Bài phát biểu xúc động của Thủ tướng tại Đại Hội đồng LHQ

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” gây xúc động sâu sắc. Thủ tướng nói, những chia sẻ này "đều là những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu".

Chiều ngày 27/9 (giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trong Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” gây xúc động sâu sắc. Thủ tướng nói, những chia sẻ này "đều là những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu".

PLVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa ngài Tổng Thư ký LHQ,

Thưa Quý vị,

Tôi rất vinh dự được phát biểu tại Diễn đàn cao quý này. Tôi xin chúc mừng Tiến sĩ John William Ashe được bầu làm chủ tịch Khóa họp thứ 68, Đại hội đồng LHQ. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự điều hành của Ngài Chủ tịch, khóa họp này sẽ thành công trong hoạch định các bước phát triển của thế giới sau năm 2015. Tôi cũng xin bày tỏ sự trân trọng đối với đóng góp quan trọng của Ngài Tổng Thư ký vào thành công của LHQ trong thời gian qua.

Thưa Quý vị,

Nhìn lại 100 năm qua, thế giới đổi thay sâu sắc; như phẳng ra, như nhỏ lại nhờ những thành tựu kỳ diệu của Khoa học Công nghệ. Cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Nhưng cùng với bao điều tốt đẹp, vẫn luôn còn đó  những hiểm họa tiềm tàng. Ước mơ của nhân loại về một cuộc sống an toàn, hòa bình và phồn vinh vẫn còn xa ở phía trước.

Nhân loại khát khao hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh. Kinh tế phát triển, nhưng vì sao hàng tỷ người vẫn còn nghèo khổ. Khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, nhưng vì sao vẫn chưa có phương cách ứng phó thật hữu hiệu với thiên tai, dịch bệnh.

Các câu hỏi đó đặt ra cho cộng đồng quốc tế chúng ta trách nhiệm cao cả và hết sức nặng nề.

Thưa Quý vị,

Trong lịch sử loài người, chiến tranh đã hủy diệt nhiều nền văn minh. Ngay trong 100 năm qua, 2 cuộc thế chiến và nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, trong đó có chiến tranh ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ.

Chắc các vị đều chia sẻ với tôi rằng, cho dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ. Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là ở Syria - nơi chúng ta cần mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội, tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của LHQ. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên.

Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh.

Đối với Biển Đông, nơi hơn một nửa hàng hóa thế giới đi qua - bảo đảm an ninh an toàn hàng hải là lợi ích thiết thực không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới. Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thưa quý vị,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình dù ở ngay khu Manhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất cũng đều là mất mát thương đau.

Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ. Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh. Bởi chiến tranh sẽ cướp đi sinh mạng không chỉ của một mà của rất nhiều người – trong đó chắc chắn sẽ có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi  các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau; khi vai trò của LHQ, của Hội đồng bảo an LHQ được phát huy... Và trên hết là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể, như việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba hay công nhận quyền tự quyết của Palestine.

Cộng đồng quốc tế chúng ta trông đợi các cường quốc hãy là những tấm gương trong kiến tạo hòa bình. Hội đồng bảo an LHQ hãy là điểm tựa, là động lực để các quốc gia, các dân tộc cùng chung tay gìn giữ hòa bình... Bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực đang rình rập ở nhiều nơi hòng cướp đi mạng sống của hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người vô tội. Hãy đừng tiếp tay. Đừng làm ngơ. Hãy ngăn chặn bàn tay đó lại.

Đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc chúc mừng sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu trước Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khoá 68 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc chúc mừng sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu trước Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khoá 68 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa quý vị,

Tôi chia sẻ quan điểm của ngài Tổng Thư ký rằng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử. Nhưng chúng ta không quên rằng 40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới. Khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng. Thế giới vẫn còn hơn một tỉ người phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Nghĩa là hàng trăm triệu người -  trong đó có rất nhiều trẻ em - đói không đủ thức ăn, lạnh không đủ áo ấm, bệnh không có thuốc uống, tới tuổi đi học không được đến trường...

Chúng ta cũng không quên rằng, khí thải, nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên...  làm trái đất nóng thêm, nước biển dâng lên, thiên tai hung dữ, bệnh dịch hoành hành... Những đại họa đó làm cho các nước nghèo càng thêm khốn khó.

Để thoát khỏi đói nghèo; để phòng tránh thiên tai; để ngăn chặn bệnh dịch; để bảo vệ môi trường... để một thế giới xanh hơn, công bằng hơn cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Người nghèo, nước nghèo cần nỗ lực tự vươn lên với sự hỗ trợ của người giàu hơn, nước phát triển hơn. Sự hỗ trợ đó không phải chỉ bằng tấm lòng nhân ái "lá lành đùm lá rách“ mà trước hết cần bằng trách nhiệm bởi trong sự giàu có của nhiều người, sự phát triển của nhiều nước không phải không có phần đáng ra thuộc về những người nghèo, nước nghèo.

Cộng đồng quốc tế chúng ta, hãy bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa cho một Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa hết đói nghèo và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Hãy tăng cường sự trợ giúp và có lộ trình phù hợp để các quốc gia kém phát triển hơn tham gia hiệu qủa vào các thỏa thuận, chế định quốc tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại. Hãy cùng nhau đối mặt và vượt qua những thách thức, hiểm họa toàn cầu với tinh thần  “Một người vì tất cả, tất cả vì một người“ như những người lính ngự lâm của Đại văn hào Alexandre Dumas.

Thưa quý vị,

Là một người Việt Nam, những điều tôi chia sẻ trên đây đều là những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu. Chỉ mấy mươi năm trước, hai tiếng Việt Nam gắn liền với chiến tranh và phân ly, với máu lửa và nước mắt. Một đất nước xa xôi với tên gọi Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, nghĩa là gấp 4 lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Mỗi người Việt Nam chúng tôi đã phải hứng chịu một lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể mình. Đó là chưa kể hàng trăm triệu lít hóa chất có chứa chất dioxin – một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người.

Với truyền thống "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" bằng lòng quả cảm hy sinh và sức sáng tạo phi thường; nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được nền Độc lập, thống nhất được Tổ quốc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai bắt tay xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn; Đổi mới, hội nhập và phát triển.

Việt Nam đã đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình, kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và đã được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc trao giải thưởng thành tích xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo. Với phương châm con người là mục tiêu, là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho y tế, giáo dục, thông tin... cho mọi người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam cũng nỗ lực cùng các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN - ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á, vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi chiến tranh. Đó là minh chứng sống động cho khát khao hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng; cho sự thống nhất trong đa dạng; và cho thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Thưa quý vị,

Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam chúng tôi càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã  sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tôi xin đề cập tới lương thực như một ví dụ. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng tôi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Chúng tôi cũng không chỉ xuất khẩu mà còn giúp các nước tự sản xuất thêm lúa gạo như đã thực hiện ở Cuba, Mozambique, Angola, Mali, Madagascar, Myanmar... Chúng tôi mong rằng các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế sẽ tham gia tài trợ các chương trình tương tự. Đó sẽ là những mô hình hợp tác nhiều bên đầy ý nghĩa và hiệu qủa thiết thực.

Thưa Ngài Chủ tịch, thưa Quý vị,

Tôi muốn kết thúc phát biểu của mình với niềm tin rằng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015” sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững.

Xin cảm ơn Quý vị và các bạn./.

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...