Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất thuế suất 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người; Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người;
Đối với hộ gia đình chuyển thành DN, để khuyến khích các đối tượng là hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách riêng cho các đối tượng này.Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất: Miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có TN chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ cá nhân kinh doanh.
Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp DN mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), DN thực hiện mức thuế suất thuế TNDN tương ứng với điều kiện thực tế của DN theo quy định.
Ở hướng khác, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, Bộ Tài chính đề xuất thêm phương pháp tính thuế riêng với DN có doanh thu hàng năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người.
Cụ thể, trường hợp DN thuộc diện như trên không xác định được chi phí, TN của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ.
DN trong ngành nghề phân phối, cung cấp hàng hóa có mức thuế suất là 0,4% (mức thuế TN cá nhân hiện hành áp dụng với hộ kinh doanh ngành nghề trên là 0,5%). Tương tự, tỷ lệ % doanh thu theo ngành nghề khác như sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa,... sẽ bằng 0,75 lần mức thuế suất đang áp dụng.
Đánh giá tác động, Bộ Tài chính tính toán, việc thực hiện các giải pháp trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Trong số này, giải pháp giảm thuế suất cho DN giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm.
“Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách Nhà nước nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách Nhà nước vào những năm sau,”- dự thảo đánh giá.
Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung TT 301/2016/TT-BTC hướng dẫn về Lệ phí trước bạ
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 301/2016/TT-BTC ngày 15/11/ 2016 hướng dẫn về lệ phí trước bạ (LPTB).
Theo dự thảo, giá tính LPTB đối với tài sản là ô tô, các loại xe tương tự (gọi chung là ô tô) và xe máy thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB.
Trường hợp phát sinh loại ô tô, xe máy mới mà tại thời điểm nộp tờ khai LPTB chưa có trong Bảng giá tính LPTB của Bộ Tài chính ban hành, thì Cục Thuế căn cứ căn cứ vào cơ sở dữ liệu theo quy định tại điểm 2 Khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21/ 02 /2019 của Chính phủ quyết định giá tính LPTB của từng loại ô tô, xe máy mới phát sinh (đối với ô tô là theo kiểu loại xe). Cục Thuế thông báo cho các Chi cục Thuế giá tính LPTB áp dụng thống nhất trên địa bàn.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn: Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng của hộ gia đình do một người trong hộ gia đình đứng tên (bao gồm cả đồng sở hữu tài sản), khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại; Thành viên hộ gia đình phải là người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và cùng hộ khẩu thường trú với người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng.”