Việc sùng bái mỹ thuật phương Tây, tiếp thu yếu tố ngoại lai khiến hiện nay có một số vở chèo không khác gì “cô thôn nữ” bị đưa đi “thẩm mỹ viện” để “thủ tiêu” hương đồng gió nội. Nhưng ở một khía cạnh khác, chính câu chuyện “cơm áo gạo tiền” trở thành gánh nặng thường trực, cũng khiến cho nhưng điệu hát, tay quạt của “cô thôn nữ” ấy kém duyên, kém lẳng hơn rất nhiều...
Chiếu chèo miền quê. Ảnh minh họa |
Khi Thị Màu, Súy Vân bị “vẽ rắn thêm chân”
Nhiều năm qua, có một số nghệ sỹ chèo thường lấy yếu tố “mới lạ” và “giải trí” là mục tiêu nên đã biến tấu các vở chèo, trích đoạn chèo hay nhân vật theo “gu” của mình. Thế nên mới có chuyện, không ít diễn viên sau này chạy theo thị hiếu hỗn tạp của vô số khán giả trẻ nên làm cho hình tượng Thị Màu thành cô nàng... dâm đãng, giọng nói lả lơi đầy khiêu khích và ăn mặc có phần... “sexy”(!).
Nhân vật vợ Mõ thì thành quân xấc xược, ngổ ngáo với ngôn từ “chợ búa” làm mất đi ý nghĩa giáo huấn nhẹ nhàng các cô gái mới lớn về tâm tư, ứng xử, các chị em thêm sắc sảo ứng đối phải lẽ trước những kẻ quyền thế hống hách nơi thôn dã.
Liên hoan sân khấu Chèo từ 26/11/-5/12/2011 Liên hoan sân khấu Chèo về đề tài hiện đại sẽ được tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Thái Bình từ ngày 26/11/-5/12/2011. Liên hoan lần này sẽ giới thiệu tới công chúng 16 vở diễn, chủ yếu đề cập những vấn đề của đời sống xã hội, cách ứng xử giữa con người với con người, tình yêu đôi lứa... Các tác phẩm tham gia Liên hoan đều được dàn dựng và biểu diễn từ năm 2006 đến nay và đảm bảo chất lượng nghệ thuật. |
Lại như có một số đoàn chèo biến Súy Vân từ nhà giàu bị phụ tình giả dại thành nhà nghèo bị chồng coi rẻ, nên điên dại thật, nhất mực đòi... chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (!), cố gây cho khán giả thái độ thưởng thức trò diễn thụ động mà cảm thông sâu xa với nhân vật, không đúng với thái độ thoải mái, chủ động thưởng ngoạn trò diễn như khán giả chèo truyền thống. Thẳng thắn mà nói, những cải biên ấy đã rẻ rúng hóa nhân vật của chèo.
Trong một khoảng thời gian khá dài, những vở diễn truyền thống càng ít dần trong dàn kịch mục và có thời gian mất hẳn; những vở chèo cổ đã được chỉnh lý, cải biên theo kiểu “vẽ rắn, thêm chân”. Trước thực trạng này, có nhà nghiên cứu đã cho rằng: nhân danh “cải biên” người ta đã phá chèo. Thời gian mà những vở chèo “cải biên” như vậy làm chủ trên các sàn diễn cũng chính là lúc mà việc bảo tồn vốn cổ không còn được quan tâm như trước. Bên cạnh đó việc nghiên cứu để khai thác, vận dụng những tinh hoa, đặc trưng của chèo cổ vào các sáng tác mới cũng ít được các tác giả, đạo diễn coi trọng.
Họa sĩ - NSƯT Dân Quốc thẳng thắn cho rằng: “Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, mỹ thuật chèo không tránh khỏi những bước đi sai lệnh. Thí dụ như việc sùng bái mỹ thuật phương Tây, tiếp thu yếu tố ngoại lai. Có vở thì diêm rúa, xa hoa, rườm rà, có vở thì đồ sộ, cồng kềnh. Lại có vở lại kế thừa những cái lỗi thời của sân khấu khác đưa vào chèo lầm tưởng đấy là cuộc “cách tân”. Cá biệt có những vở lai tạp đến mức “tự đánh mất mình” làm người xem lầm tưởng sang một loại hình sân khấu khác”. Việc “tây hóa” chẳng khác nào đi “thẩm mỹ viện” cho “cô thôn nữ” chèo!”
Chèo kém duyên vì... đói?!
Công bằng mà nói, bên cạnh “làn gió cách tân” thì việc phải đối mặt với nối lo thường trực “cơm áo, gạo tiền” của những người nghệ sỹ cũng phần nào làm cho chèo... kém duyên hơn. Khi người nghệ sỹ còn “mướt mải” lo chuyện cơm áo, làm việc tay trái, “chân ngoài dài hơn chân trong” thì sân khấu truyền thống còn trì trệ, thậm chí là phải đối mặt với nguy cơ thất truyền là điều không quá khó để hiểu.
Thật khó tưởng tượng được rằng trong những “sô” ca nhạc, có ca sĩ nhận cát sê tới hàng chục triệu đồng, trong khi ở nơi này nơi khác, có nghệ sĩ chèo được phát tiền bồi dưỡng chỉ có mười hoặc hai mươi nghìn đồng (chưa mua được bát phở) cho một đêm diễn vài tiếng đồng hồ. Ấy là chưa nói đến những đêm diễn chèo ngày càng ít khán giả, làm cho sự hưng phấn sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ ngày càng mai một.
Cái sự đói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đã khiến cho sân khấu chèo những năm trở lại đây thực sự gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là đã đến mức báo động. Đối tượng khán giả còn yêu thích chèo gần như rất ít, trong khi đó đội ngũ viết kịch bản cũng ngày một hiếm. Hiện nay chỉ còn số ít như tác giả như Trần Đình Ngôn, đạo diễn chèo như nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ... là còn sống thác cùng chèo. Mà họ cũng đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm cả rồi. Rất có thể, nếu không tìm ra hướng đi mới cho chèo, nghệ thuật truyền thống này sẽ bị mai một trong nay mai không xa.
Sớm tăng thù lao biểu diễn cho nghệ sĩ sân khấu Để vực dậy đời sống sân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng, ông Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam khẳng định, sẽ sớm phải ưu tiên thực hiện một số giải pháp mang tính cấp bách như: xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng Nghệ thuật biểu diễn; chỉnh sửa và thực hiện chế độ nhuận bút cho nghệ sỹ sân khấu theo NĐ 61 sau một thời gian dài bị “bỏ quên” tại hầu hết các đơn vị nghệ thuật; xây dựng đề án thành lập kênh truyền hình văn hoá trình Chính phủ; lập chế tài phối hợp giữa du lịch và sân khấu truyền thống; chế độ chính sách đối với nghệ thuật không chuyên nhằm mở ra những chính sách kịp thời với các nghệ nhân dân gian... |
Thùy Dương