Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam về Công văn 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) vừa có thông tin về các quy định về hoàn thuế GTGT.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, điều kiện về hoàn thuế xuất khẩu theo quy định là: Có đầy đủ hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai xuất khẩu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng ghi đầy đủ các nội dung theo quy định như: Tên đơn vị chuyển khoản, số tài khoản đơn vị chuyển khoản, số tiền chuyển khoản phù hợp với giá trị thanh toán ghi trên hợp đồng....
Theo Bộ Tài chính, đa số các doanh nghiệp (DN) đã thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) và thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định, nhưng thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Bộ Tài chính cũng kể tên một số vụ việc điển hình đã được cơ quan Công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức…
Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát NSNN, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 chỉ đạo các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các DN trên địa bàn có phát sinh giao dịch mua bán với các DN, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn.
Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT, thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về NSNN, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội này (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ NSNN theo quy định.
Về các đơn kiến nghị của Hiệp hội này, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có các văn bản trả lời, giải đáp đầy đủ (Công văn 11309/BTC-CST ngày 1/10/2021, Công văn 3275/TCT-TTKT ngày 31/8/2021, Công văn 543/TCT-TTKT ngày 25/2/2022).
“Do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành Thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định...”, văn bản của Bộ Tài chính khẳng định.
Trong văn bản này, Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với các trường hợp vi phạm trong khâu xác minh, cơ quan thuế đã có Công văn 20/TCT-TTKT ngày 23/3/2022 chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm (nếu có).
VCCI coi Công văn của Tổng cục Thuế là một "điểm nghẽn"
Tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 29/3, Công văn 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế được Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhắc đến như một điển hình về “điểm nghẽn” trong dòng chảy pháp luật kinh doanh.
Theo Luật sư Trưởng Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, với các điều kiện để được hoàn thuế, bao năm nay các DN xuất khẩu sắn hoàn toàn đáp ứng đầy đủ, việc xuất khẩu là có thực, có hợp đồng, có hóa đơn, có tờ khai xuất khẩu, thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, Công văn của Tổng cục Thuế lại yêu cầu xác minh DN nhập khẩu phía Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và không cần thiết bởi việc DN phía Trung Quốc tồn tại hay không tồn tại, nhập để làm gì... cũng không có giá trí pháp lý. Trong khi yêu cầu này gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng đến 1,2 triệu nông dân trồng sắn.