Tuy nhiên, Bộ tiêu chí này vẫn chưa có những nội dung cụ thể về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý chất thải nhựa trong hoạt động du lịch nói chung. Trong khi đó, tiêu chí bảo vệ môi trường bền vững của Việt Nam lại đang là điểm yếu nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu.
Cuộc chiến chống rác thải nhựa
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Nhiều đơn vị và cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
Hanoitourist là một trong những doanh nghiệp lữ hành tiên phong cho công tác giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Các hành động thiết thực như thay chai nhựa nước uống nhỏ bằng bình đựng nước lớn; phòng họp chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh tái sử dụng; thay ống hút nhựa bằng ống hút gạo, tre, i-nốc; phát triển tour du lịch nhặt rác; yêu cầu du khách tự thu gom rác của mình…
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng triển khai nhiều hoạt động trên toàn hệ thống, điển hình là chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần” đối với toàn thể cán bộ, nhân viên.
Để động viên đội ngũ cùng hành động, công ty còn gửi tặng cán bộ, công nhân viên nhiều quà tặng đặc biệt bằng vật liệu thân thiện với môi trường vừa để nhắc nhở ý thức vừa để khuyến khích mọi người cùng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nylon dùng một lần. Chiến dịch đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng từ các đơn vị thành viên, tác động tích cực đến cộng đồng.
Một động thái quyết liệt khác phải kể tới Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức phong trào chống rác thải nhựa trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Theo đó, các công ty du lịch lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, du khách được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc không mang, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khi xuống tàu đi tham quan, lưu trú trên vịnh.
Du khách mang theo đồ nhựa dùng một lần được yêu cầu để lại trên bờ, bỏ vào các thùng chứa lớn đặt ngay tại cửa soát vé các cảng tàu du lịch, và được nhận lại đồ khi trở về. Các tàu du lịch chở khách tham quan vịnh đều sử dựng bình nước to dùng nhiều lần, chai thuỷ tinh đựng nước, cốc giấy, cốc thuỷ tinh, túi giấy… thay cho các vật dụng nhựa, plastic.
Không dừng ở khuyến khích, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã đẩy mạnh khâu tuyên truyền tới du khách, chủ tàu du lịch với nhiều hình thức như thông qua loa phát thanh tại các điểm tham quan trên vịnh; website, fanpage của đơn vị; thông qua đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; các biển, bảng tuyên truyền khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long và tại các điểm tham quan trên vịnh; bổ sung biển bảng, poster tuyên truyền với nội dung thông báo “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần”; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về “Chống rác thải nhựa”.
Theo đó, 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết với Ban quản lý Vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm cam kết sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể xem xét tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng đối với các đối tượng vi phạm.
Một ví dụ tiêu biểu khác cũng phải kể tới ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện chống rác thải nhựa, túi ni lông, không dùng động cơ xăng trong di tích. Sau sự lan tỏa của phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hưởng ứng các các phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” của Sở Du lịch tỉnh.
Nội bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng tự phát động cho cán bộ nhân viên. Đơn cử đó là phong trào “Sáng kiến vật liệu thay thế vật liệu nhựa sử dụng 1 lần trong sinh hoạt hàng ngày”, phong trào “nói không với động cơ xăng” của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng kí cam kết nói không với các sản phẩm từ nhựa. Cụ thể, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cam kết thực hiện không sử dụng sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; trong các hội nghị, hội thảo của đơn vị, không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, có thể tích 330 - 500ml; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ chủ nhật hàng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc…
Cần giải pháp đồng bộ, xã hội đồng thuận
Thông qua những động thái quyết liệt, ý thức của du khách, công nhân, cán bộ làm trong lĩnh vực du lịch đều có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự tự thay đổi của một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp “đầu tàu” là chưa đủ. Hầu hết các phong trào ở thời điểm hiện tại đều dừng ở mức độ kêu gọi, khuyến khích về mặt ý thức.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt tại các vùng ven biển và đưa ra các phương án thay thế trong quy định hướng dẫn ngành du lịch dịch vụ...
Đáng nói, trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, thì mục tiêu đến năm 2030 của Việt Nam phải đạt mức giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
Cụ thể, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilông khó phân hủy; 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Để mang lại những kết quả đáng kể trong việc quyết liệt hạn chế rác thải nhựa từ hoạt động du lịch, cần có một chiến lược mang tính toàn diện, cụ thể với sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đơn cử, các doanh nghiệp muốn kinh doanh du lịch hay gia nhập các hiệp hội, tổ chức du lịch phải đưa ra được chương trình hành động và cam kết thực hiện kinh doanh bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường.
Mặt khác, cần triển khai sớm việc áp dụng trên diện rộng các tiêu chí chứng nhận nhãn du lịch bền vững, du lịch xanh, tiết kiệm năng lượng… cho các cơ sở kinh doanh du lịch để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường.
Việc chứng nhận cũng giúp các đơn vị khẳng định được uy tín, tăng cường trách nhiệm, nâng cao khả năng thu hút du khách. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương liên quan cũng cần kiên quyết, sát sao hơn trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cũng như quá trình thu gom và xử lý chất thải nhựa trong du lịch.