, vừa là hành động phi đạo đức không thể chấp nhận được. Nancy Pelosi, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ, gọi đây "không phải là nước Mỹ như một quốc gia".

Tổng thống Trump phát biểu tại biên giới Mỹ - Mexico hôm 10/1/2019
Tổng thống Trump phát biểu tại biên giới Mỹ - Mexico hôm 10/1/2019

Trump bắt đầu ra mặt đối đầu với lập trường này từ tháng 6/2015, khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống và cam kết "xây một bức tường siêu vĩ đại ở biên giới phía nam" để ngăn chặn "những kẻ khủng bố, hiếp dâm và buôn lậu ma túy từ Mexico cũng như nhiều nơi khác". "Và tôi sẽ buộc Mexico phải chi tiền cho bức tường", ông nói thêm.

Ý tưởng buộc Mexico phải chi tiền xây tường đã phá sản từ lâu, dù Trump tuyên bố rằng việc thu nhập của người Mỹ tăng lên nhờ hiệp định thương mại mới ký với Canada và Mexico đồng nghĩa với việc Mexico ít nhất đã "trả tiền gián tiếp cho bức tường".

Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp từ Phòng Bầu dục hôm 8/1, Trump tìm cách tái định nghĩa bức tường, cho rằng đây không phải là một hàng rào mà là giải pháp để xử lý "cuộc khủng hoảng nhân đạo" ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ gốc Phi, gốc Mexico, phụ nữ và trẻ em. Ông khẳng định cuộc khủng hoảng này không phải do mình gây ra, mà xuất phát từ "các chuyên gia hành pháp".

Nhưng với Trump, bức tường vẫn là giải pháp mang tính biểu tượng để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và ông vẫn muốn dựng rào thép để xử lý vấn đề này, dù người vượt biên bất hợp pháp không phải nguồn nhập cư trái phép duy nhất ở Mỹ. Nghiên cứu của Trung tâm Pew cho thấy lượng người đến Mỹ bằng visa hợp pháp sau đó trốn ở lại còn cao hơn rất nhiều so với người vượt biên từ Mexico.

Dù vậy, Trump vẫn khước từ mọi thỏa hiệp để giải quyết những vấn đề nhập cư cấp bách và phức tạp, khăng khăng đòi xây bức tường biên giới để thực thi chính sách "rào kín nước Mỹ" của mình.

Trong cuộc thảo luận với các lãnh đạo đảng Dân chủ ở Nhà Trắng hôm qua, Trump đùng đùng nổi giận bỏ ra ngoài khi đối thủ không chấp nhận ý tưởng xây tường của ông. Tổng thống Mỹ sau đó gọi cuộc thảo luận này là "hoàn toàn phí thời gian".

Trong hai năm cầm quyền đầu tiên của Trump, nước Mỹ trong mắt cộng đồng quốc tế trở thành một quốc gia "không khoan nhượng" với người nhập cư, khi ngăn cấm công dân một số nước Hồi giáo nhập cảnh và tìm mọi cách cắt giảm số người đến Mỹ, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những sắc lệnh hành pháp của Trump từng gây rối loạn ở các sân bay Mỹ và làm dấy lên phản ứng quyết liệt từ dư luận.

Các thẩm phán liên bang Mỹ đã phải nhiều lần can thiệp vào các sắc lệnh này của Trump. Họ yêu cầu chính quyền không hủy bỏ chương trình DACA bảo vệ khoảng 800.000 trẻ em được bố mẹ đưa tới Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, hay chặn sắc lệnh trục xuất 300.000 người tới Mỹ tị nạn do thiên tai, xung đột vũ trang và các mối đe dọa ở El Salvador, Haiti, Nicaragua và Sudan.

Các thẩm phán cho rằng chính sách này phản ánh "thái độ chống lại người nhập cư không phải da trắng, không có nguồn gốc châu Âu, vi phạm quy định về quyền bình đẳng trong hiến pháp".

Nhiều người nhập cư hợp pháp đến Mỹ cũng bị chính quyền Trump hạn chế cấp quốc tịch hoặc thẻ thường trú (thẻ xanh) nếu họ hưởng các phúc lợi như bảo hiểm y tế Mediaid, phiếu ăn hay nhà ở xã hội. Phần lớn trong số 12,6 triệu người được cấp thẻ xanh ở Mỹ đến từ các nước như Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Cộng hòa Dominica.

Một cậu bé Mexico nhìn qua hàng rào biên giới với Mỹ năm 2016
Một cậu bé Mexico nhìn qua hàng rào biên giới với Mỹ năm 2016

Không chỉ ngăn cản dòng người tới Mỹ từ bên ngoài, chính quyền Trump còn tìm cách giảm bớt những chính sách bảo vệ với các cộng đồng thiểu số trong nước, từ quyền bầu cử của người da màu cho tới quyền nhập ngũ của những người chuyển giới.

Tuyên bố bất ngờ

Sau cuộc thương thảo bất thành với các nghị sĩ đảng Dân chủ ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/1 bay tới khu vực biên giới ở Texas, giáp Mexico và yêu cầu các quan chức Lầu Năm Góc xem xét sử dụng kinh phí phân bổ cho lực lượng công binh để xây bức tường biên giới trong trường hợp ông ban bố tình trạng khẩn cấp.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể được Trump coi là lối thoát duy nhất lúc này, khi các cuộc đàm phán với lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều lâm vào bế tắc.

Ngay sau đó, Trump tuyên bố rằng sẽ "rất ngạc nhiên" nếu ông không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi không đạt được thỏa thuận với phe Dân chủ. "Chúng ta phải có một chiến thắng, hoặc là tôi sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp", ông chủ Nhà Trắng nói trước khi lên đường tới Texas.

Trump hoàn toàn có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để giúp ông có thêm quyền lực hành pháp theo các điều khoản của Đạo luật Các tình huống khẩn cấp Quốc gia năm 1976. Đạo luật này không đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho "tình huống khẩn cấp quốc gia", nên việc định đoạt tùy thuộc vào tổng thống.

Kể từ khi đạo luật này được ban hành, các đời tổng thống Mỹ đã 58 lần ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó 31 lệnh vẫn còn hiệu lực. Một số lệnh đưa ra các quy định về kiểm soát xuất khẩu, thi hành các lệnh cấm vận kinh tế hay xử lý vấn đề nhân quyền.

Cựu tổng thống George W. Bush ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ba ngày sau vụ khủng bố 11/9/2001 và lệnh này tiếp tục được gia hạn hàng năm, kể cả dưới thời Trump.

"Tổng thống Trump về cơ bản có thể ban bố tình trạng khẩn cấp bất cứ lúc nào ông ấy muốn", Josh Blackman, chuyên gia luật hiến pháp tại Đại học Luật Nam Texas, nói. "Quốc hội Mỹ không hạn chế sự toàn quyền hành động của tổng thống theo đạo luật này".

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, Trump có thể dẫn một số quy định trong Bộ luật Mỹ mà ông tin rằng có thể giúp ông có thẩm quyền xây tường biên giới. Điều 10 trong Bộ luật quy định trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, Bộ Quốc phòng "có thể thực hiện các dự án xây dựng" từ nguồn ngân sách được phân bổ cho hoạt động xây dựng trong quân đội, chẳng hạn như việc xây nhà cho gia đình quân nhân.

Các chuyên gia ước tính lực lượng công binh Mỹ hiện có ngân sách 13 tỷ USD để thực hiện các dự án xây dựng doanh trại, nhà ở, nhưng 11 tỷ USD trong số đó đã được phân bổ vào các dự án, chỉ còn 2 tỷ USD chưa được phân bổ.

Người dân ở Texas biểu tình phản đối kế hoạch xây tường biên giới của Trump hôm 10/1/2019
Người dân ở Texas biểu tình phản đối kế hoạch xây tường biên giới của Trump hôm 10/1/2019

Bộ luật cũng cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng nguồn ngân sách, nhân sự, thiết bị vốn phục vụ cho các hoạt động xây dựng dân sự để thực hiện dự án được coi là "quan trọng với an ninh quốc phòng", chẳng hạn như bức tường biên giới. Ngân sách dành cho các hoạt động chống ma túy, chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới cũng có thể được huy động cho mục đích này.

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, chính quyền Trump còn có thể dùng 2,5 tỷ USD vốn dành cho các dự án tái thiết ở Puerto Rico sau cơn bão Maria năm 2017 cũng như số tiền 2,4 tỷ USD khắc phục hậu quả lũ lụt, cháy rừng ở California để chi cho hoạt động xây tường.

Với toàn bộ số tiền này, Trump sẽ có nhiều hơn 5,7 tỷ USD mà ông từng đề xuất và có thể xây tường rào bằng cọc thép cao hơn 9m dọc đường biên giới dài hơn 3.200 km ở phía nam. Ông sẽ có cơ hội tuyên bố chiến thắng trước phe Dân chủ và hoàn thành một trong những cam kết tranh cử lớn nhất của mình.

Cân nhắc hệ lụy

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng hành động kiểu đơn phương và mang nặng quyền lực hành pháp kiểu này sẽ khiến Trump phải đối mặt với rất nhiều thách thức, có thể làm đổ vỡ những toan tính lớn của ông.

Quốc hội Mỹ có thể tìm cách cản trở Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp bằng cách thông qua một đạo luật đình chỉ mệnh lệnh hành pháp này. Tuy nhiên, Trump lại có quyền phủ quyết đạo luật đó, và quốc hội Mỹ từ trước tới nay chưa bao giờ bỏ phiếu ngăn cản việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chuyên gia Blackman nhận định Trump nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện trước tòa án liên bang cũng như tòa án tối cao. Những người lẽ ra được hưởng lợi từ các dự án tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai ở California có thể kiện chính quyền Trump khi nguồn ngân sách lẽ ra dành cho họ lại bị chuyển tới xây bức tường biên giới.

Các thẩm phán liên bang có thể ra phán quyết ngăn chặn việc điều chỉnh mục đích sử dụng của các nguồn ngân sách đã phân bổ, khiến dự án xây tường gặp nhiều trắc trở, thậm chí đình trệ.

Bức tường biên giới mà Trump định xây còn chạy qua phần đất sở hữu riêng của nhiều chủ nông trại ở biên giới và quá trình giải phóng mặt bằng có thể bị cản trở bởi đơn kiện của những chủ đất này. Khi hàng loạt đơn kiện được nộp lên, chính quyền Trump có thể vướng vào những cuộc tranh cãi pháp lý kéo 

"Khi chứng kiến bức tường thép hoặc bê tông chạy qua đất của mình, nhiều chủ đất chắc chắn sẽ đệ đơn kiện. Họ sẽ lập luận rằng Tổng thống đưa ra lý do không thuyết phục để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia", William Galston, chuyên gia tại Viện Brookings, dự đoán những thách thức pháp lý mà Trump sẽ phải đối mặt khi quyết dùng quyền lực hành pháp để xây tường biên giới.

Thời điểm Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng sẽ bị nhiều người đặt câu hỏi. "Tình trạng an ninh mà chính quyền Trump mô tả như một “cuộc khủng hoảng” không đột nhiên diễn ra trong một đêm, mà đã tồn tại từ nhiều tuần, nhiều tháng trước.

Nếu tình trạng khẩn cấp đó diễn ra vài tuần trước, tại sao đến giờ nó mới được Tổng thống ban bố?", John Cohen, cựu quyền trợ lý bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói. "Nó làm dấy lên hoài nghi về việc đây có thực sự là tình huống khẩn cấp, hay chỉ là một chiến lược chính trị dựa trên sự bất đồng về quyền lực?"

Bởi vậy, Blackman cho rằng nếu quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới, Trump sẽ phải "nâng lên đặt xuống" và tính toán thiệt hơn rất kỹ càng, nếu không muốn gánh chịu những tác động ngược từ dư luận và bị coi là kẻ thua cuộc, điều Trump không thích một chút nào.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng bế tắc của nước Mỹ hiện nay rồi cũng phải đến hồi kết thúc. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020, cử tri Mỹ sẽ phải đối mặt với câu hỏi lớn: Họ muốn nước Mỹ "kín cổng cao tường", hay một quốc gia "hướng về phía trước"?

Đọc thêm

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.