Ngày 24/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012. Các trường đại học tiếp tục kêu khó và đòi quyền được tự chủ về tài chính, trong đó có học phí...
Vẫn “ vượt rào”
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT Bùi Hồng Quang cho biết, năm 2011, Chính phủ giao Bộ thu phí và lệ phí tổng số 2.600 tỷ đồng. Kết quả, năm qua Bộ đã thu học phí vượt 5,4% so với dự toán được giao với tổng mức thu đạt 2.591,8 tỷ đồng; thu lệ phí tăng 42,3% so với dự toán, đạt 199,3 tỷ đồng.
Trong năm 2011, tổng chi ngân sách sự nghiệp GD&ĐT 5.466,5 tỷ đồng (gồm 4.522,8 tỷ đồng vốn trong nước, 943,7 tỷ đồng vốn ngoài nước). Trong đó, chi thường xuyên là 3.063,4 tỷ đồng; sự nghiệp KHCN 286,7 tỷ đồng; quản lý hành chính 51,54 triệu đồng; bảo vệ môi trường 10 tỷ đồng; sự nghiệp kinh tế 4,05 tỷ đồng; đảm bảo xã hội 0,38 tỷ đồng; trợ giá báo chí 150 triệu đồng; chương trình mục tiêu quốc gia 368,048 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 898,5 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán ngân sách tiền và tài sản nhà nước năm 2010 tại Bộ GD&ĐT cho thấy một số đơn vị chưa phản ánh số đã chi từ nguồn học phí, một số nội dung chi chưa đủ thủ tục quyết toán hoặc sai nguồn kinh phí, sai chế độ. Đặc biệt, một số trường thu học phí hệ chính quy, không chính quy, lệ phí tuyển sinh vượt mức quy định, đồng thời tự ý thu nhiều khoản chưa có trong quy định.
Muôn nỗi lo trước cổng trường ĐH. |
“Điệp khúc” tăng học phí
Tại hội thảo, nhiều trường đề nghị cho tăng học phí để bảo đảm chất lượng đào tạo. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đối với các trường sư phạm vì đây là nơi đào tạo giáo viên, có yếu tố quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT.
PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM lo lắng, năm 2012 kinh phí chi thường xuyên không tăng (vẫn giữ nguyên 10 tỷ như năm trước), nên trường không biết lấy đâu ra để tăng lương; trong khi giá cả ngày một leo thang. TS Quỳ đề nghị cần trao quyền tự chủ cho các trường, vì hiện tự chủ tài chính mới chỉ trao một nửa. Bên cạnh đó, hiện việc phân bổ chỉ tiêu đang mất cân đối về ngành đào tạo, những ngành học cần người học thì lại không có, trong khi những ngành như kinh tế tài chính, luật... lại quá thừa.
Mặt khác, hầu hết lãnh đạo các trường ủng hộ chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo không chính quy nhưng đề nghị bộ nên giữ ổn định chỉ tiêu chính quy. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, để bảo đảm thu nhập cho giảng viên, Bộ nên để các trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ giảm chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Lê Văn Thành cho biết, ĐH Xây dựng là một trong số trường mạnh dạn giảm chỉ tiêu tuyển sinh (từ 3.500 sinh viên/năm xuống 2.800 sinh viên/năm) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2012 tình hình khó khăn nhưng Chính phủ khẳng định sẽ không cắt giảm chi cho giáo dục, nhưng cũng không thể tăng thêm hơn nữa, muốn đầu tư tiếp phải tìm các nguồn khác.
Theo Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD&ĐT, năm 2012, tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản Bộ GD-ĐT gần 930 tỷ đồng. Với số vốn này, Bộ sẽ cơ bản không bố trí dự án mới mà tập trung vào các dự án đã triển khai, có khả năng hoàn thành trong năm 2012. Cụ thể, tập trung cho các dự án ĐH đã phê duyệt nhưng chưa có vốn để thực hiện, trong đó ưu tiên các vùng khó khăn; triển khai thực hiện đề án ký túc xá ĐH-CĐ để giải quyết khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên.
Cũng trong năm 2012, Bộ sẽ di dời một số trường ĐH&CĐ từ nội thành TP Hà Nội và TPHCM đến các khu quy hoạch. Mục tiêu là từ năm 2012-2015, di chuyển khoảng 200.000 sinh viên trong nội thành Hà Nội và khoảng 350.000 sinh viên trong nội thành TPHCM.
Uyên Na