Vụ việc đang gây phẫn nộ trong cộng đồng là người vợ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành dã man. Người vợ đã phải trốn từ nhà chồng ở Hải Dương về nhà mẹ đẻ ở Kiên Giang, mang theo những vết thương chằng chịt vì bị chồng hành hạ. Khi được cơ quan Công an tỉnh Hải Dương triệu tập, người chồng thừa nhận hành vi đánh đập vợ. Mặc dù đã có một con chung và vợ đang mang thai đứa con thứ 2, anh này vẫn nghi ngờ vợ ngoại tình và hành hạ vợ trong thời gian dài bằng nhiều hình thức. Từ những vết thương trên cơ thể người vợ, một số người đã so sánh những trận đòn của người chồng là “tra tấn như thời trung cổ”. Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành giám định vết thương của nạn nhân và làm rõ về hành vi của người chồng để xử lý trước pháp luật.
Không ít vụ bạo hành đã để lại thương tích nặng nề đối với nạn nhân. Các vụ bạo hành này không chỉ diễn ra trong những gia đình lao động, ít học thức mà xuất hiện ngay trong các gia đình trí thức. Những hình thức đánh đập để lại thương tích nghiêm trọng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, ngoài ra là những lời lẽ xúc phạm, đe dọa đến bạo hành về tài chính, về tình dục... Những hành vi bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tình cảm gia đình, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Những năm qua, Chính phủ và các tổ chức xã hội đã nỗ lực giảm bạo hành gia đình thông qua việc tăng cường pháp luật, tạo ra các chương trình giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng. Pháp luật đã có các quy định nhằm nghiêm trị hành vi bạo hành gia đình như các điều khoản trong Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới... Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là nhận thức của xã hội về vấn đề bạo hành và hiệu quả thực thi pháp luật.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra). Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng và của chính các nạn nhân về tính nghiêm trọng của bạo hành gia đình. Như nạn nhân trong vụ việc kể trên, mặc dù bị bạo hành trong thời gian dài, bị tổn thương nặng nề cả về thể xác, tinh thần, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhưng họ vẫn im lặng cho đến khi không còn chịu đựng được nữa. Cạnh đó, gia đình, người thân, hàng xóm, các hội nhóm phụ nữ và chính quyền cơ sở nơi các nạn nhân sinh sống cũng không thể hiện được vai trò để góp phần ngăn chặn hành vi bạo hành tiếp diễn. Điều này cũng thường gặp trong rất nhiều vụ bạo hành.
Có không ít nguyên nhân dẫn đến sự chịu đựng của nạn nhân, sự thờ ơ của cộng đồng trước hành vi bạo hành: hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cộng đồng, bao gồm cả nạn nhân, thủ phạm và những người chung quanh. Ngoài ra là sự lạc hậu trong quan niệm xã hội, đặc biệt ở những vùng quê, vùng sâu, vùng xa...
Để góp phần ngăn ngặn bạo hành gia đình, cần có nhiều biện pháp toàn diện và đa phương tiện, bao gồm việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp hỗ trợ tài chính và pháp lý, cải thiện giáo dục và quyền lợi của phụ nữ, đồng thời tạo ra một môi trường an toàn và không chấp nhận bạo lực gia đình. Đồng thời, cần sự chú trọng và nỗ lực liên tục từ tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng..., tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức về quyền con người, giới và vai trò của mỗi người trong gia đình để xây dựng một xã hội không bạo lực và bình đẳng hơn.