Đồng bộ nhiều giải pháp để kiện toàn công tác tổ chức bộ máy
* Xin bà chia sẻ kết quả tham mưu của Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ đối với Đảng bộ Bộ trong tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức bộ máy, cán bộ từ tinh giản biên chế đến sắp xếp lại bộ máy? Bên cạnh kết quả, thì có những khó khăn nào?
- Bà Phan Thị Hồng Hà: Trong thời gian qua, Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo Vụ tham mưu Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
Nhờ đó, công tác tổ chức cán bộ của Bộ đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, góp phần xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển vững mạnh.
Thể chế trong công tác tổ chức cán bộ được tập trung hoàn thiện, làm cơ sở cho việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ tinh gọn, đồng bộ, thống nhất và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030;
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định ban hành tiêu chuẩn Quy chế quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức;
Đề án đổi mới cơ chế đánh giá công chức, viên chức; Quy chế tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức và thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác tại Bộ; các Quy chế phân cấp quản lý cán bộ đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu...
Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức lễ kết nạp đảng viên tại Đền thờ Bác Hồ tại Ba Vì. |
Về tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, Bộ đã sắp xếp, giảm 02 đơn vị cấp Vụ, 50% đơn vị hành chính thuộc Bộ đã giảm đầu mối đơn vị cấp Phòng với tỷ lệ cắt giảm từ 20% trở lên đầu mối đơn vị cấp Phòng; điều chỉnh lại nhiệm vụ giữa một số đơn vị thuộc Bộ nhằm khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo.
Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương cũng đã được nghiên cứu và có phương án dự kiến kiện toàn tổ chức theo tinh thần các nghị quyết của Đảng. Biên chế các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống THADS được rà soát, phân bổ phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc của từng đơn vị, tập trung cho các lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và bảo đảm chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thông qua việc đổi mới phân bổ biên chế cho cả giai đoạn 2016-2021.
Việc tinh giản biên chế được thực hiện thường xuyên, gắn tinh giản biên chế với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Bộ thông qua nhiều giải pháp đồng bộ từ đánh giá, sắp xếp cán bộ, xác định chỉ tiêu tinh giản cho từng đơn vị cho đến tổ chức thực hiện thường xuyên hàng năm, đảm bảo mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% biên chế, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng người làm việc sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Tính đến thời điểm 31/12/2019, Bộ Tư pháp đã giảm được 7,7% biên chế hành chính và giảm 63% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, tinh giản nhiều trường hợp công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, Chi bộ và Lãnh đạo Vụ đã tham mưu để đưa vào nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm của Bộ, từ đó được Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Các khâu trong công tác cán bộ từ đánh giá, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng đến thực hiện các chế độ, chính sách như nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, nghỉ hưởng chế độ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thận trọng, dân chủ, khách quan, minh bạch với nhiều nội dung tiếp tục được đổi mới theo đúng quy định, phù hợp với đặc thù của Bộ Tư pháp và chú trọng nâng cao chất lượng.
Quy trình chặt chẽ, lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ trong công tác bổ nhiệm, đổi mới công tác bổ nhiệm thông qua thi tuyển bảo đảm chọn đúng người đúng việc. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được tăng cường thực hiện giữa các đơn vị và liên thông với hệ thống THADS để vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa tăng cường hỗ trợ trong công việc.
Đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về cách thức, nội dung, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, tiêu chuẩn, ngoại ngữ và quan tâm đặc biệt tới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu để từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia trên các lĩnh vực công tác cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đại hội Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ nhiệm kỳ 2017-2020. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức cán bộ của Bộ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: Biên chế công chức, số lượng người làm việc chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng tăng cường, mở rộng, trong khi tiếp tục phải thực hiện việc cắt giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong công việc; tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn.
Việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn do cơ chế, kinh phí, chế độ, chính sách; cơ cấu cán bộ vẫn còn có điểm chưa hợp lý, tỷ lệ chuyên viên cao cấp và tương đương còn thấp, chuyên gia trong các lĩnh vực công tác còn ít; chất lượng công chức, viên chức tuy đã được nâng cao song chưa thật sự ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.
* Việc kiện toàn tổ chức bộ máy đang gặp nhiều khó khăn, nhất là cải cách chế độ tiền lương, vậy Bộ, ngành Tư pháp đã có những giải pháp gì?
- Bà Phan Thị Hồng Hà: Hiện nay, chủ trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ đang được Đảng và Nhà nước lãnh đạo thực hiện quyết liệt, trong đó có cả việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương. Cải cách chế độ tiền lương cũng có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. Việc thực hiện chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc cải cách chế độ tiền lương trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hạn hẹp, hệ thống vị trí việc làm chưa hoàn thiện... Trong bối cảnh như vậy, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiện toàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các đơn vị, cụ thể như:
+ Thu gọn đầu mối cấp Vụ, cấp Phòng và xác định biên chế hợp lý ở các đơn vị như đã nói ở phần trên.
+ Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Bộ với các cơ quan tư pháp và thi hành án địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời đi đôi với thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm tuân thủ đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị.
+ Tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bên thông qua việc ký kết, thực hiện nhiều Quy chế phối hợp, phối hợp liên ngành… trong các lĩnh vực công tác của Bộ.
+ Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành với việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, xây dựng và ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản, quản lý dữ liệu, quản lý hồ sơ cán bộ…
+ Phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan hoàn thành việc xây dựng danh mục, bản mô tả vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp và vị trí việc làm pháp chế - chuyên môn dùng chung để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước (từ trung ương xuống địa phương), làm cơ sở cho việc quản lý, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức và cải cách tiền lương. Thực hiện việc giao và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các đơn vị thuộc Bộ trên cơ sở vị trí việc làm, loại hình tổ chức, tính chất, đặc thù công việc của từng đơn vị.
+ Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác công tác cán bộ, đội ngũ công chức, viên chức như đã nói ở phần trên thì Bộ Tư pháp cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo các đơn vị xây dựng môi trường làm việc dân chủ, công bằng, công khai, thân thiện, tạo cơ hội cho công chức, viên chức được thể hiện, phấn đấu và phát triển; hoàn thiện tiêu chí đánh giá để đánh giá đúng cán bộ; có chế độ khen thưởng kịp thời; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự gắn bó, thu hút và giữ chân những người có phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác vào và ở lại, gắn bó, cống hiến cho Bộ, ngành cũng như nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong điều kiện việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương chung còn gặp khó khăn.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ
* Còn hoạt động kiểm tra, giám sát công tác cán bộ đạt được kết quả ra sao, thưa bà?
- Bà Phan Thị Hồng Hà: Công tác cán bộ có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự lãnh đạo của Đảng, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong những năm qua, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong đó có đặt ra yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ. Chính phủ và Bộ Nội vụ cũng có quy định, hướng dẫn, yêu cầu cụ thể đối với nội dung này.
Thực hiện các yêu cầu nêu trên, hàng năm, Chi bộ và Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ cùng với Văn phòng Đảng - Đoàn thể các đơn vị liên quan tham mưu Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Tư pháp xây dựng, lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ tại các đơn vị thuộc Bộ, hệ thống THADS và kiểm tra tổ chức, hoạt động tại các Sở Tư pháp địa phương.
Qua thanh tra, kiểm tra đã ghi nhận những việc làm hay, làm tốt, làm được của các đơn vị; thấy được những khó khăn, phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai sót của các đơn vị trong công tác này, từ đó có sự chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, kịp thời uốn nắn, đề xuất việc xử lý đối với các thiếu sót, vi phạm trong công tác cán bộ, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, chặt chẽ, đúng quy định. Trong nhiệm kỳ qua, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc kiểm tra đối với 100% đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp theo chỉ tiêu yêu cầu của Bộ Nội vụ; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định trong công tác cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
* Trân trọng cảm ơn bà!