Bậc trượng phu trong thương trường Bạch Thái Bưởi (Bài 2) “Đội quân” hát xẩm giúp hãng tàu Việt đánh bại đối thủ nước ngoài

Những gánh hát xẩm với đàn bầu cổ, bộ trống mảnh, đôi sênh, bàn phách… được “chiêu dụ” về hát quảng cáo cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi
Những gánh hát xẩm với đàn bầu cổ, bộ trống mảnh, đôi sênh, bàn phách… được “chiêu dụ” về hát quảng cáo cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi
(PLVN) - Trong lĩnh vực đường thủy, năm 1909, hai hãng Messagerie và Chageurs Réunis độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Còn về vận tải đường sông thì ở miền Bắc có hãng Marty - D’Abbadie với ba chiếc tàu chuyên chở hành khách, công văn thư từ của nhà nước và một xưởng đóng tàu tại Hà Nội; hãng Deschwanden ở Hải Phòng có sáu chiếc tàu và một số hãng của người nước ngoài. Bạch Thái Bưởi bắt đầu lên ý tưởng tham gia kinh doanh trên sông nước. 

Cuộc đua hạ giá vé

Một cơ hội để ông thử thách sự gan góc, liều lĩnh đã đến. Năm 1909 hãng Marty - D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay ba chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long (Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long).

Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với các thương thuyền nước ngoài đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này.

Việc làm của Bạch Thái Bưởi quá liều lĩnh. Bởi sự bành trướng của thương nhân ngoại quốc người châu Á ngay cả người Pháp còn phải khiếp sợ. Theo nhà sử học Trần Huy Liệu: “Khi thực dân Pháp mới sang, bọn tư bản Pháp phải đương đầu với hàng bốn năm trăm nhà buôn người nước ngoài gốc Á ở Hà Nội, Hải Phòng, đã làm cho bọn chúng phải lụn bại khiến cho một tên thực dân phải kêu lên: “Không thể nào cạnh tranh nổi với họ: những đồng bào của chúng tôi hầu hết phải đóng cửa hiệu””. Vậy mà Bạch Thái Bưởi dám đương đầu.

Nhìn thấy một “tay mơ” đang mon men bước chân vào lãnh địa của mình, các thương nhân người nước ngoài gốc Á chỉ cười khẩy, không tin một người Việt Nam nào trường vốn bằng họ, kinh nghiệm bằng họ. Để loại bỏ đối thủ ra khỏi “cuộc chơi”, họ đã ngầm liên kết thực hiện một âm mưu.

Bạch Thái Bưởi và các cổ đông của ông hoàn toàn bất ngờ khi hay tin tuyến Hà Nội - Nam Định đã hạ giá vé. Từ giá 5 hào, các chủ tàu liên kết với nhau hạ xuống chỉ còn 4 hào. Họ rộng vốn nên thực hiện kế hoạch này một cách dễ dàng, còn đối với ông đang là một bài toán khó. Tàu thuyền họ không những tốt hơn mà giá còn rẻ hơn. Trong khi đó tàu của ông cũ kỹ, giá lại mắc hơn thì ai còn đi nữa.

Không còn cách nào khác. Phải hạ giá theo. Nhưng hạ giá như thế nào? Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Đành rằng hạ giá bằng đối thủ cũng đã là một thất thế, nhưng Bạch Thái Bưởi lại có một quyết định khác hẳn suy nghĩ mọi người. Ông quyết định hạ giá vé xuống chỉ còn 3 hào. Cách này buộc các chủ tàu người nước ngoài phải nghĩ ông đang trường vốn, đang thủ một số vốn khổng lồ chứ không phải đùa.

Đó là cũng cách mà ông cảnh cáo họ. Cho dù có hạ giá như thế, hoặc thấp hơn nữa thì cũng không áp đảo được tinh thần. Như chơi một canh bạc, khi bên kia ném xuống con chín một cách hả hê thì bên này đã vội đè lên bằng con mười. Nào ai biết những con bài còn lại trên tay của ai như thế nào? Hơn nhau là chỗ đó.  

Cuộc đua hạ giá bắt đầu. Hai bên liên tục hạ, cho tới lúc tàu người nước ngoài gốc Á hạ giá xuống chỉ còn 5 xu. Nhưng cũng như những lần trước, họ lại thấy Bạch Thái Bưởi chấp nhận giảm giá xuống 4 xu. Quyết không thua, họ tung ra cái giá rẻ bèo, không ai có thể tưởng tượng nổi chỉ còn... 3 xu. Thiếu điều trải chiếu điều, bỏ tiền ra mời khách đi tàu mà thôi.

Bến tàu đò trên sông Hồng khoảng năm 1910, phía xa là cầu Long Biên
Bến tàu đò trên sông Hồng khoảng năm 1910, phía xa là cầu Long Biên

Đối đầu với cái giá này thì không thể. Nếu số lượng khách không đủ cho mỗi chuyến thì chẳng mấy chốc Bạch Thái Bưởi sẽ sạt nghiệp như chơi. Mà thật thế, ba chiếc tàu mỗi tháng phải thuê đến 2.000 đồng, mà chạy mỗi chuyến chỉ được từ 15 - 20 đồng thì nguy cơ vỡ nợ đang chập chờn trước mắt.

Giữ giá 4 xu, bù lại Bạch Thái Bưởi có sáng kiến nhằm thu hút khách hàng về phía mình. Ông đã khôn khéo nghĩ ra cách “khuyến mãi” là biếu cho mỗi hành khách đi tàu một gói trà nhỏ hoặc mời uống trà ngon. Có lúc, ông còn hào phóng đãi thêm cả bánh ngọt. Thậm chí giá cước đồ hàng cũng hạ nốt. 

Cuộc chiến đồng cân đồng sức. Quyết đánh đối thủ ngã gục, người nước ngoài gốc Á lại bày ra một trò quá quắt mà xưa nay chưa ai nghĩ đến. Họ bị cho là bỏ tiền thuê người làng của bến tàu Bạch Thái Bưởi phóng uế bừa bãi. Làm cái việc đó mà được trả tiền thì quả xưa nay hiếm. Ngày lại ngày, bến tàu của ông dơ bẩn khủng khiếp.  

“Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”. Bạch Thái Bưởi lại bỏ tiền ra thuê chính người làng ấy dọn và đứng ra giữ vệ sinh bến bãi cho ông. “Ai treo chuông thì kẻ đó phải gỡ chuông”. Ấy là một cách giải quyết khôn khéo, chỉ có người trong làng bảo ban nhau, khuyên nhủ nhau thì mới được việc. Nếu cậy đến sở cẩm hoặc đem người làng khác đến thì hỏng, có khi việc thêm lằng nhằng, rắc rối. Khôn khéo như thế nên kế hoạch phá hoại của đối phương phá sản.

Sự cạnh tranh khốc liệt này đã dẫn đến chỗ trêu tức nhau, rồi sinh ra thù hằn nhau. Tàu nào cũng muốn chạy về đích trước. Người ta kể có lần tàu của thương nhân nước ngoài gốc Á vừa xuất bến chạy, tàu Bạch Thái Bưởi cũng quyết đuổi theo kịp. Song, chẳng may tàu ông vì máy móc lúc ấy thế nào đó, mà không sao vượt lên được.

Hành khách trên tàu kia mới vỗ tay để chế nhạo. Thế là lái tàu Bạch Thái Bưởi cho tàu mình sát tàu kia mà mắng. Hai bên mắng mỏ nhau kịch liệt: “Liệu hồn, ông cho đắm chết bây giờ!”. Hành khách sợ quá, can mãi đôi bên mới nguôi. Cứ thế, bên nào cũng tìm phần thắng về phía mình.

Người khai sinh ra cách quảng cáo đặc biệt

Sự đối đầu một mất một còn khiến tình trạng tài chính của Bạch Thái Bưởi đang đứng cheo leo trên bờ vực phá sản. Không đủ vốn để tiếp tục duy trì cách hạ giá như thế này nữa, phải làm thế nào đây?

Người ta thuật lại, khi đó Bạch Thái Bưởi đưa ra ý tưởng: “Ta là người Việt, kinh doanh trên đất Việt thì lẽ nào người Việt không ủng hộ người Việt? Trong tình thế ngặt nghèo này, nếu ta biết tuyên truyền, khuyên nhủ, kêu gọi đồng bào thì may ra còn có cơ may sống còn. Một khi có lực lượng đoàn thể ủng hộ sau lưng, thì cuộc tranh thương của ta sẽ không đơn độc, bị đẩy vào thế bí”.

Bạch Thái Bưởi nghĩ đến một chàng trai đang lều chõng thi Hương ở Nam Định. Đó là nho sinh Nguyễn Khắc Hiếu vừa tròn 22 xuân xanh, thua Bạch Thái Bưởi hơn một con giáp. Mọi việc trở nên thuận lợi vì Bạch Thái Bưởi là bạn thân thiết với nhà thơ trào phúng Nguyễn Thiện Kế.

Tàu đò từng là phương tiện đi lại chính ở miền Bắc từ những năm 1900 – 1940, và hình ảnh những gánh hát xẩm cũng gắn với các chuyến tàu đò
Tàu đò từng là phương tiện đi lại chính ở miền Bắc từ những năm 1900 – 1940, và hình ảnh những gánh hát xẩm cũng gắn với các chuyến tàu đò

Mà ông này lại là anh rể của chàng nho sinh. Nhờ vậy, khi Bạch Thái Bưởi đánh tiếng nhờ cậy thì chàng đồng ý ngay. Chỉ trong một đêm gặp nhau hàn huyên, chưa ăn dập miếng trầu, chàng đã phóng bút làm xong một loạt bài văn vần đúng ý định trên.

Từ đó, hành khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi thường gặp những người hát xẩm cất tiếng ca:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Cô kia má đỏ hồng hồng

Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan

Đường đi hiểm trở gian nan

Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu

Dù cho nước lũ sông sâu

Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...”

Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Giọng hát điêu luyện và chất chứa nhiều cảm xúc nhất vẫn là lão Nhị, người từ thuở nhỏ đã lang thang kiếm sống ở chợ Nam Định. Dù mù, nhưng lão có trong tay một đám “đệ tử” kiếm sống theo nghề này. Bạch Thái Bưởi đã chiêu dụ “băng nhóm” của lão về, trả công cho từng người mỗi tháng.

Nếu khách thương tình cho tiền thì họ được giữ riêng. Cách cư xử này khiến họ cảm động và đem hết sức mình để cất lên tiếng hát như ru lòng người. Tiếng lành ngày một đồn xa. Ai mà không thấy ngây ngất khi nghe lời ca tiếng hát huê tình, ngọt ngào:

“Chung lưng một chuyến thuyền tình

Sông bao nhiêu nước ta thương mình bấy nhiêu

Chúng anh đây đứng mũi chịu sào 

Sông ngang gió tạt, anh bẻ vào càng mau 

Khuyên em đừng tính trước lo sau

Còn lưng còn vốn, ta nên giàu có phen 

Khuyên em đừng tủi phận hờn duyên 

Có tài, có sắc ta lên tiên có lần

Rồi ra xé lụa may quần

Đây loan đấy phượng, ta quây quần lấy nhau...”

Có những bài học thuộc lòng trong giáo trình của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ông cũng khéo léo chọn những đoạn có thể phổ biến công khai để giao cho người hát xẩm. Nhiều khách đi tàu đã rưng rưng, bùi ngùi khi nghe giọng ca kêu gọi kín đáo mà không kém phần da diết:

Đã sinh cùng một giống nòi

Cùng trong đất nước là người đồng thân

Phải coi ruột thịt cho gần

Phải thương, phải xót quây quần lấy nhau

Phúc cùng hưởng, họa cùng đau Một gan, một dạ ghi sâu chữ đồng May ra trời cũng chìu lòng

Để đời để giống Lạc Hồng này cho

Gió thu hiu hắt sông hồ

Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây

Mấy câu mượn bút giãi bày

Xin người trong non nước này cùng nghe...

Không dừng lại đó, Bạch Thái Bưởi còn cho người tới bến tàu, xuống tận các tàu để diễn thuyết cổ vũ cho tinh thần đồng bang, “tinh thần con Lạc cháu Hồng”, kêu gọi người mình nên giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể cạnh tranh được với thương nhân nước ngoài. Ta kinh doanh là vì lợi ích của dân ta, chứ không chỉ thuần vì đồng tiền kiếm được. Với thương nhân nước ngoài thì họ đâu có nghĩ thế. 

Hải Phòng là nơi Bạch Thái Bưởi quyết định đặt trụ sở năm 1916.
Hải Phòng là nơi Bạch Thái Bưởi quyết định đặt trụ sở năm 1916.

Lần nọ chiếc tàu Long Môn của thương nhân nước ngoài đã phạm một sai lầm “chết người”. Trên chuyến tàu Hà Nội - Nam Định hôm ấy có cụ già đau bụng, mệt lả nằm sõng soài dưới sàn. Không một lời hỏi han, chủ tàu tưởng cụ bị bệnh dịch nên lúc đến bến Tân Đệ đã sai người khênh cụ quẳng lên bờ.

Việc làm bất nhẫn này đã bị hành khách phản ứng kịch liệt. Nhân chuyện này, nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện ngắn Chuyến tàu Nam phê phán thái độ đó. Với Bạch Thái Bưởi, đây là cơ hội tốt để ông đẩy mạnh tuyên truyền.

Những lời khuyến khích, phân tích thiệt hơn, khơi gợi tinh thần yêu nước khiến nhiều người cảm động, đồng tình. Họ rủ nhau đi tàu của ông ngày một nhiều hơn. Thắng lợi của ông là đã đánh thức được lòng tự tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Vì thế, thương nhân nước ngoài dù có xuống giá thấp hơn, bày trò “khuyến mãi” nhiều hơn thì cũng không thể cạnh tranh nổi với ông.

Hơn ai hết, Bạch Thái Bưởi biết rằng, một khi người dân đã có ý thức về tinh thần tương thân tương trợ, “bầu ơi thương lấy bí cùng” thì họ nào có tính toán gì dăm xu ba hào. Nhưng với giá vé hạ thấp như vậy về lâu dài cũng không thể cầm cự nổi, ông bèn nghĩ ra cách mở cuộc lạc quyên. Trên ba chiếc tàu của ông đều đặt một cái ống, mời hành khách tốt bụng, tùy tâm, ai muốn giúp ít nhiều thì bỏ tiền vào trong ống đỡ cho chủ tàu được phần nào hay phần ấy... 

Thừa thắng xông lên

Sau khi việc làm của mình đã được quốc dân ủng hộ, Bạch Thái Bưởi hào hứng nuôi ý định mua thêm tàu, mở rộng thị trường. Sau khi đánh bại đối thủ cạnh tranh trên tuyến đường Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An), Bạch Thái Bưởi bắt đầu cho tàu chạy thêm tuyến đường Hải Phòng. Sự việc này diễn ra vào năm 1912 khiến nhiều người kinh ngạc.

Sau khi kinh doanh vận tải thành công, Bạch Thái Bưởi hướng tới sản xuất tàu. Trong hình là một ụ nổi đóng tàu tại Việt Nam cuối thế kỷ 19.
 Sau khi kinh doanh vận tải thành công, Bạch Thái Bưởi hướng tới sản xuất tàu. Trong hình là một ụ nổi đóng tàu tại Việt Nam cuối thế kỷ 19.

Tuyến Hải Phòng xưa nay là đường thủy trọng yếu của các tàu người nước ngoài, nhưng ông vẫn ngang nhiên “liều mình như chẳng có”, vẫn dõng dạc bước vào giành quyền chia thị phần. Vì thế, một lần nữa các thương nhân nước ngoài càng căm tức, hiệp lực lại cố phá cho bằng được.

Bất cứ thủ đoạn nào cũng không đánh gục được ý chí sắt đá của ông. Bài học vận dụng tinh thần tự hào dân tộc, một lần nữa đã giúp ông chiến thắng vẻ vang. Tàu của ông ngày thêm đông khách. Tàu của đối phương dần dần thưa khách. Về sau không ít chủ tàu người nước ngoài bỏ cuộc.

Dù không hiếu thắng, nhưng Bạch Thái Bưởi lại có niềm kiêu hãnh là mua lại các tàu từng là đối thủ của mình. Ông luôn trả giá cao hơn người khác để sở hữu cho bằng được. Có một điều đặc biệt là trong phòng làm việc của ông, trang trí cũng khác người.

Thời đó thiên hạ vẫn chuộng cách treo các câu đối đỏ, tranh thủy mặc, các bức hoành phi sơn son thếp vàng... Còn ông thì không. Ông chỉ treo những bảng hiệu của các tàu người nước ngoài mà ông đã mua được. Ông bảo, các chủ tàu cũ trông vào “xốn mắt” bao nhiêu, ông càng thích thú bấy nhiêu.

Có lần mua được tàu Kim Hằng, chủ cũ cố lấy lại cho bằng được cái bảng hiệu bằng đồng đúc hai chữ đại tự rất lớn, quyết không để cái biểu trưng danh dự của mình lọt vào tay ông. Không chịu thua, ông thuê luật sư, chịu mất thêm tiền, đòi lại cho bằng được tấm bảng hiệu chỉ để… treo chơi.

Chỉ sau hai năm mở thêm tuyến đường Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi khuếch trương thêm nhiều chi nhánh để có thể quản lý công việc thuận lợi nhất. Ngoài trụ sở chính tại Nam Định, ngày 1/6/1914, ông mở thêm chi nhánh Bến Thủy (Nghệ An).

Kế đến, ngày 1/8/1914, ông lại mở chi nhánh ở Hà Nội và giao cho ông Offhause quản lý. Vết tích trụ sở đó, sau này còn lưu lại ở trước Cột Đồng Hồ đường Bờ Sông (Quai Guillemoto, sau này là phố Trần Quang Khải). Đó là ngôi nhà ba tầng, chân tường hầm xây đá xanh (sau là một bộ phận của Sở Thương chính).

Gọi khu vực này là Cột Đồng Hồ vì thuở đó, chính quyền thực dân Hà Nội đã cho trồng một cột sắt cao, trên gắn một cái đồng hồ vuông vức bốn mặt để người dân xem giờ lên xuống tàu thủy.

Từ đây, trong lịch các tàu thủy chạy tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Tuyên Quang, Hà Nội - Chợ Bờ... có tàu của Bạch Thái Bưởi. Điểm của các bến xếp theo thứ tự là bến tàu Tây Điếc (tức chủ hãng Sauvage, tai bị điếc), bến tàu Bạch Thái Bưởi, bến tàu của thương nhân nước ngoài như Giang Môn, Long Môn...

Năm 1915, một lần nữa tên tuổi Bạch Thái Bưởi càng vang dội trên thương trường. Đó là năm công ty Marty - D’Abbadie phá sản. Ngoài việc mua đứt ba chiếc tàu thuê lâu nay, ông còn mua luôn mấy chiếc khác nữa – kể cả chiếc thuyền đội bề thế nhất của công ty này.

Ngoài ra, ông cũng nuôi ý định tìm chọn thêm một vị trí mới để đặt trụ sở chính. Vị trí mới theo ông chỉ có thể là Hải Phòng, bởi nơi đây có vị trí chiến lược rất quan trọng của một thành phố cửa biển. Không chỉ có hải cảng lớn, khu công nghiệp tập trung mà nó còn là một vùng nông nghiệp rộng lớn. Từ năm 1876, người Pháp đã xây dựng hải cảng Hải Phòng. Nó trở thành đầu mối giao thông thuận lợi với các đường lộ, các cửa sông lớn và hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ.  

Từ tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc. Chọn vị trí mới, Bạch Thái Bưởi còn thừa hưởng một thành quả mà người Pháp đã thực hiện.

Cảnh tượng nhộn nhịp tại bến tàu đò ở Hà Nội
Cảnh tượng nhộn nhịp tại bến tàu đò ở Hà Nội

Trước đây, tàu biển ra vào cảng Hải Phòng vẫn qua cửa Cấm, nhưng luồng tàu này luôn bị sa bồi, gây khó khăn cho tàu lớn qua lại. Vì thế từ năm 1911, người Pháp đã cho đào kênh Đình Vũ nối luồng Bạch Đằng với dòng sông Cấm hình thành luồng tàu vào cảng từ cửa Nam Triệu, thay cho luồng tàu cũ ở cửa Cấm.

Dù người Pháp đào kênh Đình Vũ nối sông Cấm với cửa Bạch Đằng, nhưng họ vẫn giữ lại cửa Cấm để thoát phù sa ra biển. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển cảng biển Hải Phòng. 

Lâu nay, mỗi lúc tàu hư hỏng thì phải thuê các nhà máy ở Hải Phòng sửa chữa. Nhưng đâu phải có tiền là được. Do sự xúi giục của các đối thủ cạnh tranh nên không ít lần ông lâm vào cảnh dở khóc dở cười, lắm nỗi nhiêu khê. Không những bị bắt bí, lấy tiền cao hơn mà chất lượng sửa chữa cũng không ra gì.

Vậy mà vẫn cứ chầu chực, ngậm bồ hòn làm ngọt. Nay cơ ngơi ngày một phát triển thì không thể tiếp tục bị động như thế. Ông đang nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu. Ước mơ này tưởng như vượt ngoài tầm tay, khi Bạch Thái Bưởi không đủ tiền và thời gian đi ra nước ngoài mua sắm được toàn bộ máy móc để hình thành một nhà máy theo đúng nghĩa. Bạch Thái Bưởi có một quyết định mới.

(Còn tiếp)

Đọc thêm

BSL kiên trì chiến lược phát triển bền vững

Ông Nguyễn Thiều Sơn, CEO của BSL
(PLVN) -  Năm 2023, Công ty Cho thuê Tài chính BIDV-SuMi TRUST (BSL) đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng gần 27%, cao hơn hẳn so với mức tăng bình quân của ngành cho thuê tài chính (13,75%) và toàn ngành Ngân hàng (13,5%). Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc (CEO) BSL cho biết, có được thành tựu đó là nhờ vào chiến lược phát triển bền vững đầy sáng tạo; sự kiên định hành động bám sát theo mục tiêu và sự bồi đắp văn hóa tin cậy giữa BSL với khách hàng...

Khởi nghiệp - hãy tự tin, dám làm, đừng sợ!

Nguyễn Thị Thu Hoa, CEO Trường Foods bên sản phẩm cao cấp Con Cui làm từ thịt lợn mán. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Họ đều khởi nghiệp khi còn rất trẻ từ tay trắng. Đến nay, tổng doanh thu của họ đã tới 40-50 tỷ đồng. Họ đã được đề cử là 1 trong 20 Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2022 ở lĩnh vực Kinh doanh - khởi nghiệp.

'Trả lại tên cho em' nếu tái cơ cấu một doanh nghiệp ngành Điện

Nếu được EVN chấp thuận, một số chức năng vốn thuộc PTC1 sẽ trở về lại PTC1 trong nay mai.
(PLVN) - 6 năm trước, khi thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), EVN đã nhất trí chủ trương “bốc” toàn bộ nhân lực, chức năng và thiết bị của các đơn vị thí nghiệm điện, vận tải, cơ điện vốn trực thuộc các công ty truyền tải điện (PTC) chuyển về lập nên NPTS.

Nâng tầm Cảng Đà Nẵng trong hệ sinh thái của VIMC

Cảng Đà Nẵng đón tàu container của hãng Sinolines cập cảng, làm hàng.
(PLVN) - Theo đại diện Cảng Đà Nẵng, mục tiêu trong năm 2024 của doanh nghiệp này là đạt kết quả sản xuất kinh doanh tăng từ 4-6% so với năm 2023, qua đó góp phần gia tăng sức mạnh và uy tín Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), với vai trò là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái.

Đêm muộn, 'sếp' EVNNPT vẫn tới công trường 'thúc' nhà thầu chậm tiến độ

Tổng Giám đốc Phạm Lê Phú (áo xanh) kiểm tra công trường đường dây 500kV đoạn qua Hưng Yên
(PLVN) -  Tối 13/3/2024, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - Phạm Lê Phú và đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công ban đêm các vị trí móng cọc Dự án đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư thương mại, công nghiệp Việt Á (nhà thầu Việt Á) đoạn qua tỉnh Hưng Yên.