Bảo lãnh ngân hàng và một số vấn đề cần lưu ý

Bảo lãnh ngân hàng và một số vấn đề cần lưu ý
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để phòng ngừa và hạn chế các trường hợp bị từ chối yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, doanh nghiệp cần tự trang bị cho những kiến thức cơ bản về bảo lãnh ngân hàng.

Trong các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch có liên quan đến tài chính, thì để phòng ngừa và hạn chế các rủi ro cho mình, các doanh nghiệp có thể xem xét và yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Một trong các biện pháp bảo đảm được các doanh nghiệp thường lựa chọn đó bảo lãnh ngân hàng bởi tính thuận tiện và độ an toàn cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp doanh nghiệp thụ hưởng khi yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã bị ngân hàng từ chối. Doanh nghiệp thụ hưởng trong trường hợp này thường rất thất vọng bởi thiệt hại tài chính của họ đã không được khắc phục một cách kịp thời. Không những thế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trở nên căng thẳng, nhiều trường hợp đã phải nhờ đến Tòa án để phân xử đúng sai. Thực tiễn cho thấy, trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là do doanh nghiệp chưa hiểu đúng về bảo lãnh ngân hàng dẫn đến việc đưa ra yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh một cách không hoàn hảo.

Dưới đây là chia sẻ một số vấn đề pháp lý cơ bản của bảo lãnh mà doanh nghiệp thụ hưởng bảo lãnh cần quan tâm khi chấp nhận một cam kết bảo lãnh cũng như khi đưa ra yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Bảo lãnh ngân hàng là một nghiệp vụ tín dụng cơ bản và trọng yếu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại và được điều chỉnh bởi Thông tư số 07/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi Thông tư số 13/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi chung là Thông tư 07).

Cam kết bảo lãnh do ngân hàng phát hành được thể hiện dưới hình thức thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh. Khi chấp thuận bảo lãnh theo yêu cầu của khách hàng, ngân hàng cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với đối tác (bên nhận bảo lãnh). Bảo lãnh ngân hàng có thể là bảo lãnh vô điều kiện hoặc có điều kiện và được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa Khách hàng và Ngân hàng. Trong sự so sánh với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác, bảo lãnh ngân hàng được đánh giá chung là thuận tiện và an toàn cũng như khả năng khắc phục thiệt hại tài chính ở mức độ cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thụ hưởng cũng cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.

Thứ nhất, khi tiếp nhận cam kết bảo lãnh, cần kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh để phòng ngừa và hạn chế các rủi ro gian lận liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.

Doanh nghiệp thụ hưởng bảo lãnh (bên nhận bảo lãnh) cần kiểm tra tính xác thực của cam kết bảo lãnh theo các cách thức đã được ngân hàng hướng dẫn trên cam kết bảo lãnh hoặc trên website của ngân hàng (các ngân hàng đa phần đều hướng dẫn kiểm tra bằng cách gọi điện thoại hoặc tra cứu trên website của chính ngân hàng phát hành). Trường hợp nhận thấy không có hướng dẫn tra cứu tính xác thực của bảo lãnh, doanh nghiệp cần trao đổi ngay với đối tác (bên được bảo lãnh) và đề nghị họ yêu cầu ngân hàng phát bảo lãnh tu chỉnh hoặc phát hành cam kết bảo lãnh khác đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi đã thực hiện các việc này mà vẫn không thể kiểm tra và khẳng định về tính xác thực của cam kết bảo lãnh thì tốt nhất doanh nghiệp nên từ chối cam kết bảo lãnh và yêu cầu đối tác cung cấp một cam kết bảo lãnh khác.

Thứ hai, kiểm tra kỹ các nội dung cơ bản và quan trọng của một cam kết bảo lãnh: Phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh, số tiền bảo lãnh và thời gian bảo lãnh và điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Bởi vì ngân hàng chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của doanh nghiệp khớp đúng với tất cả nội dung ghi trên cam kết bảo lãnh.

Thứ ba, điều đặc biệt mà Bên thụ hưởng bảo lãnh cần lưu ý là cần kiểm tra và đánh giá điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh có rõ ràng và có thể thực hiện được không, có thể xảy ra tranh chấp gì không. Tùy thuộc vào tính chất của giao dịch giữa bên thụ hưởng và bên được bảo lãnh cũng như đề nghị của khách hàng mở bảo lãnh, các cam kết bảo lãnh có thể có các điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khác nhau nhưng tựu chung cần quan tâm tới các vấn đề sau: (1) Hồ sơ xuất trình khi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh gồm những tài liệu nào và liệu Bên thụ hưởng có khả năng thu thập được đầy đủ các tài liệu như yêu cầu hay không; liệu có thể xảy ra tranh chấp về nội dung của các tài liệu này không (2) Địa điểm tiếp nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ở đâu; (3) Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh (bảo lãnh bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào và chấm dứt hiệu lực vào thời điểm nào?

Lý do cần quan tâm tới các vấn đề này là bởi vì nếu không đáp ứng một cách hoàn hảo một trong các điều kiện nêu trong cam kết bảo lãnh thì ngân hàng có quyền từ chối yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Điều này không chỉ pháp luật Việt Nam quy định mà còn là một thông lệ chung quốc tế được tập hóa thành tập quán thương mại quốc tế - Quy tắc URDG 758. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bị ngân hàng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do truy đòi sau khi cam kết bảo lãnh đã hết hạn hiệu lực hoặc do yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và hồ sơ, tài liệu liên quan không khớp đúng với cam kết bảo lãnh. Vậy nên: Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và các tài liệu liên quan phải được chuẩn bị đủ, gửi theo đúng phương thức và đúng địa chỉ cũng như trong thời hạn hiệu lực được ghi nhận trên cam kết bảo lãnh.

Trong một số trường hợp doanh nghiệp thụ hưởng và đối tác sửa đổi, bổ sung hợp đồng (giao dịch cơ sở) mà ảnh hưởng đến cam kết bảo lãnh của hợp đồng, ví dụ gia hạn thời hạn thanh toán thì trước khi sửa đổi, bổ sung Hợp đồng, doanh nghiệp thụ hưởng cần kiểm tra, rà soát cam kết bảo lãnh. Nếu thời hạn cam kết bảo lãnh hoặc bất cứ nội dung nào trên cam kết bảo lãnh trở nên không còn phù hợp, thì cần yêu cầu bên được bảo lãnh và các bên liên quan đề nghị ngân hàng tu chỉnh bảo lãnh ngay bởi ngân hàng sẽ không mặc nhiên và tự động cập nhật mà chỉ tu chỉnh bảo lãnh khi được khách hàng yêu cầu. Doanh nghiệp thụ hưởng chỉ nên chấp nhận việc gia hạn thời thanh toán sau khi ngân hàng đã ban hành tu chỉnh, sửa đổi cam kết bảo lãnh, theo đó, thời hạn cam kết bảo lãnh và các nội dung liên quan đã được sửa đổi hoàn hảo và khớp đúng với thời hạn thanh toán mới cũng như sự thay đổi của nội dung giao dịch.

Các doanh nghiệp thụ hưởng cũng cần lưu ý rằng theo Điều 23, Thông tư 07 thì nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng sẽ tự động chấm dứt khi hết thời hạn hiệu lực ghi trên cam kết bảo lãnh. Điều đó có nghĩa là nếu phát sinh sự kiện thuộc phạm vi bảo lãnh trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh nhưng doanh nghiệp thụ hưởng không truy đòi ngân hàng trong thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, thì trong trường hợp này doanh nghiệp thụ hưởng mất quyền truy đòi bảo lãnh và Ngân hàng có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Vậy nên, để phòng ngừa và hạn chế các trường hợp bị từ chối yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bảo lãnh ngân hàng. Khi mở và chấp nhận cam kết bảo lãnh ngân hàng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và hiểu đầy đủ, rõ ràng và chính xác bản chất giao dịch cơ sở, nhu cầu về bảo lãnh của mình cũng như nội dung cam kết bảo lãnh ngân hàng. Nếu có bất cứ nội dung nào chưa rõ ràng, không phù hợp với hợp đồng, văn bản giao dịch hoặc không thể thực hiện được thì phải trao đổi với các bên liên quan và ngân hàng trước khi ký hợp đồng bảo lãnh hoặc chấp nhận thư bảo lãnh từ đối tác. Trong trường hợp nhận thấy mình chưa thực sự hiểu hết và đúng cũng như an tâm về việc chấp nhận cam kết bảo lãnh, doanh nghiệp nên tư vấn với luật sư để có một lời khuyên pháp lý chuyên nghiệp, kỹ càng và cẩn trọng khi mở và chấp nhận cam kết bảo lãnh ngân hàng.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…