Truyền thông chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng
Ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có vai trò đặc biệt quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT đến các tầng lớp nhân dân, để từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của các cấp, các ngành, đơn vị, DN, người lao động (NLĐ), người dân.
Đồng thời, đây cũng là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHTN, BHYT về hiệu quả thực thi chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; về những đề xuất điều chỉnh, xây dựng chính sách. Qua đó, tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
9 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 17 hội nghị tư vấn, đối thoại, tọa đàm, tập huấn với hơn 3.600 lượt người tham dự; phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí ở Trung ương phát hành khoảng 84 thông tin báo chí; thực hiện hơn 24.000 tin, bài, phóng sự tuyên truyền BHXH, BHYT (gấp 1,3 lần số tin, bài, phóng sự cùng kỳ năm 2022).
Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đăng tải khoảng 1.500 tin, bài, văn bản trong lĩnh vực BHXH, BHYT, thu hút trên 22,5 triệu lượt người truy cập; Fanpage đã đăng tải gần 200 tin, bài, ảnh, infographic, video (phóng sự) về BHXH, BHTN, BHYT thu hút 1,6 triệu lượt tiếp cận…
Tại các địa phương, BHXH các tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức khoảng 117.900 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương thực hiện đăng tải, phát sóng hơn 12 nghìn tin, bài, phóng sự truyền thông về BHXH, BHYT; phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Cổng Thông tin điện tử BHXH các tỉnh, thành phố đăng tải khoảng 28.090 tin, bài; in ấn, phát hành khoảng 6,6 triệu ấn phẩm;…
Đặc biệt phát huy vai trò của hơn 12 ngàn già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc truyền thông, vận động đồng bào tham gia BHXH; mời người biết tiếng dân tộc phiên dịch tại các hội nghị cho đồng bào; đồng thời có khoảng 650 cán bộ BHXH biết tiếng dân tộc tham gia tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT;…
Lan tỏa tới từng nhóm chủ thể, từng hộ gia đình
Với phương châm lấy người dân, DN làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức truyền thông theo hướng linh hoạt, đa dạng, xây dựng kịch bản, cách thức truyền thông phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia như tổ chức đối thoại, tư vấn trực tiếp, truyền thông qua mạng xã hội, qua hệ thống tổng đài hỗ trợ của BHXH Việt Nam, Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, Tạp chí BHXH...
Qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, giúp người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, giá trị nhân văn, lợi ích của BHXH, BHYT đối với bản thân và gia đình.
Công tác truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các DN; nhiều DN đã nhận thức rõ việc đóng BHXH, BHYT, BHTN không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu của DN, để NLĐ yên tâm tham gia sản xuất, đóng góp cho sự phát triển của DN.
Bằng nhiều phương thức truyền thông ngành BHXH Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa và truyền cảm hứng tới đông đảo nhân dân, BHXH Việt Nam chủ động đẩy mạnh truyền thông về gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến, qua đó góp phần lan tỏa, phát huy tinh thần tương thân tương ái, vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn được tham gia BHXH, BHYT;
Cùng chung tay xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ tới người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; truyền thông về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần, đưa tin cảnh báo đến người dân, NLĐ về hành vi thu mua sổ BHXH để người dân, NLĐ không bị lôi kéo xúi giục; đồng thời, lên án, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; phản bác lại các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, giả mạo về BHXH, BHYT...
Qua công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2022 đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng BHXH, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này. Trên thực tế, nhiều NLĐ đến cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần nhưng được cán bộ tại bộ phận Một cửa tuyên truyền, giải thích thì đã từ bỏ ý định và bảo lưu thời gian đóng để khi có việc làm sẽ tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc chủ động đóng BHXH tự nguyện nhằm cộng nối thời gian để được hưởng lương hưu khi về già.