Từ tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam...
Gia Định nhật báo được xem là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Người đứng tên thành lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên lại được cấp phép xuất bản cho Ernest Potteau, thông ngôn của Chính phủ Nam kỳ. Báo ra số đầu tiên ngày 1/4/1865 và đến ngày 1/1/1910 thì nhận quyết định đình bản của Thống đốc Nam kỳ Courheil. Đây là một tờ báo khá “đặc biệt”, bởi ra đời với tính chất là một tờ thông tin phát ngôn của chính phủ đương thời, nhưng cuối cùng lại đem lại nhiều giá trị cho xã hội, hoàn thành vai trò của mình.
Ban đầu, Gia Định báo được chia làm hai phần rõ rệt: một phần để đăng tải những sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh, chỉ, dụ... của Chính quyền Bảo hộ Pháp và Triều đình Nguyễn; phần còn lại là các vấn đề khác xoay quanh các khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, tư tưởng, lịch sử, thơ văn, khoa học v.v... Thuở ban sơ, Gia Định báo ở bìa được đăng hai ngôn ngữ là tiếng Hán và chữ quốc ngữ. Thời gian sau, tiếng Hán trên bìa báo biến mất, chỉ còn lại chữ quốc ngữ. Đây cũng là thời kì Gia Định báo bắt đầu đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân học chữ quốc ngữ, nêu các vấn đề đạo đức, thời sự xã hội cũng như tuyên truyền cho người dân nhiều kiến thức, thông tin cần thiết... Gia Định báo xứng đáng là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt dành cho người Việt, đặt nền móng cho nền báo chí nước nhà.
Tồn tại trước và song song với Gia Định báo là các tờ báo tiếng nước ngoài. Từ 1862 – 1864, lần lượt ba tờ báo là Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo) ra ngày 29/9/1861, tờ Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) năm 1862, dùng chữ Hán làm ngôn ngữ chính, rồi tiếp đến là Le courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín) ra tháng 1/1864.
Đến tinh thần cách mạng được hun đúc trong từng tờ báo
Tuy nhiên, từ sau khi Gia Định báo ra đời, báo dành cho người Việt mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Có thể kế đến Nông Cổ Mín Đàm, tờ báo về kinh tế bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Ngoài ra còn có Lục Tỉnh Tân Văn và Nam Phong Tạp chí, hai tờ được coi như là những “loa phát ngôn” của chính phủ chưa đem lại nhiều giá trị cho xã hội. Ở thời điểm này, những tờ báo đầu tiên về nữ giới cũng đã ra đời: Nữ giới chung, Phụ nữ Tân Văn. Đây là hai tờ báo cất lên tiếng nói đầu tiên và mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền, soi rọi đến cuộc sống, thân phận người phụ nữ và đem đến nhiều kiến thức thường thức đời sống hữu ích cho phụ nữ. Tờ báo dành cho thiếu nhi cũng đã được ra đời thời điểm này, là tờ Nhi Đồng hoạ bản, hay còn có những tờ báo chuyên dành cho người yêu văn chương tiểu thuyết như Tiểu thuyết thứ 7, Văn học tạp chí…
Bắt đầu từ những năm 1920, báo chí nước nhà đã bước sang một giai đoạn mới, khi không còn đóng mỗi vai trò phát ngôn cho Nhà nước hay quẩn quanh đời sống hàng ngày mà đã trở nên sắc bén, đồng thơi là vũ khí đấu tranh chống chính quyền thực dân, chống những bất công trong xã hội của những chí sĩ yêu nước.
La Cloche Fêlée (Cái chuông rè) là một tờ báo có số phận bị “đe doạ” nhất trong lịch sử báo chí, khi tờ báo do nhà yêu nước cách mạng Nguyễn An Ninh, kẻ thù của chủ nghĩa thực dân sáng lập. Ngay từ đầu, tờ báo đã xác định rõ tôn chỉ đứng về nhân dân, chống chính quyền thực dân. Có một thời điểm, nghiêm trọng đến mức học sinh, sinh viên đọc Cái chuông rè là có nguy cơ bị đuổi học, công chức đọc thì bị đuổi việc, bỏ tù.
Chủ trương mạnh mẽ đấu tranh này đã khiến ông Nguyễn An Ninh gặp không biết bao rắc rối và nguy hiểm. Cuối cùng, tờ báo đành đổi thành tên L’Annam, do chí sĩ yêu nước, người lên tiếng trực diện chống chế độ thực dân Phan Văn Trường làm chủ bút. Tuy nhiên, năm 1927, sau một loạt bài viết bất lợi cho chính quyền thực dân, ông Phan Văn Trường đã bị bắt bỏ tù cùng với ban giám đốc và tất cả nhân viên tờ báo.
Cạnh đó còn có các tờ Phong Hoá, Ngày nay và tờ báo biếm hoạ đặc sắc thời bấy giờ là Loa. Đây là những tờ báo cũng do các chí sĩ, văn nghệ sĩ yêu nước thành lập và dám cất lên tiếng nói bằng nhiều phương thức khác nhau.
Một dấu mốc rất đặc biệt là tờ Thanh niên, tờ báo tuyên truyền của Việt Nam thanh niên các mạng đồng chí hội. Tờ báo kêu gọi người dân Việt Nam nhận ra con đường đúng đắn, đoàn kết, yêu nước chống thực dân. Đây chính là tờ báo mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mác-Lênin, viết bằng tiếng Việt, được phổ biến rộng khắp cả nước, trong nhân dân Việt Nam, nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân,... nhằm chuẩn bị tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày thành lập tờ báo này (21/6/1925) cũng được chọn là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhìn lại cả một tiến trình báo chí Việt Nam đã qua mới thấy được sự mạnh mẽ, thẳng thắn và đứng về lẽ phải, về dân tộc, nhân dân của những người làm báo, những tờ báo ra đời trong buổi sơ khai của nền báo chí nước nhà. Tinh thần đó vẫn được hun đúc, tiếp nối bởi báo chí Việt Nam qua các thời đại, cho đến ngày nay. Có thể đây đó, có người làm báo đi chệch đường, có tờ báo phạm lỗi. Nhưng tinh thần báo chí cách mạng là điều lớn lao mà bao lớp người làm báo, bao tờ báo của người Việt vẫn luôn giữ vững.