Trong nhiều năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã tích cực lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến lĩnh vực gia đình. Một số kế hoạch đáng chú ý như: Kế hoạch về thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức lối sống gia đình đến năm 2030, Kế hoạch về triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến năm 2025...
Gần đây, Sở cũng đã cấp phát 428 quyển tài liệu và 10.000 tờ rơi tuyên truyền với các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới; giáo dục đời sống gia đình; gia đình hạnh phúc khi không có bạo lực; xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới là 286 bảng pa nô, 331 tấm băng rôn, 5.855 lá cờ phướn.
Tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và phân biệt đối xử dựa trên giới tính. |
Các nỗ lực của tỉnh Bình Thuận đã mang lại những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản trong năm 2023 đạt 84%. Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn trong năm 2023 là 88%... Năm 2023, có 1 trường hợp bị mua bán trở về, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện các chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định và đã bàn giao nạn nhân cho địa phương và gia đình quản lý để hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận nhưng việc thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Một trong những thách thức lớn là chưa có nguồn số liệu báo cáo về số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ. Việc thiếu số liệu này sẽ gây khó khăn trong việc đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp hiệu quả để giảm bất bình đẳng trong gia đình.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực gia đình cũng là một thách thức không nhỏ. Những quan niệm và định kiến về giới tính vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và miền núi.
Các cơ quan tỉnh Bình Thuận nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. |
Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được đẩy mạnh, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung vào việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Các cơ quan, tổ chức liên quan đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ và tạo điều kiện để người bị bạo lực được bảo vệ, hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tỉnh Bình Thuận tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng và phát triển bền vững.