Từ ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại nước Cộng hòa XHCN dân chủ Sri Lanka theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka Abdur Raauff Hakeem. Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ có cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Abdur Raauff Hakeem; thăm và làm việc tại cơ quan Tổng Chưởng lý, Tòa án tối cao, Liên đoàn Luật sư và chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka.
Sáng ngày 16/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có cuộc Hội đàm song phương với Bộ trưởng Abdur Raauff Hakeem. Tại cuộc hội đàm, sau khi giới thiệu khái quát về hệ thống pháp luật và tư pháp của mỗi nước, cũng như chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Sri Lanka, hai Bộ trưởng đã tập trung trao đổi về các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp và các vấn đề về pháp luật quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tư pháp Srilanka. |
Đặc biệt, Bộ trưởng Abdur Raauff Hakeem bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) – một tổ chức liên chính phủ được thành lập vào năm 1956 nhằm thực hiện các hoạt động tư vấn cho các thành viên về pháp luật quốc tế, bao gồm cả pháp luật thương mại quốc tế và luật biển quốc tế.
Đây là diễn đàn hợp tác pháp luật hữu hiệu của các quốc gia châu Á và châu Phi. Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận đề nghị này của phía bạn và cho biết sẽ trao đổi với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét khả năng gia nhập AALCO của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, hai Bộ trưởng đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến pháp luật về bảo hộ đầu tư, về khả năng hợp tác giữa hai Bộ liên quan đến Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Nhân dịp này, Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam ủng hộ việc thành lập Trung tâm trọng tài quốc tế tại Colombo, qua đó góp phần đưa Colombo trở thành một trong những trung tâm giải quyết tranh chấp về thương mại quốc tế có uy tín như các trung tâm khác ở Singapore và Hồng Kông.
Hai Bộ trưởng cũng đã nhất trí giao cho các đơn vị của hai Bộ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới việc ký kết một thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Ủy ban chống tham nhũng Sri Lanka. Đây là cơ quan duy nhất của Sri Lanka có thẩm quyền điều tra, truy tố tội phạm về tham nhũng, hối lộ trên cơ sở tố giác của công dân. Được thành lập vào năm 1994 trên cơ sở một đạo Luật riêng về Ủy ban do Quốc hội ban hành, Ủy ban chống tham nhũng của Sri Lanka gồm ba ủy viên là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư pháp và điều tra tội phạm. Các ủy viên của Ủy ban do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được sự chấp thuận của Quốc hội.
Theo thông tin do Lãnh đạo Ủy ban cung cấp, kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 1995 đến nay, Ủy ban chống tham nhũng của Sri Lanka đã tiến hành điều tra khoảng 350 vụ việc về tham nhũng, hối lộ; truy tố tội phạm trong 63 vụ việc và có tới 52 trường hợp đã bị Tòa án kết tội, trong đó có một số trường hợp liên quan đến quan chức cấp cao của Sri Lanka. Trước đó, thẩm quyền điều tra, truy tố tội phạm về tham nhũng và hối lộ thuộc cơ quan cảnh sát và công tố.
Sáng ngày 17/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã tới chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka - Ngài Chandima Weerakkody.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, về một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay và kết quả cuộc Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sri Lanka về khả năng phát triển mối quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu mà nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong việc phát triển kinh tế và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.
Hội đàm hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Srilanka |
Ngài Chandima Weerakkody cho rằng với truyền thống quan hệ tốt đẹp, hơn nữa hai nước Việt Nam - Sri Lanka lại có nhiều điểm tương đồng cả về lịch sử, văn hóa, cùng trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh kéo dài, do đó việc trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau để phát triển là rất cần thiết.
Ngài Chandima Weerakkody ghi nhận, đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và tin tưởng rằng chuyến công tác này sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới về tư pháp và pháp luật giữa hai nước, góp phần củng cố và phát triển đi vào chiều sâu quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Sau buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka và Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã cùng trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Quốc gia Sri Lanka.
Trước đó, Đoàn cũng đã tới thăm và làm việc tại cơ quan Tổng Chưởng lý Sri Lanka, nghe bà Tổng Chưởng lý Shanthi Eva Wanasundera cùng các cộng sự giới thiệu về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của cơ quan Tổng Chưởng lý, mối quan hệ của cơ quan này với Bộ Tư pháp, Ủy ban chống tham nhũng và Cơ quan điều tra của Sri Lanka.
Cơ quan Tổng Chưởng lý của Sri Lanka là cơ quan độc lập, có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong việc thực hiện chức năng công tố, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý cho các khoản vay và đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ việc dân sự, thương mại mà Chính phủ có liên quan nhất là trong các vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo hiệp định bảo hộ đầu tư. Trong việc cung cấp ý kiến pháp lý cho khoản vay nước ngoài, cơ quan Tổng Chưởng lý Sri Lanka thực hiện việc đánh giá rủi ro không chỉ về mặt pháp lý mà cả về mặt tài chính và kinh tế, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công của nước này.
Chiều ngày 17/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã tới thăm và làm việc tại Tòa án tối cao và Liên đoàn luật sư của Sri Lanka.
Tại buổi làm việc với Chánh án Tòa án tối cao, bà Shirani Bandaranayke, Đoàn đã được nghe giới thiệu khái quát về hệ thống Tòa án của Sri Lanka và cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán của nước này. Theo đó, hệ thống Tòa án của Sri Lanka được hình thành dựa trên cơ sở hệ thống tư pháp của Anh, có một số thay đổi cho phù hợp với đặc thù trong nước.
Theo Hiến pháp của Sri Lanka, hệ thống Tòa án gồm có Tòa án tối cao, Tòa án phúc thẩm và Tòa án cấp cao và một số Tòa sơ thẩm. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm bảo đảm. Hiện nay, Sri Lanka có hơn 400 thẩm phán trong đó 11 thẩm phán Tòa án Tối cao, 12 thẩm phán Tòa phúc thẩm và 66 thẩm phán Tòa án cấp cao. Các thẩm phán của Tòa án tối cao, phúc thẩm và tòa án cấp cao do Tổng thống bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án sơ thẩm do Ủy ban Công vụ Tư pháp (Judicial Services Commission) thực hiện. Đứng đầu Ủy ban là Chánh án Tòa án tối cao nhưng cơ quan này hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào Tòa án. Ngoài thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án sơ thẩm, Ủy ban Công vụ Tư pháp còn được giao thẩm quyền xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật, luân chuyển và bãi miễn đối với các thẩm phán này. Ở Sri Lanka, thẩm phán được bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ mà làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Sri Lanka, Bộ trưởng đánh giá cao kết quả đã đạt được của Liên đoàn trong việc phát triển đội ngũ luật sư có chất lượng cho Sri Lanka đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của quốc gia này. Với số lượng thành viên lên tới hơn 11.000 luật sư, Liên đoàn Luật sư Sri Lanka là một trong những thành viên tích cực của Liên đoàn luật sư quốc tế (IBA) và Liên đoàn luật sư châu Á (LawAsia).
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng đã được Chủ tịch Liên đoàn luật sư Sri Lanka giới thiệu về hệ thống tổ chức của Liên đoàn, các đoàn luật sư địa phương và công tác đào tạo luật sư của quốc đảo này. Nhân dịp này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Sri Lanka bày tỏ mong muốn tham gia tích cực vào quá trình hợp tác tư pháp và pháp luật giữa hai nước, đồng thời đề nghị Bộ trưởng hỗ trợ thúc đẩy việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Sri lanka và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ trưởng đã vui vẻ nhận lời và giao Vụ Hợp tác quốc tế làm cầu nối để hai Liên đoàn tiến tới hợp tác có hiệu quả trong thời gian tới.
Đỗ Đức Hiển