Bộ trưởng Tô Lâm hứa sẽ cân nhắc quy định về thẩm quyền nổ súng

Bộ trưởng Tô Lâm
Bộ trưởng Tô Lâm
(PLO) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều 7/11, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Ban soạn thảo, giải trình một số vấn đề còn nhiều ý kiến.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đã đề nghị không liệt kê các loại vũ khí, vật liệu nổ...,Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Trên cơ sở kế thừa pháp lệnh hiện hành thì phạm vi điều chỉnh chỉ của dự án luật quy định về vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí hạng nhẹ các loại bom, mìn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hóa cụ... là phù hợp với tội danh được quy định tại điều 324 Bộ Luật Hình sự về hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. 

Đồng thời, thực hiện pháp lệnh, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận, thu gom, tiêu hủy một số lượng lớn vũ khí hạng nhẹ, các loại bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Bộ trưởng cũng cho biết, một thực tế là qua đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và những hoạt động vi phạm pháp luật khác cho thấy việc cần thiết phải quy định các loại vũ khí này trong dự thảo luật để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ trong dự án luật, hạn chế đối tượng lạm dụng, sử dụng vật liệu nổ, đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố mà hiện thế giới rất quan tâm. Việc quản lý cũng sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn triệt để loại tội phạm này.

Đối với các loại vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, các phương tiện đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội: Thực tế trong nhiều năm qua, có nhiều vụ án đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ để gây án. 

Giải trình việc không quy định các loại vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học , Bộ trưởng cho biết: Vì vũ khí hạng nặng được sử dụng vào mục đích quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, nên cần thiết được quy định trong các quy định của pháp luật về quốc phòng; các loại vũ khí sinh học, hóa học, hiện Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về lĩnh vực này (như các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; công ước cấm tàng trữ, sản xuất vũ khí sinh học, vũ khí hóa học...) nên không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Tương tự, pháo nổ, pháo hoa, do tính chất đặc thù đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý sử dụng pháo, nên cũng không cần thiết phải bổ sung vào dự thảo.

Người nước ngoài mang vũ khí vào Việt Nam để bảo vệ nguyên thủ quốc gia và tập luyện, thi đấu thể thao, theo Bộ trưởng Tô Lâm cũng không cần phải bổ sung quy định trong phạm vi điều chỉnh vì dự thảo đã quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, tức là đã bao hàm ở phạm vi lớn hơn.

Về đối tượng được trang bị:  Bộ trưởng cho biết tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng an ninh, ban soạn thảo đã bổ sung đối tượng trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và lực lượng cảnh sát biển. Tuy nhiên, qua các ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung cho phù hợp.

Về thẩm quyền nổ súng, quy định tại điều 21, nội dung được cho là đặc biệt quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nên ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhằm đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ và phù hợp với các quy định khác của pháp luật, nhất là Bộ Luật Hình sự, và đảm bảo quyền con người.

Về đề nghị bổ sung thêm đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ và quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, sử dụng, thu hồi công cụ này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Ban soạn thảo nhận thấy công cụ hỗ trợ là phương tiện đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ, nên kế thừa pháp lệnh hiện hành và để tuân thủ Hiến pháp 2013, dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ.

Trong phần giải trình của mình, Thượng tướng Tô Lâm, thay mặt ban soạn thảo, tiếp thu ý kiến các đại biểu. Ông  cho biết các ý kiến hợp lý của đại biểu sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo cho phù hợp với các quy định khác của pháp luật có liên quan, tạo ra sự phù hợp cho hệ thống luật pháp.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận xem xét thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Đọc thêm

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.