Sản lượng tiêu thụ như nhau thì hóa đơn phải bằng nhau
Dự thảo Quyết định cải tiến biểu giá điện mới với phương án một giá của Bộ Công Thương đã khiến dư luận “dậy sóng”. Tuần qua, Bộ Công Thương đã chính thức rút lại phương án này và hiện chỉ còn duy nhất phương án biểu giá điện 5 bậc thang tiếp tục được giữ nguyên để tiếp tục xin ý kiến. Ngày 31/8 tới đây sẽ là thời hạn cuối cùng Bộ Công Thương “chốt” việc xin ý kiến.
Trả lời Báo PLVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam khẳng định, đây không phải là phương án điều chỉnh giá điện, mà là phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Chính vì vậy, đối với người tiêu dùng, dù phương án nào, với sản lượng điện tiêu thụ như nhau thì hóa đơn tiền điện phải bằng nhau. Nếu hóa đơn tiền điện tăng so với giá hiện hành, sẽ phát sinh thắc mắc từ phía người tiêu dùng.
Theo ông Hùng, Dự thảo đưa ra biểu giá 5 bậc thay cho 6 bậc hiện hành, tuy nhiên không đưa ra số tuyệt đối, mà đưa ra tỷ lệ % so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Ông Hùng nhắc lại một lần nữa: “Đây không phải là điều chỉnh giá điện, do vậy, giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo Quyết định số 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019 Bộ Công Thương, tức là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)”.
Trên cơ sở 5 bậc thang mà Bộ Công Thương đã đưa ra, ông Hùng tính toán và cho rằng, nếu các hộ tiêu thụ dưới 100 kWh/tháng, tiền điện bằng 90% giá bán lẻ bình quân hiện hành; Với mức này, giá điện được giữ nguyên bằng giá bậc 1 hiện hành là 1.678 đồng/kWh. Như vậy, hộ tiêu thụ từ 51-100 kWh sẽ giá mới là 1.734 đồng/kWh, thấp hơn biểu giá điện hiện nay.
Với hộ tiêu thụ từ 101-200 kWh/tháng; giá bằng 108% giá bán lẻ bình quân hiện hành, tính ra xấp xỉ 2014 đồng/kWh, bằng với giá hiện nay.
Tuy nhiên, các hộ tiêu thụ từ 201-400 kWh; giá bằng 141% giá bán lẻ bình quân hiện hành,tính ra xấp xỉ 2.629 đồng/kWh. Chiểu theo biểu giá 6 bậc thang cũ, đối với hộ tiêu thụ từ 201-300 kwh, theo giá hiện hành là 2.536 đồng/kwh thì tiền điện theo biểu giá mới sẽ tăng lên. Đối với hộ tiêu thụ từ 301-400 kWh, giá hiện hành là 2.834 đồng/kWh; giá mới là 2.629 đồng/kWh thì tiền điện nhóm này theo biểu giá mới sẽ giảm. Nếu chia trung bình các hộ dùng dưới 400 số điện/tháng, với biểu giá mới, họ sẽ phải chi trả mức tăng so với biểu giá cũ (trung bình biểu giá cũ thì NTD phải trả tương đương ở mức 2.499,75 đồng/kWh).
Đối với nhóm hộ tiêu thụ từ 401-700 kWh, giá hiện hành là 2.927 đồng/kWh, biểu giá mới bằng 160% giá bán lẻ bình quân hiện hành, tính ra sẽ thành 2.983đồng/kWh, như vậy tiền điện nhóm này theo biểu giá mới sẽ tăng lên. Tương tự, các hộ tiêu thụ từ 701 kWh/tháng trở lên, theo biểu giá mới sẽ bằng 168% giá bán lẻ bình quân hiện hành, tính ra trên 3.132 đồng/kWh. Như vậy tiền điện nhóm này theo biểu giá mới cũng tăng lên.
Do đó, theo phương án 5 bậc, những hộ tiêu thụ từ 201-300 kWh/tháng và từ 401kWh/tháng trở lên tiền điện sẽ tăng. “Từ những phân tích trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ để tạo ra sự đồng thuận, tránh những thắc mắc không cần thiết, phải làm sao để đảm bảo những NTD điện không bị tăng so với số tiền họ vẫn phải chi trả hiện hành mới đáp ứng đúng tiêu chí cải cách biểu giá điện mới, không phải đưa ra một phương án giá mới”, ông Hùng đề nghị.
Lo lắng lạm thu nếu áp dụng phương án 5 bậc thang
Trong cuộc họp lấy ý kiến về biểu giá cải cách điện mới, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng cho rằng Bộ đưa ra đề xuất biểu giá điện cần dựa trên cơ sở làm rõ nội dung về khoảng cách biểu giá, cần phân tích rõ tại sao sử dụng phương án biểu giá điện 5 bậc thang so với 6 bậc thang trước đây để việc tính giá tiêu thụ điện được minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cũng cho biết, quan điểm của NTD là cần điều chỉnh lại biên độ biến thiên của biểu giá điện bậc thang theo hướng nhất quán cũng như giải quyết được vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng trong một cuộc họp lấy ý kiến về phương án biểu giá 5 bậc thang bày tỏ: “Phương án biểu giá luỹ tiến 5 bậc thang mà Bộ đưa ra chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản tổng doanh thu điện sinh hoạt tính theo giá bình quân bằng tổng doanh thu tính theo từng bậc thang. Chưa kể, việc tính giá điện nhiều bậc chứa đựng nhiều yếu tố khó kiểm soát, lập lờ, thiếu minh bạch. Do đó, nhiều khả năng sẽ có lạm thu nếu áp dụng phương án này”.
Ông Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Năng lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, khoảng cách tăng giá giữa các bậc trong phương án biểu giá 5 bậc thang hiện quá lớn. Điều này khiến các hộ dùng trên 200 kWh phải trả giá cao, cao hơn nhiều giá điện bình quân. Và như vậy tiền điện nhiều khả năng vẫn “nhảy vọt” khi giao mùa, nắng nóng. Ông đề nghị, nhà điều hành cần nghiên cứu để mức tăng giá, giãn cách giữa các bậc ở phương án này “tăng vừa phải hơn”, để vừa có lợi cho NTD, vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước.