Cần có quy định riêng với nạn nhân bạo lực là trẻ em
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ nỗi lo lắng của mình tại các diễn đàn Quốc hội. Ngày 14/11, nêu ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề cập thực trạng đáng báo động từ đầu năm đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%, có 71,9% vụ hiếp dâm mà nạn nhân là trẻ em.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân chính của các vụ việc, qua nghiên cứu thực tế, nữ Đại biểu kiến nghị xây dựng hệ thống pháp luật hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, cũng như đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan chức năng tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội như hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh những giải pháp toàn diện, nâng cao hiệu quả của những quy định về bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em và bạo hành trẻ em càng ngày càng trở nên nhức nhối.
Trước đó, ngày 8/9, tại Hội nghị thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) (sửa đổi) diễn ra ở Nhà Quốc hội, nhiều đại biểu đã góp ý kiến về dự thảo Luật PCBLGĐ đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị BLGĐ, bởi theo thống kê hàng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của BLGĐ rất lớn. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Luật cần có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân BLGĐ là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc PCBLGĐ là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ là trẻ em...
Bảo đảm quyền trẻ em
Ngày 14/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật PCBLGĐ (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Theo nội dung Luật PCBLGĐ (sửa đổi), có 16 nhóm hành vi BLGĐ, trong đó có những nhóm hành vi đề cập đến cụm từ trẻ em như: bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em. Hoặc các nhóm hành vi mà trẻ em có khả năng là nạn nhân như: cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình… (Điều 3 Luật PCBLGĐ sửa đổi).
Theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có 5 nhóm điểm mới gồm:
Thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Thứ hai, thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tư, khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho PCBLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về PCBLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và cơ quan, tổ chức có liên quan trong PCBLGĐ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật PCBLGĐ hiện hành. Quá trình xây dựng Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị BLGĐ, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về BLGĐ…
Nhanh chóng đưa Luật PCBLGĐ (sửa đổi) vào cuộc sống
Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, trao đổi với truyền thông, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị Chính phủ phân công các cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội; khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là những nội dung mới được quy định trong luật liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm; các điều kiện đảm bảo trong PCBLGĐ… Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương Lê Văn Thái cho biết, theo quy định của Luật PCBLGĐ (sửa đổi), sự phối hợp liên ngành về PCBLGĐ ở Trung ương và địa phương là vô cùng quan trọng. Do đó, để bảo đảm việc triển khai thực hiện hiệu quả thì người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải nâng cao trách nhiệm.