Bắt một thẩm phán nhận hối lộ

 

Điều đau đớn nhất ở vụ án này là một thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử hành vi “tham ô tài sản” nhưng lại ép đương sự phải hối lộ để được giảm án.
 

Tháng 2/2011, Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bắt giữ ông Ngô Xuân Thảo (56 tuổi, nguyên cán bộ thủ quỹ xã Đồng Thành, Yên Thành) về hành vi tham ô tài sản. Số tiền ông thủ quỹ xã “xâm tiêu” là 194 triệu đồng. Sau 2 tháng tạm giam, do sức khỏe kém, gia đình đã tích cực bồi thường một phần thiệt hại nên ông Ngô Xuân Thảo đã được cơ quan điều tra cho phép tại ngoại để chờ xét xử. 

Nguyên thẩm phán Bùi Anh Đức
Nguyên thẩm phán Bùi Anh Đức
Sau khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan điều tra đã chuyển vụ án sang Tòa án nhân dân huyện Yên Thành đề xét xử. Thẩm phán Bùi Anh Đức (37 tuổi) được phân công làm chủ tọa phiên xét xử này. 
Ngày 16/4, TAND huyện Yên Thành đã có tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử vào hồi 13h30' ngày 25/4/2012 và cho biết khung hình phạt cho tội danh “tham ô tài sản” của ông Thảo từ 7-15 năm tù giam, hoàn toàn không đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo Thảo được hưởng. 
Mặc dù vay mượn khắp nơi và cắm cả căn nhà đang ở nhưng ông Thảo mới chỉ bồi thường được hơn 100 triệu đồng. Lo lắng mình sẽ không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ vì chưa khắc phục hết thiệt hại, ông Thảo và người con trai tìm gặp thẩm phán Đức để nhờ tư vấn. Nhưng Bùi Anh Đức cho rằng “90 triệu đồng đó nộp cũng được, không nộp cũng được” khiến ông Thảo càng hoang mang hơn.
Ngày 23/4, người nhà ông Thảo đã đưa đến phòng làm việc của Bùi Anh Đức 4 triệu đồng đựng trong chiếc phong bì. Sau khi kiểm tra phong bì, Bùi Anh Đức thay đổi thái độ và gắt gỏng với người nhà bị cáo. “Muốn giảm nhẹ tội xuống 3-4 năm thì phải đưa 60 triệu. Đây là ba-rem rồi, không mặc cả. Phải đưa tiền trước 7h30' sáng ngày 24/4, trước khi hội đồng xét xử họp để tôi còn “làm việc” với các vị ấy” - Đức ra giá.
Đồng thời, vị thẩm phán này còn lộng ngôn khi tuyên bố với gia đình bị cáo Ngô Xuân Thảo: “Xét xử phiên tòa này tôi là chủ, chánh án chỉ quản lý hành chính thôi. Tất cả mọi việc đều phải thông qua tôi, không nên nhờ người khác”. 
Vay mượn mãi mới được 15 triệu đồng, gia đình ông Thảo bỏ vào 2 phong bì chuẩn bị đi gặp thẩm phán Đức để “chạy án”. Tuy nhiên, do bức xúc trước hành vi đòi hối lộ trắng trợn của vị thẩm phán này, lần lượt những người được ông Đức “gợi ý” đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, đồng thời hẹn sáng 24/4 sẽ giao tiền cho ông Đức.
 Nhận được đơn thư của công dân, Đại tá Lê Xuân Điệp chỉ đạo thành lập chuyên án đấu tranh. Liên tục trong chiều và đêm 23, rạng sáng ngày 24, các mũi trinh sát luôn bám sát mọi di biến động của đối tượng.
10h sáng, người nhà ông Thảo mang 2 phong bì tới phòng làm việc của ông Bùi Anh Đức tại gác 2, trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Do trong phòng còn có thư ký nên Bùi Anh Đức xuất hiện ở cửa, dẫn 2 người vào phòng Hội thẩm nhân dân bên cạnh. Sau khi nhận tiền, Đức đi về phòng làm việc của mình và cất vào tủ đựng tài liệu, không quên dặn “còn 5 triệu nữa, chiều đưa nốt cho anh. Vụ này phải có 60 triệu mới giải quyết được”.
Nhận được tin báo của người nhà bị cáo Ngô Xuân Thảo, ngay lập tức tổ trinh sát Công an huyện Yên Thành có mặt tại phòng làm việc của vị thẩm phán này. “Khi chúng tôi bất ngờ xuất hiện, thẩm phán Bùi Anh Đức quá bất ngờ, mặt tái dại đi thế nhưng khi yêu cầu đối tượng tự đưa tang vật hối lộ ra, Đức một mực khẳng định không có”, một cán bộ điều tra cho biết.
Tuy nhiên, biết mình không thể qua mắt các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Công an huyện Yên Thành, Bùi Anh Đức đã ngoan ngoãn mở tủ lấy ra 2 phong bì vừa nhận, đồng thời lấy từ trong chiếc cặp da của mình một chiếc phong bì nữa. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ được 15 triệu đồng tang vật nhận hối lộ và lập biên bản phạm pháp quả tang đối với thẩm phán Bùi Anh Đức. “Khi bị bắt, Đức vẫn còn chống chế, định tìm gặp người nhà của ông Thảo để trả lại nhưng chưa kịp trả”, cán bộ điều tra này cho biết thêm.
Tại cơ quan điều tra công an huyện Yên Thành, Bùi Anh Đức luôn giữ thái độ không hợp tác. Mỗi lần được mời đến phòng lấy lời khai, Đức luôn viện cớ sức khỏe không đảm bảo để từ chối làm việc với cơ quan chức năng.
Ngày 26/4, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Anh Đức về hành vi nhận hối lộ. Ngày 27/4, Viện KSND huyênh Yên Thành đã phê chuẩn quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Anh Đức để phục vụ công tác điều tra. Hiện tại, Công an huyện Yên Thành đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để điều tra theo thẩm quyền, Bùi Đức Anh cũng được chuyển đến Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
“Đức mới được bổ nhiệm chức vụ thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Yên Thành hơn 1 năm nay. Cái “đau” nhất trong vụ án này là một thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử hành vi “tham ô tài sản” nhưng lại ép đương sự phải hối lộ để được giảm án.
Sự ma mãnh của Đức còn thể hiện ở chỗ, bị cáo Ngô Xuân Thảo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, tích cực bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại cho mình gây ra nhưng trong tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử lại “lờ” đi những chi tiết này để ép bị cáo phải đưa tiền chạy án”, một người có trách nhiệm tại huyện Yên Thành cho hay.
Hiện tại vụ án “tham ô tài sản” đối với Ngô Xuân Thảo cũng chưa được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận cũng đang thắc mắc, liệu có công lật tẩy hành vi đòi hối lộ trắng trợn của thẩm phán Bùi Đức Anh, bị cáo này có được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ nữa hay không?
Theo Dân Trí

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt 'bà trùm' ma túy Hương 'Chăm'

Nguyễn Thị Hương và đồng bọn. Ảnh: CACC
(PLVN) - Nguyễn Thị Hương (tức Hương “Chăm”) đã móc nối với một số đối tượng tỉnh ngoài và các đối tượng "cộm cán" trên địa bàn TP Thanh Hóa hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh.

Đắk Lắk cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây xanh theo yêu cầu của Bộ Công an

Một khu phố xanh tại đô thị TP. Buôn Ma Thuột.
(PLVN) -Ngày 5/5, sau yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, về việc yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu hồ sơ liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao các đơn vị hữu quan tổng hợp, báo cáo tỉnh để cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Cơ quan ANĐT.