Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận hơn 291 ngàn người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 66 ngàn người so với quý II. Trong số này, 65% lao động không có bằng cấp chứng chỉ, 15% trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm 6%, trung cấp 6% và sơ cấp 7%.
Lao động may, thêu và các thợ liên quan thuộc nhóm nghề nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, trên 26%; tiếp theo là thợ lắp ráp, kế toán, nhân viên bán hàng và kỹ thuật viên điện tử.
Đây là hệ quả của làn sóng cắt giảm việc làm kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay, khi hàng loạt DN dệt may, da giày, chế biến gỗ cắt giảm nhân công. Song so với quý trước, lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đơn hàng quý này đã giảm khiến lượng người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giảm theo.
Lao động mất việc còn 118 ngàn người, giảm gần một nửa, chủ yếu ở TP HCM và Bình Dương. Lao động nghỉ giãn việc còn 54 ngàn, giảm 187 ngàn người, phần lớn trong DN FDI. Trong đó da giày chiếm gần 32% và dệt may chiếm 31%.
Dữ liệu từ hơn 18,3 ngàn lượt DN tuyển dụng và 73 ngàn người đi tìm việc cho thấy một nửa vẫn chuộng lao động có trình độ đại học trở lên, trong khi vị trí quản lý bậc trung và cấp cao chỉ chiếm 13 - 15%. Một phần cầu bắt gặp cung khi gần 46% người đi tìm việc có trình độ đại học trở lên. Song hơn 22% lao động mong muốn công việc quản lý bậc trung, gấp đôi số cần tuyển dụng.
Phần lớn người tìm việc độ tuổi 20 đến 39. Khoảng 40% lao động chỉ cần lương dưới 10 triệu đồng; 32% chọn mức 10 - 15 triệu đồng; 18% muốn lương 15 - 20 triệu đồng và 10% kỳ vọng trên 21 triệu đồng.
Thị trường lao động đảo chiều so với 3 tháng trước khi những nghề môi giới bất động sản; thực phẩm và đồ uống; kỹ thuật điện, nhân viên an ninh; nhân viên marketing cần tuyển dụng nhiều nhất. Trong khi quý II, môi giới bất động sản, thực phẩm và đồ uống là nhóm nghề có lao động đi tìm việc nhiều nhất.
Bộ LĐ-TB&XH dự báo 3 tháng cuối năm, việc làm trong một số nhóm ngành như sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tiếp tục suy giảm. Tổng cục Thống kê cũng dự báo sức mua ở các thị trường xuất khẩu vẫn kém, chiến tranh, lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt... khiến tổng cầu hàng hóa thế giới sụt giảm. Lao động vẫn có thể mất việc làm, giảm thu nhập khi DN tiếp tục cắt giảm đơn hàng.