Việc kiểm tra nhằm giúp Bộ Tư pháp nắm bắt đầy đủ, xác thực tình hình công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (đặc biệt là việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề khai thác IUU) cũng như làm rõ những ưu, nhược điểm và khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nói riêng, đồng thời, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Dịp này, Đoàn kiểm tra cũng muốn ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định với lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định cho biết: Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 05 Đoàn công tác liên ngành vào làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp đến ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam hằng năm không về địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc |
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện kế hoạch về chống khai thác IUU hằng năm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng và Ủy ban nhân dân cấp xã ven biển tổ chức 75 chuyến/đợt tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển ven bờ của tỉnh, có tổng số 653 lượt tàu cá được kiểm tra, trong đó phát hiện 97 vụ tàu cá vi phạm, xử phạt theo thẩm quyền và kiến nghị Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT xử phạt theo thẩm quyền 97 vụ.
Ngoài ra, đơn vị cũng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 04 cuộc kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển, Ban Quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức khắc phục theo 04 nhóm khuyến nghị của EC, trong đó có nội dung kiểm tra việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản. Qua đó đã giúp các địa phương, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục về chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định báo cáo tại buổi làm việc. |
Theo ông Trần Văn Phúc cho biết thêm, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính một phần do bộ phận cán bộ, công chức của các lực lượng chức năng liên quan trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn có lúc chủ quan, chưa chịu khó nghiên cứu quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và trong lĩnh vực thủy sản nói riêng, nên trong xử lý có nơi còn lúng túng; công tác phối hợp của các lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm hành chính có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Qua đây, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền định kỳ quan tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản cho các lực lượng chức năng, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng trong thực thi công vụ về xử lý vi phạm hành chính.
Tách thẩm quyền của Thanh tra và thẩm quyền của các chức danh khác (chi cục trưởng của các chi cục trực thuộc sở) khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý, nếu phát hiện vi phạm hành chính thì có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng kéo dài thời hạn chuyển các biên bản, tài liệu khác cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản và sửa đổi bổ sung điểm b khoản 4 Điều 126 luật này theo hướng giảm thời hạn còn dưới 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang tại buổi làm việc |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, tạo điều kiện đảm bảo cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại tỉnh được chú trọng trên tất cả các khâu.
Qua đây, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định có văn bản trình với HĐND tỉnh nhằm hỗ trợ cho ngư dân về quy hoạch cảng cá, kho neo đậu tránh trú bão và các kho lạnh để bảo quản tang vật vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực thủy sản cũng như chấn chỉnh quan tâm nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đồng thời, các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng cần chủ động phối hợp trao đổi thông tin và xây dựng hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà tỉnh đang gặp phải.
Dịp này, Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Bình Định cần nêu cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT có đề xuất sớm về sửa đổi pháp luật thủy sản trong đó có Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo trình tự, thủ tục rút gọn để không chỉ Bình Định mà các tỉnh khác trong cả nước có thể thực hiện tốt hơn.