Dù nhận định việc chuyển mạng di động giữ nguyên số là có lợi cho người tiêu dùng, nhưng sau gần 4 năm ấp ủ, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa thể hoàn tất đề án này.
Nhiều kỳ vọng
Đề án cho phép thuê bao di động được chuyển mạng vẫn được giữ số, được bắt đầu khởi thảo từ cách đây 4 năm, được kỳ vọng là sẽ mang đến nhiều quyền lợi cho khách hàng, nhất là khi các nhà mạng không còn cạnh tranh bằng số lượng thuê bao nữa, mà chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
Như vậy, theo đề án này, người sử dụng điện thoại di động có thể tự do lựa chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt hơn, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình mà không phải bận tâm tới chuyện đổi số điện thoại đã trót gắn bó với công việc và cuộc sống của mình. Điều đó khác hẳn việc trước đây có một số nhà mạng cho thuê bao chuyển mạng được giữ số, nhưng là dãy 6 số cuối vì 3 số đầu vẫn là đặc điểm đặc trưng của nhà mạng, không thay đổi được, nên việc thay đổi “nửa mùa” đó cũng khiến khách hàng gặp nhiều phiền toái. Đề án này được dư luận nhắc lại nhiều lần trong thời gian gần đây, nhất là sau khi số thuê bao di động đã vượt ngưỡng dân số Việt Nam và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Lượng thuê bao lớn, nhưng chất lượng mạng di động vẫn là một điều “khó nói”, nhất là đối với các mạng nhỏ và ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Ngay cả đối với các mạng lớn, tình trạng nghẽn mạng, rớt mạng cũng không phải là chuyện hiếm. Rồi có cả ngàn lý do để thuê bao mạng này ghen tị với thuê bao mạng khác, về các ứng dụng 3G, về khuyến mại, về chăm sóc khách hàng…
…nhưng chưa phải lúc?
Một “làn sóng” chuyển dịch thuê bao từ mạng này sang mạng khác là điều có thể nhìn thấy một khi đề án này được đưa vào ứng dụng, nhất là khi khách hàng Việt Nam vốn rất nhạy cảm với cái “mới, lạ” đem đến quyền lợi cho mình. Đây cũng là điều nhiều nhà mạng băn khoăn nhất: đó là thời cơ hay thách thức? Nhà mạng lớn với vùng phủ sóng rộng, chất lượng ổn định và truyền thống hy vọng sẽ hút được thuê bao của mạng nhỏ. Còn mạng nhỏ hy vọng sẽ hút được sự quan tâm của thuê bao mạng lớn với phong cách hiện đại trẻ trung.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia viễn thông, đề án này chỉ thực sự có hiệu quả khi thị trường viễn thông đã “bão hòa”, tức việc đua giành khách không còn là tiêu chí hàng đầu của DN. Khi đó, việc giữ chân khách sẽ quyết định quan trọng thị phần của mỗi nhà mạng.
Thế nhưng, lúc này, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại cuộc đua, âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, để giành cho được mấy chục triệu người còn lại chưa dùng di động. Nên nếu thực hiện “đổi mạng giữ nguyên số”, các nhà mạng sẽ phải tập trung cho các chiến lược ngắn hạn để giữ chân khách hàng, việc đầu tư chiều sâu về hạ tầng mạng, về nguồn lực… sẽ bị tác động, mà đó mới là đầu tư dài hạn, không thể đo đếm hiệu quả trước mắt trong ngày một ngày hai.
Thực chất, cũng sẽ tác động không nhỏ tới cam kết về đầu tư mạng lưới của các nhà mạng.
Theo một chuyên gia, áp dụng không đúng thời điểm có thể khiến khách hàng ban đầu được hưởng lợi, nhưng về lâu về dài khách hàng sẽ bị thiệt hại do nhà mạng không tập trung đầu tư các dịch vụ và công nghệ mới được.
Một vấn đề mà nhiều mạng đang thực hiện nhưng lãnh đạo các nhà mạng vẫn phàn nàn là chính sách quản lý về khuyến mãi, giảm giá vẫn chưa được thực hiện triệt để. Trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu khuyến mãi không vượt quá 100% thì vẫn có doanh nghiệp âm thầm khuyến mãi tới 200%.
Khi hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh đó còn tồn tại thì chưa nhà mạng nào yên tâm thực hiện chuyển mạng giữ số được.
Bách Nguyễn