Cô con gái bé bỏng đang thoi thóp, cố gồng mình với những liều thuốc kháng sinh với sự điều trị tích cực của các bác sĩ. Chính những làn khói thuốc đặc quánh trong nhà mà người bố trẻ phả ra đã đẩy cô bé vào vòng tay tử thần.
|
Rất nhiều ông bố đang "giết" chính con mình bởi khói thuốc |
Bố hút thuốc- con nhiễm bệnh
Anh Quang Minh, 32 tuổi (ở Từ Liêm, Hà Nội) không biết mình nghiện hút thuốc lá từ bao giờ, chỉ biết rằng, mỗi ngày anh nhả khói trên 10 điếu thuốc. Anh có thói quen hay hút thuốc lá ở trong nhà. Những mẩu thuốc lá và làn khói thuốc luôn là “thành viên” cố định trong nhà của anh.
Khi còn độc thân đã vậy, lúc lập gia đình, thói quen này vẫn không thay đổi. Vợ anh- chị Thu Hoa khi thai nghén đã khuyên anh không hút thuốc trong nhà vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và thai nhi. Nhưng anh nhất quyết không nghe còn nói: “Em chỉ vẽ chuyện, anh hút thuốc nếu có hại thì hại anh chứ hại gì đến em và con. Toàn lo hão!”. Thấy chồng không nghe, chị Hoa đã nhờ tới gia đình giúp sức khuyên chồng nhưng cũng chẳng ăn thua. Hàng ngày hàng giờ, chị và con phải hút thuốc lá thụ động từ anh. Nhất là những khi buổi tối, anh còn mang cả điếu thuốc lên giường ngủ, vừa hút vừa xem ti vi.
Cuộc sống “ăn - ngủ” cùng khói thuốc ấy cứ thế trôi đi đến khi chị Hoa mang bầu 8 tháng, phải đi cấp cứu đẻ non vì thai nhi bị suy hô hấp. Cô con gái anh đẻ thiếu tháng lại mắc bệnh suy hô hấp nên rất yếu. Mới đẻ ra chưa đầy tháng tuổi đã mắc bệnh viêm phổi. Nhìn con gái yếu o, không còn đủ sức để ho, anh Minh xót xa như đứt từng khúc ruột. Thương con bao nhiêu, anh càng trách mình bấy nhiêu khi anh biết mình là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho con. Trong phòng điều trị ấy, còn có nhiều trường hợp đứa trẻ bị mắc bệnh tim, phổi, viêm tai giữa… mà có những người thân hút thuốc. Đây không phải những trường hợp hi hữu trẻ bị bệnh vì có người thân hút thuốc.
Còn nhớ, ngày 11/11/2009, một bé gái 5 tuổi phải đi cấp cứu vì khó thở, tím tái toàn thân. Được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM , xác định lên cơn suyễn nguy kịch, do hít phải khói thuốc lá của bố. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, cô con gái của người cha nghiện thuốc lá có biểu hiện loạn tri giác lơ mơ do thiếu oxy máu, co kéo lồng ngực, đường thở bị co thắt nặng. Các bác sĩ đã tích cực điều trị cắt cơn suyễn bằng cách trợ thở oxy, dùng thuốc dãn phế quản và sau đó truyền tĩnh mạch.
Tuy nhiên phải đến ngày thứ 3, sức khỏe của bé mới dần cải thiện. Thoát khỏi cơn nguy kịch, nhưng vẫn phải được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hô hấp, mẹ bé cho biết, từ lúc lên 3 tuổi, em thi thoảng bị khò khè khó thở. Đặc biệt "mỗi lần hít khói thuốc lá của bố thì con mệt lắm" - bé thỏ thẻ nói với mẹ. Thừa nhận nghiện thuốc lá hàng chục năm nay, ông bố tâm sự: “Nhiều lần tôi định bỏ thuốc nhưng vẫn chưa bỏ được, song lần này, nhìn thấy cảnh con gái suýt chết, tôi hứa với lòng sẽ không hút nữa”, ông bố nói. Các bác sĩ cho hay, nếu nhập viện cấp cứu chậm hơn, bệnh nhi đã có thể tử vong vì thiếu ôxy máu.
Tương tự, một tháng trước, bé trai 6 tuổi, nhà ở Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và một bé gái 4 tuổi nhà ở quận 12 (TP HCM) cũng đã phải nhập viện cấp cứu vì hít phải khói thuốc của bố và ông nội. Theo gia đình các bệnh nhân, cả hai bé đều có tiền sử bệnh hen suyễn bẩm sinh. Mỗi lần ngửi thấy mùi thuốc lá, các bé đều ho rất nhiều và thở khò khè. “Cả nhà vẫn nói khéo, rằng ông bỏ thuốc hoặc nếu có hút thì không nên hút trong nhà, song ông vẫn phớt lờ”, mẹ của một bệnh nhi nói.
70% trẻ em Việt Nam bị hút thuốc lá thụ động
Khi nói về nguy cơ ngửi khói thuốc lá khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp, nhiều người cho rằng, đây là điều vô lý và chẳng ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Chính vì sự thiếu hiểu biết ấy mà có tới 70% trẻ phải lâm vào cảnh “hút thuốc lá thụ động” do ngửi khói thuốc lá.
Phạt nặng người hút thuốc ở trong nhà – điều nên làm Khoản 2 Điều 12 của Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định “không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ” thì quy định này thực chất chỉ mang tính khuyến cáo. Bởi nếu khi có trẻ em, phụ nữ trong nhà mà người hút thuốc lá vẫn hút thuốc thì hoàn toàn chưa có biện pháp gì để xử lý thích hợp. Mặc dù có thể vận dụng Khoản 2 Điều 11 về quyền của người không hút thuốc lá là “yêu cầu người hút thuốc lá không được hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm” nhưng nếu người hút thuốc lá vẫn cố tình không thực hiện yêu cầu này thì không có biện pháp xử lý, chế tài. Đây là kẽ hở của Dự thảo Luật, cần hoàn thiện. |
“Thuốc lá không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe người lớn mà còn có nhiều tác hại rõ rệt đến sức khỏe trẻ em dù rằng các cháu chỉ hít phải khói thuốc lá do người lớn thải ra một cách thụ động”- BS. Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1-TP.HCM khẳng định.
Cũng theo BS. Tuấn thì chính dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng tồn đọng trong phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất độc (trong đó có cả chất gây ung thư) cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì thế, tác hại của tình trạng hít khói thuốc thụ động này thể hiện rõ nhất trên các bệnh lý hô hấp. Trẻ dưới 1 tuổi, là con của những người hút thuốc lá sẽ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.
Đối với bệnh hen suyễn, nếu mẹ hít khói thuốc lá thụ động trong thời gian mang thai, con sinh ra sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn. Tất cả các chuyên gia về hen suyễn đều nhận định thống nhất rằng, khói thuốc lá chính là yếu tố gây khởi phát cơn suyễn hàng đầu ở trẻ em và không thể điều trị suyễn tốt được nếu trẻ còn tiếp xúc với khói thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho trẻ. Điếc khi trẻ còn nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập. Trẻ ở gần cha mẹ lúc hút thuốc khi lớn lên sẽ dễ mắc bệnh ung thư phổi, bệnh tim, đục thủy tinh thể.
Tất cả các bệnh nguy hiểm sẽ đến với trẻ khi trẻ buộc phải hít khói thuốc, các bậc cha mẹ cũng như người lớn nên suy nghĩ rất kỹ trước khi muốn châm một điếu thuốc. Đừng để những đứa trẻ là nạn nhân của những làn khói thuốc.
Thùy Dương