Cho dù quan chức Bộ Xây dựng vừa lên tiếng rằng“vẫn trong ngưỡng an toàn”, “chưa bội thực” song thực tế trước lượng xi măng, sắt thép tồn kho quá lớn, những lời than “nhức nhối”,“hấp hối”, “chết cứng”... vẫn hàng ngày ngập tràn mặt báo.
Thép đang tồn kho hàng loạt |
Tồn kho “khủng”
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 4,5% nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tồn kho của hai mặt hàng chủ lực là thép và xi-măng đang ở mức báo động.
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - than thở, chỉ còn cách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), tạo điều kiện cho xuất khẩu thì mới mong cứu được ngành thép. “Nếu cuối năm giá thép không nhích được lên thì DN chỉ có "chết".
Do khó khăn, năm nay ngành thép chỉ dám đặt mục tiêu tăng trưởng 3-4% nhưng đã quá nửa năm, không những sản xuất không tăng trưởng mà còn liên tục giảm. Quý I, sản xuất thép giảm tới 16,62% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bán ra cũng giảm 9,99%. Tính chung hết 6 tháng đầu năm, sản xuất thép đã giảm 10% và tiêu thụ giảm 8%. Tính tới 30/6, thép tồn kho tới 350.000 tấn!
Dự báo tháng 7 và 8, thị trường thép sẽ vẫn tiếp tục đình trệ, mức tiêu thụ sẽ thấp hơn mức trung bình (420.000-430.000 tấn) vì đây là thời điểm mưa bão nhiều, không thuận lợi cho xây dựng. Kỳ vọng của Hiệp hội này là từ tháng 9, sản xuất thép có thể khởi sắc, giá có thể nhích lên một chút song cuối năm, lại có thêm tới 4 Cty thép xây dựng đi vào sản xuất nên sức ép “cung vượt cầu” vẫn gia tăng.
Chung cảnh thảm hại, ông Đỗ Đức Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng VN - cho biết, khó khăn lớn nhất là lượng tồn kho lớn. Nhà máy xi măng Cẩm Phả nợ lũy kế tính đến hết năm 2011 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, Nhà máy xi măng Hạ Long hết năm 2011 cũng lỗ lũy kế 1.090 tỷ đồng, Nhà máy xi măng Đồng Bành lỗ 149 tỷ đồng... Hiện, mức tồn kho đã lên đến 3 triệu tấn xi măng và ước tính, năm 2012, sẽ chỉ tiêu thụ được khoảng 46 - 47 triệu tấn, cộng với xuất khẩu chừng 7 triệu tấnvẫn còn dư trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được.
Ông Oanh cũng thẳng thắn, quy hoạch phát triển ngành xi măng có nhiều điểm bất ổn như dự báo tăng trưởng chưa chuẩn xác, chưa lường cả những yếu tố bất lợi (như lạm phát, kinh tế sụt giảm) nên “khủng hoảng thừa”. Thế mà, theo quy hoạch đến năm 2015, sản lượng xi măng sẽ tăng lên 94 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên tới 129 triệu tấn.
Giải pháp?
Hiệp hội Thép cho rằng, theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ DN rất ít có tác dụng với các DN thép. Vì thế, để khắc phục tình trạng trì trệ hiện nay, ngành thép cần nhất là tháo gỡ đầu ra, khơi thông thị trường tiêu thụ. Hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, khuyến khích người tiêu dùng, mở cửa cho thị trường. Đồng thời, đề xuất Chính phủ tạo điều kiện “linh động” cho ngành thép xuất khẩu để tránh áp lực hàng tồn kho hiện nay.
Còn đối với ngành xi măng, ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam - thông tin, đã có kiến nghị gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng.
Hội cũng kiến nghị cho áp dụng thuế suất thuế VAT với các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành nhằm kích thích người tiêu dùng, giúp DN tiêu thụ hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng tái cấu trúc ngành công nghiệp xi măng, xem xét điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo hướng phù hợp với thực tế hiện nay.
Một điều đáng bàn là trong khi các Hiệp hội sốt sắng cùng với DN, thì các Bộ, ngành cứ điệp khúc “muôn năm cũ” rằng “DN cần kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, xúc tiến thương mại” ... mà chưa thấy “tiếng nói” nào từ phía các Bộ gửi lên Chính phủ về giải pháp cũng như về sự “đồng cam, cộng khổ” của các Bộ ngành với các Tập đoàn, TCty, DN của hai ngành này…
Mai Hoa