Tại lễ công bố Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 chiều qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phác họa những nét cơ bản về diện mạo của thủ đô Hà Nội và những nhận xét tích cực về “chất” của đồ án quy hoạch này.
Đồ án quy hoạch Hà Nội |
Xin Bộ trưởng cho biết, với Đồ án quy hoạch này thì diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội trong vài năm tới sẽ như thế nào? Đâu là vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm trong đồ án này?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Thứ nhất, với quy hoạch này chúng ta hình dung sẽ có một vành đai khép kín với vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và 4 - kết nối hệ thống đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh của cả Hà Nội vào với nhau, cũng như cả liên kết vùng.
Thứ hai, chúng ta có một cái trục hướng tâm dựa trên các quốc lộ hiện có, được mở rộng, nâng cấp. Và thứ ba, chúng ta có một hệ thống đường cao tốc kết nối giữa thủ đô Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Đó sẽ là những trục cao tốc kết nối trung tâm thủ đô với các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng |
Ngoài ra, chúng ta còn hình dung bức tranh giao thông đô thị bao gồm cả các loại hình giao thông như: đường sắt vành đai, tàu điện ngầm, đường trên cao và một hệ thống cầu. Trong đó, phải kể đến những chiếc cầu như đang được khởi công xây dựng mà cũng nằm trong quy hoạch này như cầu Nhật Tân - hai năm nữa sẽ xong.
Tuần tới, chúng ta sẽ khởi công đường cao tốc nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài. Sân bay cũng sẽ được quy hoạch theo hướng các nhà ga mới với quy mô 50 triệu hành khách.
Như vậy, chúng ta hình dung cầu Nhật Tân sẽ kết nối giữa trung tâm thủ đô với đường cao tốc và với sân bay Nội Bài
Về vấn đề giao thông tĩnh thì trong quy hoạch chung đã chỉ rõ, quỹ đất dành cho giao thông chiếm khoảng độ 20%, trong đó, 6% phải dành cho giao thông tĩnh gồm các bãi đỗ xe, bến xe.
Có thể nói, với bản quy hoạch này, chúng ta đã hình dung được hệ thống giao thông tại Hà Nội trong 10 năm tới sẽ có tính chất đồng bộ, có tính liên kết và rất hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải rà soát cụ thể các đồ án và dự án. Khi mà quy hoạch chung đã được phê duyệt thì càng phải xem xét cụ thể hơn nữa trên cơ sở quy hoạch chung, dưới đó là quy hoạch phân khu, các quy định về quản lý, quy chế quản lý kiến trúc mà TP.Hà Nội phải tiếp tục cụ thể hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân |
Nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu của quản lý mới phải dừng lại, phải điều chỉnh. Nếu như ngay bây giờ chúng ta nói rằng 700 dự án phải đình hoãn, phải sửa đổi là cách nói hơi vội vàng. Khi tư vấn nghiên cứu quy hoạch đã xem xét tình hình, cập nhật các đồ án, dự án, một dự án nào đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì sẽ phải điều chỉnh. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải nghiên cứu.
Băn khoăn lớn nhất là việc thực hiện quy hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Hiện nay, Hà Nội đang làm 17 quy hoạch phân khu, dưới quy hoạch phân khu là quy hoạch chi tiết. Cùng với đó, Hà Nội cũng cụ thể hóa các quy định về quản lý, đặc biệt là các quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch. Quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch cụ thể đến từng công trình, từng đường phố.
Các cấp chính quyền của TP.Hà Nội phải biết và quản lý việc phát triển xây dựng theo quy chế đó. Cộng đồng, chính quyền phải nhận thức điều đó và có biện pháp hết sức kiên quyết, kể cả chế tài mới thực hiện được.
Để phát triển được hạ tầng giao thông như thể hiện trong quy hoạch chung thì sẽ rất tốn kém. Như vậy, bài toán về vốn được hóa giải ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Bản thân quy hoạch tạo ra nguồn lực cho nên ngay từ ban đầu nghiên cứu các bên tham gia đã tính đến việc tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch chung này. Trong những năm tới, cần khoảng 90 tỷ USD, lớn hơn hẳn dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Nhưng quy hoạch có một đặc tính là dự báo, chứ không phải dự án. Dự án thì phải xác định có một lượng vốn, nguồn vốn cụ thể để thực hiện. Còn quy hoạch là dự báo định hướng phát triển, mô hình phát triển và giải pháp.
Trong giải pháp để phát triển, người nghiên cứu quy hoạch phải nghĩ cách để tạo ra nguồn lực, đề xuất cơ chế để thu hút nguồn lực chứ không phải làm quy hoạch rồi phải có nguồn tiền từ đâu đó để thực hiện quy hoạch.
Hơn nữa, bản chất của phát triển đô thị có thể nói một cách dân dã là “mỡ nó rán nó”, nguồn lực ở chính đất đai. Vấn đề làm sao khai thác được nguồn lực đó. Một đặc thù của người nghiên cứu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch không gian, là phải phát hiện và tìm ra nguồn lực.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không quá đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng mà nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị, vấn đề là cách làm.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Ngân sách nhà nước là một phần rất quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, chúng ta còn phát hành vốn trái phiếu chính phủ, vốn tài trợ ODA...
Tuy nhiên, giai đoạn tới thì việc xã hội hóa và huy động các nguồn vốn khác từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng - lấy giá trị của đất để phục vụ cho sự phát triển hạ tầng thì chúng ta mới có đủ nguồn lực thực hiện.
Xin cho biết đánh giá của Bộ trưởng về Trục Hồ Tây - Ba Vì được nhắc đến trong Đồ án quy hoạch này?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Chúng tôi đã nói rất nhiều lần là chúng tôi rất tán thành việc có cái trục như vậy. Bởi lẽ đây sẽ là một cái trục mới, định hướng phát triển không gian của đô thị, kết nối khu vực đô thị cũ với một đô thị mới. Trong đó nó thể hiện một đô thị, một trục giao thông gắn với môi trường, sinh thái.
Trục này được thảo luận nhiều lần và tôi cho rằng, đưa vào trong quy hoạch như vậy là xác đáng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Trục Hồ Tây - Ba Vì không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì, vấn đề này tôi đã báo cáo trước Quốc hội. Với con đường trong đô thị, các nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị thường có những ý tưởng phong phú, muốn biến trục đường giao thông đó tạo ra một cảnh quan, dấu ấn, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị.
Trước hết khi vẽ ra một con đường là để phục vụ giao thông, đi lại chứ không cứ là để khai thác quỹ đất. Trục Hồ Tây - Ba Vì khi được vẽ ra cũng mang ý tưởng tạo ra một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ quy hoạch). Đấy là ý tưởng của người quy hoạch, còn người lãnh đạo, quản lý có thể thấy không cần, hoặc không hợp lý, có thể làm và có thể không làm.
Bản thân đất đai là nguồn lực, là tài nguyên quốc gia và làm quy hoạch chính là để khai thác nguồn lực đó. Chúng ta chưa khai thác, chưa dùng đến cũng có thể coi như ta đang cất trong kho, đang dự trữ.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
PLVN (tổng hợp)