Mitsutoki Shigeta vừa xuất hiện trong phiên tòa xử qua truyền hình hôm 6/2, để bổ sung thông tin theo đơn kiện đòi quyền làm cha của anh. Shigeta đã thuê nhiều phụ nữ Thái Lan mang thai hộ năm 2014. Theo Japantoday, Shigeta đã đòi được quyền nuôi 3 trong số 12 đứa con, các bé còn lại đang được Bộ An sinh và phát triển xã hội Thái Lan chăm sóc. Phiên tòa ngày 20/2 sẽ xác định anh có được nuôi 9 đứa trẻ còn lại hay không.
Trong phiên tòa ngày 6/2, một nhân viên Bộ An sinh cho biết, họ đã đến Campuchia và Nhật để thăm những nơi Shigeta có ý định sẽ nuôi dưỡng các con và thấy "mọi thứ có vẻ tốt". Luật sư của Shigeta nói rằng thân chủ của mình thuê người mang thai hộ vì khao khát có gia đình đông con và hy vọng có người thừa kế gia sản của anh trong tương lai.
Năm 2014, bí mật xung quanh Shigeta gây thu hút dư luận và trở thành tâm điểm của những vụ scandal liên quan tới mang thai hộ. Người ta đặt câu hỏi: Shigeta là ai và tại sao anh ta lại muốn có quá nhiều con như vậy? Shigeta, thời điểm đó mới 24 tuổi, đã bị điều tra về tội buôn người và bóc lột trẻ em nhưng cảnh sát Thái Lan không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào.
Chìa khóa để tháo gỡ tất cả các câu hỏi này chính là những người phụ nữ được Shigeta trả tiền để mang thai. Và Wassana là người đầu tiên.
Mitsutoki Shigeta xuất hiện trên một loạt báo năm 2014 sau vụ tai tiếng nhờ một loạt phụ nữ Thái Lan mang thai hộ. Ảnh:The Nation. |
Học hết lớp 9, Wassana sống tại khu ổ chuột gần bãi rác cùng 7 người thân trong căn nhà ọp ẹp. Gia đình cô khánh kiệt sau khi dồn tiền chữa bệnh cho cha và bị đuổi ra đường vì thiếu tiền thuê nhà một năm. Vì vậy, năm 2012, khi thấy quảng cáo tìm người mang thai hộ với thù lao 10.000 USD (hơn 227 triệu đồng), Wassana nghĩ đó là cơ hội đổi đời. "Tôi đã tưởng bất cứ người nào chi nhiều tiền như vậy để có con thì phải khao khát có em bé lắm", cô kể.
Khi gặp Shigeta, cô băn khoăn tự hỏi không biết mẹ đứa trẻ mình sắp mang thai hộ là ai vì được đơn vị môi giới nói rằng cô sẽ đẻ thuê cho một cặp vợ chồng nước ngoài vô sinh. Trong quá trình mang thai, cô mắc tiền sản giật và phải sinh sớm hai tháng. Gia đình cô đến thăm nhưng Shigeta thì không. Bé trai chào đời được nuôi dưỡng trong lồng ấp 6 ngày, còn Wassana trở về nhà.
Hai tháng sau, cô gặp Shigeta lần đầu tại phòng khám hỗ trợ sinh sản. Đó là một chàng trai trẻ cao ráo, tóc bờm xờm, dài ngang vai và ăn mặc tềnh toàng. Luật sư của anh đi cùng và chứng kiến việc thân chủ mình và Wassana ký văn bản để Shigeta toàn quyền nuôi con. Trong suốt buổi gặp Shigeta chỉ mỉm cười và gật đầu, không nói lời nào. Mọi việc do luật sư trao đổi.
Một tháng sau, cũng vị luật sư ấy, Ratpratan Tulatorn, gọi điện và bảo Wassana đến tòa án để xác nhận lần cuối việc chuyển quyền nuôi con. Trong luật Thái, người phụ nữ sinh con là mẹ hợp pháp của đứa trẻ và nếu người ấy đã kết hôn, chồng cô ta là cha đứa bé. Tòa chấp thuận yêu cầu chuyển quyền nuôi con cho người khác.
Theo viên cảnh sát trực tiếp thẩm vấn 4 người mang thai hộ cho Shigeta, vài người trong số này kể rằng họ được luật sư Ratpratan hướng dẫn kể với tòa rằng mình ngoại tình với Shigeta và có con với anh. Trong khi đó, Ratpratan khẳng định ông không còn làm luật sư cho Shigeta nữa và từ chối bình luận về những lời khai của các phụ nữ trên và nói rằng: "Tôi không muốn đụng chạm tới việc này vì đó là vấn đề pháp lý".
Về phần mình, Shigeta nói với tòa rằng anh sở hữu một công ty tài chính ở Nhật. Lý lịch của thiếu gia này được nhiều người quan tâm. Dù vậy, sau khi tên anh xuất hiện trên một loạt báo, một nhóm luật sư "có máu mặt" đã gửi thư cảnh báo truyền thông chính thống Nhật không được đưa tên Shigeta hay tên các thành viên gia đình anh.
Tuy nhiên, một số tạp chí và báo mạng Nhật vẫn xác định thiếu gia này là con trai của Yasumitsu Shigeta, nhà sáng lập công ty viễn thông di động Hikari Tsushin. Ông Yasumitsu Shigeta không trả lời các đề nghị phỏng vấn, còn luật sư của Shigeta cũng từ chối các phóng viên khi họ yêu cầu liên lạc với thân chủ của ông.
Theo Japantimes, đầu tháng 8/2014, gần một năm sau phiên tòa Wassana chuyển quyền nuôi con cho Shigeta, cô thấy mặt anh lần nữa, trên TV. Cô hầu như không nhận ra người đàn ông này, tóc anh đã được cắt tỉa gọn gàng. Wassana cảm thấy hoang mang. Có chuyện gì xảy ra vậy?
Cảnh sát cũng đặt câu hỏi tương tự. Họ đã vẽ ra biểu đồ gồm 9 nhánh, bắt đầu bằng bức hình của Shigeta và theo sát từng bước anh ta đi để có con, từ việc thuê trung tâm hỗ trợ sinh sản và người trông trẻ, đến đăng ký các căn hộ đứng tên những đứa trẻ và hoàn thành các giấy tờ pháp lý cần có để khai sinh và làm hộ chiếu. Các ca sinh diễn ra ở 9 bệnh viện tại Bangkok.
Những người quen của Shigeta đưa ra nhiều lý do khác nhau về động cơ thuê đẻ nhiều con của thiếu gia này.
Kukunashvili, người sáng lập phòng khám New Life, nơi giúp Shigeta đăng quảng cáo và làm thụ tinh trong ống nghiệm cho người mang thai hộ, cho biết: "Anh ta nói muốn thắng cử và sẽ dùng gia đình đông con của mình để bỏ phiếu. Anh ta còn bảo muốn có 10-15 con mỗi năm và sẽ tiếp tục quá trình 'sản xuất em bé' này tới khi chết". Phòng khám này đã ngừng làm việc với Shigeta sau khi hai người mang thai hộ có bầu và anh này yêu cầu tuyển thêm.
Năm 2015, Shigeta đã kiện Bộ An sinh và phát triển xã hội Thái Lan, đòi phải trả lại quyền nuôi 12 đứa con nhờ mang thai hộ của mình. Theo Bangkok Post, trong năm đó, tòa án Thái đồng ý trả 3 trong số 12 em bé về cho anh.
Trước đây, mang thai hộ không bị cấm tại Thái Lan và nhiều người nước ngoài đã đến đây nhờ đẻ thuê vì giá rẻ và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Nhưng vấn đề trở nên phức tạp sau một loạt các vụ tai tiếng, gồm việc một cặp Australia đã bỏ rơi đứa con nhờ mang thai hộ khi phát hiện em bé bị Down và bí ẩn xung quanh câu chuyện của doanh nhân Shigeta.
Do đó, năm 2015, luật Thái Lan thay đổi và cấm mang thai hộ nhằm mục đích thương mại. Người mang thai hộ phải là công dân Thái Lan trên 25 tuổi, tốt nhất là họ hàng ruột thịt, trừ mẹ hay con gái của cặp vợ chồng đó. Người này nhất thiết đã có con và không nhận bất cứ chi phí gì để mang thai hộ.