Thay màu cho một dòng kênh
Nhắc đến con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người dân TP HCM đến nay vẫn còn nguyên vẹn kí ức của những dòng nước “khủng khiếp”. Con kênh này còn được gọi là “kênh thúi” với màu nước đục ngầu và mùi hôi bốc lên nồng nặc, đầy rác. Đặc biệt, vào những ngày triều cường, nước dâng cao, con kênh càng bốc mùi nặng nề, cùng với việc nước đen dâng lên, đem theo rác rưởi tràn vào các nhà dân xung quanh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được ghép bởi hai địa danh: Từ cầu Thị Nghè lên thượng nguồn Gò Vấp là kênh Nhiêu Lộc, đoạn cuối từ cầu này đổ ra sông Sài Gòn mang tên Thị Nghè. Từ những năm 1990, đã có nhiều ý kiến đặt ra về việc quá lãng phí và vô lý khi để một con kênh chạy uốn lượn hầu hết các khu vực trung tâm thành phố lại trở thành một “điểm đen” đáng xấu hổ.
Nhiều đề xuất được đưa ra nhằm biến Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành “sông Seine của Sài Gòn”. Thời điểm đó, nhiều người vẫn nghĩ đó là một kế hoạch “hoang tưởng”. Ít ai nhìn xuống dòng nước đen bốc mùi ấy lại dám nghĩ, có một ngày nó có thể trở nên trong xanh, góp phần tôn tạo bộ mặt cho thành phố.
Rồi cái ngày nhiều mong chờ cũng đến. Công cuộc cải tạo trị giá hàng trăm triệu USD được chia ra làm hai giai đoạn: Từ năm 1993-1998 là dự án cải tạo kênh và chỉnh trang đô thị dọc kênh; từ năm 2002-2020 là dự án vệ sinh môi trường.
10 năm sau triển khai dự án, trải qua không ít khó khăn về vốn, không ít lần trễ tiến độ, ngày 18/8/2012, dự án công trình cải tạo, xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Trường Sa - Hoàng Sa giai đoạn một được cắt băng khánh thành, mang theo hy vọng của bao người. Đây là một trong những dự án vệ sinh môi trường đầu tiên toàn diện và lâu dài của thành phố. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 1 là gần 8.600 tỷ đồng.
Đến ngày 20/11/2020, dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chính thức hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy để cải thiện vệ sinh môi trường, tăng khả năng tiêu thoát nước cho khu vực, kết thúc hai thập kỉ từ lúc kế hoạch manh nha cho đến những hòn đá cuối cùng.
Để giữ kênh xanh
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đây đã trở thành một dòng kênh tươi đẹp chảy uốn quanh thành phố. Ông Nguyễn Văn Thái Anh, 71 tuổi, cư dân đường Phạm Viết Chánh, khu vực cầu Thị Nghè, quận 1 chia sẻ: “Tính ra, số phận con kênh này cũng ba chìm bảy nổi lắm. Tui còn nhớ, hồi tui còn nhỏ, con kênh không lớn như bây giờ. Hồi đó những năm 1950, gia đình mới từ miền Tây lên, cũng xí miếng đất, dựng nhà sát bờ kênh như nhiều gia đình khác ở đây.
Lúc đó, nước kênh còn trong như nước sông, nhiều nhà ra tắm, giặt, múc nước nấu uống. Rồi dần dà thành phố đông đúc lên, người ta quăng rác, thải nước ra, nên con kênh toàn rác rến, đen xì, hôi hám, mà đỉnh điểm là những năm 1990. Nhiều người dân sống gần đây lục tục bỏ đi hết. Gia đình tui thì vẫn bám trụ tại đây, chịu đựng cái mùi khủng khiếp này riết rồi quen.
Tuyến xe bus đường sông tận dụng lợi thế của những con kênh xanh. |
Mấy năm trở lại đây, may mắn làm sao khi con kênh được cải tạo, nước trong lại. Xung quanh kênh còn xây thành công viên cây xanh, có ghế đá, dụng cụ thể dục. Tự nhiên khu dân cư dọc kênh Nhiêu Lộc thành sạch sẽ, mát rượi, đáng sống. Nhiều người từng dọn đi giờ tiếc hùi hụi…”.
Không chỉ là một con kênh trong, đẹp, sạch chảy xuyên qua các khu dân cư với công trình công cộng hữu ích, con kênh còn đem đến một lựa chọn mới cho vận chuyển và du lịch của người dân thành phố. Từ khi con kênh trở nên tươi đẹp, những tour du lịch đường kênh Sài Gòn được mở ra với các tour tham quan sông nước kết hợp văn hóa vùng miền.
Năm 2017, tuyến xe bus đường sông của Sài Gòn lần đầu tiên đi vào hoạt động. Sắp tới, dự án du lịch đường sông mà xương sống là sông Sài Gòn kết nối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng sẽ được phát triển.
Hiện, gói thầu xây dựng Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 2, có giá trị 307 triệu USD đang được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Thành phố cũng đang đề xuất dự án trị giá gần 13 tỉ đồng để hoạt động vớt rác, chất thải rắn trên hệ thống sông, kênh rạch được hiệu quả hơn.
Vẫn còn nhiều dự án đang thực hiện để loại bỏ rác thải, làm trong sạch dòng kênh. Cũng cần cả những đề án nâng cao tinh thần bảo vệ môi trường, từ người dân sống chung quanh con kênh nói riêng và người dân thành phố nói chung, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất có xả thải.
Chặng đường hơn 15 năm để một con kênh “lột xác” từ “kênh thúi” thành dòng kênh trong đẹp không dễ dàng. Và để duy trì con kênh đẹp, xanh mát vần cần một quá trình nỗ lực rất nhiều của cả cơ quan quản lý lẫn người dân.