[links()]
Sau 35 năm xa trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - một trong số những cựu sinh viên Việt Nam của trường MGIMO (hiện cũng là Trưởng ban liên lạc của Cựu sinh viên MGIMO tại Việt Nam), vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những cảm xúc của những ngày học tại trường MGIMO bởi “MGIMO không chỉ dạy tôi kiến thức”.
- Cơ duyên nào để ý tưởng về cuộc gặp mặt “MGIMO – Hồi ức nước Nga” ra đời, thưa Bộ trưởng?
Các thế hệ sinh viên (SV) Việt Nam được đào tạo ở MGIMO (phần đông là vào những năm 1970) nay đã dần đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí có người đã nghỉ rồi. Nên từ sáng kiến của Trường Đại học Ngoại thương tổ chức gặp gỡ các cựu SV MGIMO mà tôi đã 2 lần tham dự, nay với tư cách trưởng ban liên lạc cựu SV MGIMO tại Việt Nam, tôi nghĩ dù đã nghỉ hay đang làm việc ở cương vị nào, đang sống, làm việc tại vùng miền nào của đất nước, thì các cựu SV MGIMO tại Việt Nam cũng đều đang chờ đợi một cơ hội tiếp theo để gặp gỡ nhau, gặp lại các thầy cô giáo đã từng dìu dắt họ trưởng thành, để chia sẻ với nhau những hồi ức, tình cảm của những ngày học dưới mái trường MGIMO.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường gặp gỡ lãnh đạo Trường MGIMO hồi tháng 5/2011 |
Đây thực ra chỉ là câu chuyện của các cựu SV Việt Nam từng được học tại MGIMO, một câu chuyện rất nhỏ trong những câu chuyện của các sinh viên Việt Nam từng học tập ở Nga (Liên Xô (cũ), nhưng càng gần đến ngày gặp gỡ, những người tổ chức càng thấy hết tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này trước sự phấn khởi hưởng ứng của các cựu SV.
- Là một trong số những SV Việt Nam học tập ở MGIMO, ấn tượng nào về MGIMO trở thành những kỷ niệm không quên đối với Bộ trưởng ?
Cảm xúc của tôi đối MGIMO có thể được chia thành 3 giai đoạn: trước khi biết về Trường, trong khi học tại Trường và sau khi tốt nghiệp. Ấn tượng lớn nhất của tôi là lần đầu tiên được đặt chân đến MGIMO vào năm 1971. Lúc đó cơ sở vật chất của Trường còn khiêm tốn nhưng thương hiệu MGIMO đã cho tôi có một niềm tự hào bất ngờ. Bất kỳ bạn bè người Liên Xô (cũ) nào cũng tỏ ra ghen tị và khâm phục khi được biết tôi là SV MGIMO bởi ở Liên Xô (cũ), phải là học sinh xuất sắc hoặc “con ông cháu cha” mới được vào MGIMO. Lúc đó tôi mới thấy mình quá may mắn được học ở một ngôi trường có thương hiệu nổi tiếng khắp LX (cũ) và cả trên thế giới như vậy. Và một phần do đó, tôi cũng đã dành hết thời gian, tâm trí của mình cho việc học hành.
- MGIMO đã đem lại cho Bộ trưởng những gì để Bộ trưởng có được những kết quả như hôm nay?
*. MGIMO là một trường đào tạo rất tốt, không chỉ về kiến thức, phương pháp luận so sánh, mà còn dạy cả ý thức làm người. Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, nhờ kiến thức và phương pháp tư duy có được từ MGIMO, tôi may mắn có thể đã không lạc hậu, có thể chuyển đổi nhanh từ tư duy cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường, có cái nhìn và nhận thức khá toàn diện về pháp luật (cả hệ thống PL XHCN và TBCN), đặc biệt là Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế, có được 3 ngoại ngữ để phục vụ cho nhu cầu học tập và công việc…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường gặp gỡ sinh viên Việt Nam đang theo học tại MGIMO |
Một điều quan trọng nữa là Trường còn cho tôi là được sống trong những tình cảm nồng hậu, yêu thương, sự tận tâm của các thầy cô giáo và bạn bè SV. Thời kỳ học tập của chúng tôi đất nước ta đang chiến tranh. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở vào thời điểm của sự tàn bạo. Các thầy cô thương chúng tôi lắm, ngoài việc dạy chữ còn dạy dỗ chúng tôi như những người cha mẹ, anh em. Đó là những tình cảm không thể nào quên được.
- Với tình cảm trân trọng của một cựu SV từng học tập tại Liên Xô (cũ), Bộ trưởng có hy vọng gì gắn với MGIMO?
Buổi gặp gỡ “MGIMO – Hồi ức nước Nga” giờ đây không đơn giản là để các cựu SV gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm, những ký ức về nhau, về nước Nga, bày tỏ sự tri ân của mình đến các thầy cô giáo và ngôi trường MGIMO, mà với tất cả tình cảm của mình, chúng tôi còn muốn qua cuộc gặp gỡ này để thể hệ trẻ Việt Nam, nhất là những người hoạt động trong giới luật, ngoại giao, báo chí, ngoại thương… - những chuyên ngành mà MGIMO đào tạo - có thể biết thêm về thương hiệu của Trường và có những cố gắng để có thể được học tập tại một trường danh tiếng như vậy của Nga.
MGIMO có nhiều thế mạnh trong đào tạo đối với những vấn đề cần cho sự bền vững của đất nước, bao gồm cả Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế… Lần này, sẽ có việc ký kết, thỏa thuận hợp tác giữa MGIMO với Đại học Luật Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội rất quý cho các thầy cô giáo Đại học Luật Hà Nội, cán bộ, công chức Bộ Tư pháp và cả các cơ sở đào tạo của Bộ, ngành khác của nước ta tiếp tục có những cuộc trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, về công việc với MGIMO.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp thăm giảng đường của Trường MGIMO |
Tôi nghĩ đến cơ hội cho việc trao đổi SV với các cơ sở đào tạo Luật của nước ta. Sẽ rất bổ ích cho việc giải quyết những vấn đề của nước ta trong quá trình hội nhập.
Điều quan trọng là trong lúc Chính phủ, nhân dân hai nước Việt Nam – Nga đang tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện, chiến lược Việt Nam - LB Nga thì cuộc gặp gỡ cựu SV MGIMO tại Việt Nam lần này cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo của Trường cũng sẽ là một đóng góp nhỏ cho nỗ lực này.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và chúc cuộc gặp gỡ “MGIMO – Hồi ức nước Nga” sẽ thành công và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Hương Giang (thực hiện)