Bộ Tư pháp vừa ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2012.
Theo đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Chương trình hành động của ngành Tư pháp xây dựng nhiều giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành trong ngành Tư pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2012.
Cụ thể, về các giải pháp góp phần tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn trong toàn Ngành tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng ngân sách nhà nước trong phạm vi thẩm quyền được giao.
Tập trung thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2012; không ban hành các chương trình, đề án sử dụng kinh phí, vốn ngân sách khi không cân đối được nguồn vốn. Ngành Tư pháp cũng có trách nhiệm tiết kiệm, giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong nước và ngoài nước…. trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về các giải pháp góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về tái cơ cấu kinh tế, ngành Tư pháp sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý bảo đảm minh bạch, công khai, đúng quy định, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng, tín dụng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế; tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế.
Về các giải pháp nhằm tiếp tục góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng, chương trình hành động đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm giải pháp: tiếp tục góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng.
Chương trình hành động cũng xác định nhiều nhiệm vụ cụ thể mà ngành Tư pháp cần thực hiện đối với các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; các giải pháp nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bảo đảm đời sống, văn hóa, tinh thần của nhân dân; các giải pháp góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, thủ trưởng các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chương trình này của đơn vị, tổ chức, địa phương, trình Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, làm cơ sở để triển khai, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức, địa phương mình trong lĩnh vực tư pháp.
V.H