Tòa án phải hướng dẫn đương sự
Theo nguyên tắc của tố tụng dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự thuộc về đương sự, chỉ trong một số trường hợp Luật quy định, Tòa án mới có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ.
Thực tế thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) nhiều năm qua cho thấy, tình trạng cố tình bưng bít, che giấu chứng cứ diễn ra khá phổ biến, việc này không những ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự phía đối lập mà còn gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án của các tòa án, bởi thực tế có nhiều vụ án do chứng cứ được cung cấp muộn dẫn đến phải hoãn xử nhiều lần, gây tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc. Để khắc phục, BLTTDS 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016), Điều 70 đã quy định hàng loạt quyền, nghĩa vụ của đương sự. Trong đó, đáng chú ý là khoản 9 nêu rõ: “Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ”.
Ngoài ra, để đảm bảo các đương sự thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ cung cấp cho nhau các tài liệu, chứng cứ, Bộ luật cũng quy định thời hạn giao nộp chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai Bộ luật cho thấy, do BLTTDS 2015 không quy định về thời điểm đương sự phải gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, việc quy định đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác bản sao tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 BLTTDS năm 2015 là nhằm đảm bảo việc tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Do vậy, theo TANDTC nguyên đơn phải gửi bản sao đơn kiện, tài liệu chứng cứ cho đương sự khác trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
BLTTDS năm 2015 cũng không quy định phương thức đương sự sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nên đương sự có quyền lựa chọn phương thức gửi tài liệu, chứng cứ (có thể gửi trực tiếp, qua bưu điện…) và đương sự phải chứng minh với Tòa án đã sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.
Đánh giá quy định nói trên là mới, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, trong quá trình triển khai quy định nói trên, TANDTC yêu cầu các Tòa án địa phương phải giải thích, hướng dẫn cho đương sự để họ thực hiện nghĩa vụ sao gửi, tài liệu chứng cứ cho đương sự khác. Trường hợp đương sự không thực hiện thì Tòa án yêu cầu phải thực hiện. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu chứng cứ thì đương sự có quyền yêu cầu tòa án hỗ trợ theo quy định.
Hòa giải nhiều lần có phải thực hiện lại thủ tục kiểm tra?
Cũng liên quan đến vấn đề chứng cứ, nhiều địa phương lúng túng là trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần thì mỗi lần hòa giải Tòa án có bắt buộc phải tiến hành lại thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ không? Tòa án có được hòa giải mà không tiến hành lại thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ không? Theo TANDTC, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là hai vấn đề khác nhau. Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là nhằm bảo đảm mọi chứng cứ đều được công khai (trừ trường hợp không được phép công khai) trong quá trình tố tụng; hòa giải là để các bên thương lượng, thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp.
Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải nhiều lần thì lần hòa giải đầu tiên Tòa án phải tiến hành theo đúng trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định tại Điều 210 BLTTDS. Đối với các lần hòa giải tiếp theo, Tòa án chỉ tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ khi có tài liệu, chứng cứ mới và ghi vào biên bản hòa giải. Trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và 207 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.