Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ xác nhận, 70% trong tổng số 2.540 tỷ đồng tiền phạt người vi phạm giao thông thu được trong năm 2011 (tương đương 1.700 tỷ đồng) được chi lại cho lực lượng công an nhưng không phải dành toàn bộ để bồi dưỡng lực lượng này.
Nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có văn bản trả lời về nội dung trên.
Ông Thiện đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Huệ: “Tiền thu phạt vi phạm Luật Giao thông của năm 2011 là 2.450 tỷ đồng, 70% dành để bồi dưỡng cảnh sát giao thông (tương đương hơn 1.700 tỷ đồng), 10% cho tuần tra giao thông, 10% là ban an toàn giao thông. Mức chi như vậy Bộ Tài chính có hướng dẫn không, và cơ sở nào để đưa ra?”.
70% số tiền phạt vi phạm thu được trích lại cho lực lượng công an.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, số tiền thu phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông của năm 2011 là 2.540,770 tỷ đồng chứ không phải là con số đại biểu Thiện đã nêu. Số tiền này bao gồm toàn bộ tiền thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải) và số thu từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính của 5 lĩnh vực nêu trên ở cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bộ trưởng Huệ xác nhận, 70% số tiền 2.540 tỷ đồng này được trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng phân trần, không phải toàn bộ khoản 1.700 tỷ đồng này chỉ dùng để chi bồi dưỡng lực lượng này mà là còn chi cho nhiều hoạt động khác, như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn trật tự giao thông…
Ngoài ra, số trích 10% cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương, các nội dung chi tương tự như của lực lượng công an. 10% khác dành cho ban an toàn giao thông của tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cũng được chi cho khoảng 10 đầu mục, theo liệt kê tại văn bản trả lời chất vấn. Trong đó có chi hỗ trợ khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông…
Về căn cứ phân chia, bộ trưởng Vương Đình Huệ lý giải, từ thực tiễn tổng kết đánh giá công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải bổ sung, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng xử phạt phát sinh trong quá trình bắt giữ và xử lý vi phạm.
Tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc năm 2006, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định sử dụng kinh phí an toàn giao thông ở các địa phương theo hướng dành kinh phí này để bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mua sắm phương tiện, trang thiết bị bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trên cơ sở đó, ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Văn bản này đã hướng dẫn cụ thể về mức phân bổ cho các lực lượng như đại biểu đã chất vấn.
Tại phiên giải trình của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước UB Pháp luật của Quốc hội về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ngày 24/4, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng trình bày về việc quản lý, thu, chi khoản tiền phạt thu được theo tỷ lệ trên.
Theo bà Minh, việc chi như vậy là dùng để đầu tư lại cho ngành GTVT. Thứ trưởng Tài chính dẫn nhiều ý kiến thậm chí đề nghị tăng khoản trích bồi dưỡng này cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ như chiến sĩ trực đêm chống đua xe trái phép. Hiện lực lượng này mới chỉ được hưởng mức chi 100.000đ/người/ca.
“Nếu không bố trí tiền bồi dưỡng công khai, minh bạch cho anh em, thậm chí còn tạo điều kiện cho tiêu cực, cho hiện tượng thỏa thuận chung chi” - Thứ trưởng Minh phân trần.
Theo Dân Trí