Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên (1929-2018) từng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Khoa học Y - Dược, danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2000. Cha của ông là Giáo sư Hoàng Tích Trí, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam.
Chị Hoàng Diễm Huyền - đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đóng vai trò nhà sản xuất và quản lý dự án “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh đã tiết lộ những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng đằng sau ca khúc có ảnh hưởng toàn cầu.
“Ghen Cô Vy” là một sản phẩm của Viện “đặt hàng” nhạc sĩ Khắc Hưng viết riêng để tuyên truyền trong lúc dịch Covid-19 ngày càng phức tạp...
Để kịp chạy đua phòng chống dịch, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn, câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào để đưa những thông tin khoa học cơ bản và thông điệp phòng bệnh đến với cộng đồng một cách nhanh chóng, chính xác. Dịch lây lan nhanh, thông tin đến người dân cần phải nhanh hơn dịch.
Sau khi hình thành ý tưởng ban đầu về việc thử nghiệm dùng công cụ trực quan như bài hát, điệu nhảy, video làm phương tiện truyền tải thông điệp; được lãnh đạo Viện ủng hộ, tôi bắt tay vào công việc tìm kiếm, kết nối, thuyết phục các nghệ sĩ tham gia vào dự án.
Đầu tiên là đặt vấn đề với nhạc sĩ Khắc Hưng về việc sáng tác một bài hát mới cho dự án và thời hạn chỉ được trong 7 ngày, để kịp chạy đua với dịch.
Khi được Hưng chia sẻ rằng sẽ mất 1 tháng cho thời gian sáng tác một bài hát mới để đảm bảo chất lượng; trên tinh thần chống dịch, quyết liệt và chuẩn xác, tôi đề xuất Hưng sáng tác lời mới cho một bản hit của mình. Tuy bất ngờ, nhưng Hưng đã nhất trí với đề nghị này.
Thử thách tiếp theo là tìm và thuyết phục được ca sĩ vừa tài năng vừa làm việc ăn ý với Hưng, vì đây là yếu tố quyết định sẽ chọn bài hát nào để Hưng sáng tác lại lời.
Trong số các ca sĩ trên thị trường, Erik và Min là cặp đôi hoàn hảo cho yêu cầu này, nên Viện quyết tâm thuyết phục bằng được để có sự tham gia của 2 ca sĩ. Hội tụ được bộ ba Khắc Hưng - Erik - Min, bài hát “Ghen” là sự lựa chọn dễ dàng.
Ngoài việc chọn được nghệ sĩ tài năng, bài hát hay, quan trọng hơn cả là nội dung lời bài hát phải truyền tải được những thói quen phòng bệnh vừa hiệu quả, vừa đơn giản, vừa đúng với các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế và WHO.
Để đảm bảo điều này trong khi vẫn đảm bảo yếu tố thời gian, trong suốt quá trình sáng tác và sản xuất, ngày vẫn làm việc, đến đêm tôi lại trao đổi trực tiếp cùng Hưng về phương án lời bài hát. Trong lúc đó, tất cả các khâu sản xuất, phát hành diễn ra song song.
Tương tự với bản audio, tiếp tục tinh thần chạy đua, việc hợp tác cùng Quang Đăng thiết kế thử thách rửa tay, và cùng Yang Animation Artist thiết kế bản MV hoạt hình đều phải được thực hiện song song với quá trình sáng tác bài hát, để rút ngắn tối đa thời gian sản xuất.
Kết quả đầu ra là kịp phát hành các sản phẩm của dự án (bài hát, video hoạt hình, thử thách vũ điệu rửa tay) trong vòng 15 ngày kể từ lên ý tưởng.
Tại sao ca khúc “Ghen” được lựa chọn?
Thực ra ngay lựa chọn ban đầu khi làm việc với Khắc Hưng là bài hát “Sau tất cả”. Cuối cùng bài hát “Ghen” được chọn, một phần vì đây đã là một thành công lớn của bộ ba Khắc Hưng - Erik - Min, phần khác vì bài hát có nhịp điệu và năng lượng sôi động, tươi vui, rất hợp để thiết kế vũ điệu rửa tay trên nền bài hát. Tôi đã rất vui khi Khắc Hưng nghĩ đến và gợi ý bài hát này.
Gia đình chị có truyền thống hoạt động chống dịch từ đời ông cha. Chị có thể chia sẻ thêm về truyền thống này?
Câu chuyện phòng dịch vẫn là chủ đề hằng ngày quanh mâm cơm gia đình tôi.
Từ bé và đến tận bây giờ, tôi vẫn rất thích nghe các câu chuyện mà ông, mẹ cũng như khách đến chơi nhà kể lại, từ chuyện cụ Trí “chiến đấu” dịch sốt rét, cụ Mịnh chống dịch tả, đến lượt ông nội làm chống dịch bại liệt, làm vắc xin bại liệt, viêm não, viêm gan, cúm H5N1, rồi sau này là mẹ ra trận chống dịch SARS, H5N1.
Dấu ấn sâu đậm nhất trong tuổi thơ của tôi, là sự hi sinh của mẹ và thời gian tôi được làm “trợ lý” cho ông.
Năm tôi 10 tuổi, ông nội tôi bị đột quỵ. Sau đó ông bị liệt nửa người, sức khỏe rất yếu nhưng vẫn quyết tâm quay lại công việc. Từ đó, tôi vô tình có dịp hỗ trợ ông trong công việc hàng ngày, tìm các tài liệu ông cần, cùng ông đọc các tài liệu, được ông dạy cho các kiến thức về phòng bệnh.
Cứ như thế cho đến trước ngày ông mất cũng là ngày tôi vừa sinh em bé thứ hai được vài ngày. Lúc ấy, ông đã rất yếu rồi nên tôi tới để xem ông muốn dặn dò điều gì không. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, thay vì hỏi thăm và dặn dò các việc về gia đình, ông nhờ tôi mở ipad ra xem tiến độ việc sản xuất vắc xin dại đến đâu rồi.
Cho đến phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn trăn trở việc phải bảo vệ được sức khỏe cho người dân trước các nguy cơ dịch bệnh, vì “khí hậu biến đổi, những nước như Việt Nam sẽ càng nhiều dịch bệnh”.
Khi ấy tôi đã nói với ông rằng: “Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sức khỏe cộng đồng rồi. Cháu hứa bằng khả năng của mình sẽ tiếp tục thực hiện những gì ông đang làm dang dở”.
Còn về mẹ, tuổi thơ của tôi thiếu vắng thời gian được bên mẹ. Đó là kí ức về những chuyến đi dài của mẹ, và gần như không có Tết nào mẹ được ở nhà. Khi tôi hỏi vì sao mẹ đi nhiều thế, mẹ nói phải đi chống dịch ở các tỉnh, lúc ấy tôi cũng chưa hiểu được hết.
Qua thời gian hỗ trợ ông cùng câu chuyện về những túi đường sữa mẹ hay mang về hàng tháng, mẹ nói đấy là viện trợ của Nhà nước cho những người làm nghề rủi ro cao, thì tôi dần hiểu hơn về công việc của mẹ; về những hi sinh thầm lặng mà mẹ và những y bác sĩ cùng các cán bộ chuyên môn về y tế dự phòng phải đối mặt hằng ngày.
Phải chăng đây là niềm cảm hứng cho chị trong dự án "Ghen Cô Vy" lần này?
Chính những kỷ niệm và dấu ấn xuyên suốt tuổi thơ đã là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi. Tình yêu chân thành ông, mẹ và gia đình dành cho sức khoẻ cộng đồng, cho đất nước đã ngấm vào và chảy trong tôi một cách rất tự nhiên. Có thể nói dự án "Ghen Cô Vy" là một sản phẩm xuất phát từ tình yêu ấy.
Các nghệ sĩ Khắc Hưng, Min, Erik và Quang Đăng đã chia sẻ rất đầy đủ về giá trị của ngôn ngữ phi biên giới như âm nhạc và vũ điệu.
Tôi chỉ xin bổ sung thêm một ngôn ngữ cũng phi biên giới, đó là tình yêu thương chân thành giữa người với người và sự tử tế chúng ta có thể dành cho nhau trong những thời khắc gian khó.
Có lẽ “Ghen Cô Vy” được hình thành từ sự thấu cảm nên dễ chạm được đến trái tim mọi người.
Ca khúc tiếng Anh có gì đặc biệt hơn so với bản tiếng Việt?
Bản tiếng Anh vẫn dựa trên khung của bản tiếng Việt, cả bài hát, MV, vũ điệu rửa tay nhưng vẫn cố gắng đảm bảo tính hấp dẫn của thông điệp khi chuyển ngữ.
Trong bản Tiếng Anh, có sự xuất hiện của gương mặt mới - “đại sứ cách ly” Châu Bùi, tại sao lại có sự kết hợp này?
Tôi đã cân nhắc nhiều gương mặt, nhưng cái tên cuối cùng phù hợp nhất vẫn là Châu Bùi, không chỉ bởi sự ảnh hưởng của Châu đối với giới trẻ trong và ngoài nước về nếp sống văn minh và hình ảnh tích cực, hiện đại, mà còn bởi bản thân Châu có trải nghiệm thực tế của việc cách ly tập trung, cái nhìn về dịch bệnh cũng sẽ khách quan hơn.
Điều đó rất phù hợp với mục đích chung của chiến dịch lần này - phát hành bản tiếng Anh để hướng tới sự lan toả thông điệp vượt qua ranh giới quốc gia.
Một điều nữa có thể coi như duyên số, bởi tôi và Châu cùng làm công việc sáng tạo thuộc 2 mảng khác nhau: một bên truyền thông về y tế, một bên lại sáng tạo nghệ thuật nhưng lại có chung mục đích đó là tính cộng đồng trong mỗi sản phẩm, nên 2 chị em “bắt sóng” rất nhanh.
Tôi rất vui khi sau hơn 2 tuần làm việc cùng nhau, hai chị em nhận ra nhiều điểm chung, làm việc hiệu quả, học tập ở nhau rất nhiều.
Hy vọng những sản phẩm của chúng tôi trong thời gian sắp tới sẽ được mọi người hưởng ứng và lan toả mạnh mẽ hơn nữa.
Về mức độ phủ sóng truyền thông toàn cầu của “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Việt là vô cùng lớn, nếu bản tiếng Anh không vượt qua được cái bóng đó thì sao?
Trước tiên, tôi cảm thấy rất xúc động và bất ngờ khi dự án truyền thông y tế mới mẻ này được đón nhận bởi các đài truyền hình lớn trên thế giới, các tổ chức uy tín và các nghệ sĩ quốc tế.
Điều thực sự xúc động là không chỉ bài hát mà MV cũng như “Vũ điệu rửa tay” đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng và tham gia.
Thời gian qua có rất nhiều đề nghị xin được chuyển ngữ từ các bạn bè quốc tế.
Việc đưa thêm bản tiếng Anh có thể sẽ giúp ích cho cộng đồng, cho những ai cần. Đó là điều chúng tôi quan tâm nhất. Mong rằng các thông điệp phòng bệnh sẽ đến được với nhiều người, để chúng ta cùng nhau chủ động xây dựng thói quen phòng bệnh, cùng nhau vượt qua được thử thách này.
Ở thời điểm lên ý tưởng về dự án “Ghen Cô Vy”, thì nhu cầu cấp thiết khi ấy là đưa được kiến thức phòng bệnh cơ bản đến với mọi người một cách nhanh chóng, đầy đủ, dễ hiểu, đúng nhất.
Khi bước vào các giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh này, và kể cả khi chúng ta chiến thắng được dịch bệnh này, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề về môi trường và sức khỏe cần sự kết nối giữa kiến thức khoa học với người dân.
Trước hết, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch này, ngoài bản tiếng Việt và tiếng Anh của bài hát “Ghen Cô Vy”, dự án cũng đang cùng Bộ Y tế hợp tác với Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) để đưa bài hát và các thông điệp phòng bệnh đến được với đồng bào các dân tộc thiểu số, với cộng đồng người khiếm thính.