Bộ lạc hơn 500 năm sống cheo leo trên vách đá

Bộ lạc hơn 500 năm sống cheo leo trên vách đá
(PLVN) - Hơn 500 năm qua, một bộ lạc đã sinh sống ở trên những vách đá cheo leo, hiểm trở ở vùng núi thuộc đất nước Oman, gần như tách biệt với thế giới.

Ngôi làng biệt lập

Cách khoảng 195km về phía Tây Nam đường bờ biển thành phố Muscat, trên bình nguyên Oman nhô lên những khối đá vôi hình thành núi đá Jabal al Akhdar cao khoảng 2980m so với mặt nước biển được gọi là “Núi Xanh”.

Ở nơi xa xôi của đất nước, nơi này được xem là mê cung của các thung lũng xoắn và hẻm núi sâu. Khi con đường nhựa kết thúc, cách duy nhất đến được với bộc lạc này là đi bộ, hoặc tiến bộ hơn là đi bằng con la hoặc dùng xe địa hình. 

Sau khi leo khoảng 20km qua các con dốc dựng đứng, hình bóng của những ngôi nhà nhỏ bé của bộ tộc này bắt đầu hiện ra phía bên kia vực, nằm cheo leo trên vách núi đá. Đó chính là Al Sogara, một bộ lạc nằm lơ lửng giữa vách đá, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong suốt hơn 500 năm qua.

Trong vùng cũng rải rác có các ngôi làng tương tự, nhưng Al Sogara là nơi duy nhất vẫn còn con người sinh sống. Thậm chí AI Sogara được xem là ngôi làng biệt lập xa xôi nhất của Vương quốc Oman.

Mặc dù Núi Xanh được xem là một trong những kỳ quan thiên nhiên của Oman, du khách tới đây tham quan rất nhiều, nhưng hiếm có ai lần tìm tới được nơi sinh sống của cộng đồng bộc lạc Al Sogar. Cho đến năm 2015, du khách nước ngoài vẫn bị cấm đi vào khu vực này vì chính phủ Oman tiến hành các hoạt động quân sự tại đây.

Mười bốn năm trước, thời điểm này bộc lạc Al Sogar vẫn chưa xuất hiện hệ thống điện và cũng không có điện thoại hay bất kỳ thiết bị công nghệ hiện đại, văn minh nào. Con đường ngắn nhất để đến được bộ lạc này cũng mất tới 15km.

Phương tiện di chuyển và chở hàng của họ tới thị trấn gần đó là Nizwa và Birkat Al Mouz là những con la. Tuy nhiên vì quá vất vả và nguy hiểm nên vào năm 2005, họ đã nghĩ ra cách căng 2 đoạn cáp trên thung lũng để mang về những nhu yếu từ bờ vực bên kia về cho bản làng.

Do điều kiện đi lại quá khó khăn nên trẻ em Sogara không được đi học, nhiều thế hệ đã phải tự học đọc, học viết ở nhà. Cho đến tận năm 1970, những đứa trẻ bắt đầu đi học ở ngôi trường nằm cách Sayq 14km. Để được đến lớp, các em phải trèo xuống bậc thang hẹp của làng và đi lên phía bên kia ngọn núi, phải đi xe bus hơn 10km mới có thể đến trường.

Hình ảnh ngôi làng của bộ tộc Al Sogara.
Hình ảnh ngôi làng của bộ tộc Al Sogara.

“Chúng tôi đã quen với cuộc sống ở đây và chúng tôi yêu thích cuộc sống này. Mỗi người đều có quê hương và dù nơi chúng tôi sinh ra có phần hơi khác biệt, nhưng chúng tôi vẫn luôn yêu thương quê hương mình”, Mohammad Nasser Alshariqi, một thành viên của bộ lạc Al Sogara chia sẻ.

Người trong bộ lạc Al Sogara không thể nhớ nổi khoảng thời gian mà số lượng thành viên của họ hơn 45 người. Ngay nay, bộ lạc Al Sogara chỉ còn 5 gia đình sinh sống, họ là những người di cư từ Jordan tới từ hơn 1.000 năm trước và quyết định định cư ở Vương quốc Oman.

“Bộc lạc chỉ có 25 thành viên, chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở đây. Mặc dù đây là con số nhỏ, nhưng ngôi làng nhỏ bé của chúng tôi cũng chỉ đủ chỗ cho bằng này con người”, ông Salem Alshariqi, một thành viên khác của bộ tộc cho biết.

Kiến trúc hang động độc đáo

Ở độ cao 2.700 mét so với mực nước biển, Al Sogara là một trong số ít địa điểm của Oman thường xuyên có tuyết rơi. “Mùa đông ở đây rất khắc nghiệt. Chúng tôi xây nhà bằng đất sét và đá vôi vì chúng giúp chúng tôi tách biệt với lạnh giá trên Núi Xanh và giữ cho chúng tôi mát mẻ vào mùa hè”, ông Salem Alshariqi nói.

Theo dân làng, tổ tiên của họ đã sử dụng những nguồn lực có sẵn trên núi để xây dựng những nhà, bằng cách trộn nước với sỏi để tạo thành những lớp tường bùn hoặc đục thẳng vào đá vôi để tạo thành các căn phòng. Cứ thế qua nhiều thế hệ, giống như tổ tiên họ từng làm trong nhiều thế kỷ qua, người Al Sogara tiếp tục xây cất nhà theo cách cổ xưa cho tới tận bây giờ.

“Khi tới đây, tổ tiên chúng tôi đã xây các bức tường chắn bên ngoài và sống bên trong núi. Ở trong, nhà chúng tôi là những hang động. Nếu không có các bức tường đó thì mọi người sẽ chỉ nhìn ra đó là những cái hang nằm trên núi”, ông Salem cho hay.

Bộ tộc người Al Sogara không chỉ tạc nhà của họ trên sườn núi mà còn sử dụng những hang động làm nơi trú ẩn cho gia súc. Từ nhiều thế kỷ, các hộ gia đình tại đây đã bắt đầu xây dựng hàng rào trên những lối vào cửa hang để giữ an toàn cho gia súc trước sự tấn công của các loại động vật hoang dã. Đối với bộ lạc Alshariqi và nhiều tín ngưỡng khác trong khu vực, động vật biểu thị cho sự thịnh vượng, gia chủ càng có nhiều dê, cừu, la tức là gia đình đó càng giàu.

“Quanh năm chúng tôi chỉ làm nông và chăn nuôi gia súc. Chúng tôi trồng các loại cây chính như lựu, quả óc chó, đào, mơ, cam, tỏi, hành và nhiều loại rau khác nhau khi mùa mưa đến, ngay trên vách núi nơi chúng tôi sinh sống”, ông  Mohammad Nasser chia sẻ. 

Bên trong một ngôi nhà của người Al Sogara.
Bên trong một ngôi nhà của người Al Sogara.

Cũng như nhiều người Oman và các đất nước Ả Rập khác, bộ lạc AI Sogara có truyền thống hiếu khách. Họ thường rộng mở cửa chào đón, chăm sóc khách chu đáo trong suốt 3 ngày, sau đó mới hỏi lý do ở lại.

Để duy trì cuộc sống ở vùng đất khắc nghiệt, từ xa xưa người dân Oman đã sáng tạo ra một hệ thống thuỷ lợi rất thông minh, được biết đến với tên gọi “Aflaj”, theo đó nước được dẫn từ các dòng suối ngầm lên, nhờ vào lực hấp dẫn. Có từ thời 500 sau Công nguyên, các hệ thống dẫn nước này từng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, khiến cho người ta từng xây dựng các chòi theo dõi để trông chừng, bảo vệ chúng.

Ngày nay, có khoảng 3.000 kênh đào này được tìm thấy nằm rải rác trên Oman, trong đó có cả ở Al Sogara. Ở đây, Aflaj dẫn nước từ một dòng suối từ thung lũng bên dưới lên. Tuy nhiên, do những thay đổi thời tiết mà nhiều phần trong số các đường dẫn nước dài từ 20-50km đã trở nên nhỏ giọt. Và ngọn núi từng một thời xanh tốt nay trông giống như một khối đá vôi phủ bụi.

“Những kênh đào này được xây dựng từ hàng trăm năm trước bởi các hộ gia đình sống tại đây. Mỗi gia đình đều được chung một kênh nước, và mỗi nhà hàng ngày được nhận một lượng nước nhất định để phục vụ trồng trọt, tương ứng với phần đóng góp của họ trong việc làm kênh. Tuy nhiên, bây giờ vì có ít nước, sản lượng mùa màng của chúng tôi ngày càng kém hơn”, ông Mohammad Nasser kể. 

Ngày nay, khi nơi đây bắt đầu có điện và những đồ dùng hiện đại, cuộc sống của người làng Al Sogara đã được cải thiện rất nhiều. Điều này đã tạo điều kiện để người dân Al Sogara dần hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Những năm gần đây, tình trạng khan hiếm việc làm ở địa phương khiến một số người làng Al Sogara bắt đầu tìm kiếm công việc ở những thị trấn lân cận. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu không có biện pháp để giữ gìn ngôi làng, có thể chỉ trong 15 năm nữa nét văn hóa đặc sắc của người Al Sogara sẽ biến mất.

Nhưng ông Mohammad Nasser lại không cho rằng như vậy: “Tương lai phụ thuộc vào hiện tại. Nếu chúng tôi trông nom tốt nơi này thì các thế hệ cháu, chắt chúng tôi cũng sẽ làm vậy. Nếu chúng tôi không lo coi sóc những ngôi nhà này thì chúng sẽ bị phá huỷ trong 15 năm tới”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.