Kết quả của việc này là sự bùng nổ của đại dịch thuốc giảm đau nhóm opioid bùng nổ tại Mỹ vài năm trở lại đây, với hàng trăm bệnh nhân đã tử vong.
Động thái pháp lý lịch sử
Đầu tháng 6 vừa qua, dư luận Mỹ xôn xao trước thông tin Công ty dược phẩm Insys Therapeutics nộp hồ sơ xin phá sản. Trong hồ sơ nộp lên tòa án ở Delaware, Insys định giá tài sản của công ty này từ 100 triệu tới 500 triệu USD.
Insys cho biết sẽ bán gần như toàn bộ để chi trả cho các chi phí dàn xếp điều tra và các chi phí pháp lý khác liên quan. Công ty cũng khẳng định sẽ thực hiện cam kết chi trả tiền lương cho nhân viên và duy trì hoạt động bình thường, đảm bảo thanh toán đầy đủ cho các nhà cung cấp và các đại lý.
Thông báo của Insys được đưa ra chỉ ít ngày sau khi hãng dược phẩm có trụ sở chính tại bang Arizona này chấp thuận chi trả khoản tiền 225 triệu USD để dàn xếp các cuộc điều tra dân sự và hình sự liên quan tới hoạt động tiếp thị sản phẩm thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện thuộc nhóm opioid có tên Subsys.
Subsys là loại thuốc xịt đường miệng có chứa fentanyl – một loại thuốc giảm đau mạnh gấp từ 50 đến 100 lần so với morphine, có thể gây nghiện và nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Cơ quan quản lý y tế Mỹ chỉ cho phép các bác sỹ kê loại thuốc này cho những bệnh nhân bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, khi các loại thuốc giảm đau khác không còn tác dụng.
Tuy nhiên, theo cáo buộc của cơ quan công tố, vì muốn nhanh chóng mở rộng thị trường hòng thu lợi nhuận cao, giới lãnh đạo Công ty Insys đã chủ trương thiết lập một hệ thống hối lộ quy mô lớn.
Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2015, công ty này đã chi rất nhiều tiền cho các bác sĩ để họ kê đơn thuốc Subsys cho các bệnh nhân, bao gồm cả những trường hợp trên thực tế chỉ bị các bệnh nhẹ như bị nhức đầu hoặc đau lưng, không cần dùng đến loại thuốc cực mạnh này. Nhiều bệnh nhân cũng đã được cho sử dụng Subsys liều cao, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn đối với họ.
Vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opiod cũng đang lan ra khắp thế giới. Trong 3 năm kể từ năm 2015, 81% trong số 8.441 trường hợp tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở châu Âu liên quan thuốc giảm đau nhóm opioid. Ở châu lục này, Anh, Scotland và Ireland được xem là những điểm nóng của tình trạng này.
Trong đó, năm 2015, Anh ghi nhận tới 330.445 trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau nhóm opioid. Scotland cũng ghi nhận 765 trường hợp trong năm 2016.
Tại châu Mỹ, Canada cũng đã ghi nhận hơn 3.000 người tử vong do sử dụng quá liều các loại thuốc giảm đau có tính gây nghiện.
Trong đó, tỷ lệ người tử vong do sử dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid quá liều đã tăng từ 4% trong năm 2012 lên tới 81% trong năm 2017. Tình hình này cũng đã buộc Chính phủ Canada phải khởi động chiến dịch ngăn chặn cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau để giảm số ca tử vong do tình trạng này gây ra.
Tổng cộng, chỉ trong vài năm, Insys đã chi hơn 10 triệu USD tiền hối lộ cho các bác sĩ. Ví dụ, trong một trường hợp, công ty đã trả gần 260.000 USD cho 2 bác sĩ ở New York – những người đã kê các đơn thuốc sử dụng Sybsys với tổng giá trị lên tới hơn 6 triệu USD trong năm 2014. Ngoài ra, tiền hối lộ cũng được chi cho những bác sĩ đến ca ngợi tác dụng của thuốc tại các buổi hội thảo chuyên ngành y dược.
Trong thời gian áp dụng chính sách trên, tổng doanh thu từ việc bán Sybsys của Insys cũng đã tăng mạnh theo cấp số nhân, từ 8,6 triệu USD ở năm 2012 lên thành 329 triệu USD trong năm 2015. Trong khi Insys “hái ra tiền” thì ở đầu kia của chuỗi cung ứng, các bệnh nhân đã “lĩnh đủ”. Công ty bị cáo buộc đã dẫn tới hơn 900 trường hợp tử vong vì dùng thuốc Sybsys quá liều.
Hàng loạt bệnh nhân và gia đình của họ đã đâm đơn kiện loại thuốc này, điển hình là gia đình bà Sarah Fuller - một nữ bệnh nhân 30 tuổi đã sử dụng Subsys để giảm đau sau một vụ tai nạn xe hơi. Bà Fuller đã tử vong chỉ 1 năm sau khi dùng thuốc với tỉ lệ fentanyl trong máu ở mức chết người.
Chưởng lý Andrew Lelling - người đã quyết định truy tố Insys - cáo buộc những hành vi bất hợp pháp của công ty cho thấy họ đặt lợi nhuận lên trên hàng ngàn bệnh nhân, khiến đại dịch opioid trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài các đơn kiện nói trên, hồi tháng 5 vừa qua, nhà sáng lập Insys là John Kapoor, 76 tuổi, cũng đã trở thành chủ hãng dược phẩm lớn đầu tiên của Mỹ bị kết tội hối lộ để các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau. Ngoài ông này còn có 4 cựu giám đốc điều hành khác của Insys chịu chung số phận. Công tố viên liên bang Mỹ Andrew E. Lelling cho rằng việc các nhân vật trên bị truy tố là động thái lịch sử.
“Phán quyết này đánh dấu thành công đầu tiên trong việc truy tố lãnh đạo cấp cao của các công ty dược phẩm liên quan đến hoạt động tiếp thị và kê đơn trái phép các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid”, ông Lelling nói.
Con dao 2 lưỡi
Thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, trong đó có morphin. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ, trong đó có việc gây nghiện.
Người nghiện thuốc càng về sau sẽ càng không thể cưỡng lại được sự thôi thúc sử dụng thuốc để thỏa mãn cơn thèm thuốc, bất chấp các tác hại của thuốc, trong đó có nguy cơ tử vong do sử dụng quá liều.
Theo một thống kê, hơn 2 triệu người ở Mỹ bị nghiện thuốc giảm đau. Trong vài năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid đã buộc phải chuyển sang dùng heroin và các loại thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh khác khi giới chức Mỹ siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn.
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng thuốc của Mỹ (NIDA), tình trạng lạm dụng và sử dụng quá liều thuốc giảm đau đã gia tăng tại Mỹ trong 20 năm qua và bắt đầu bùng nổ thành cuộc khủng hoảng từ những năm 2010, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau Oxycontin và các loại thuốc giảm đau được lưu hành hợp pháp khác.
Nếu như trước đây các loại thuốc này chỉ được chỉ định điều trị giảm đau trong giai đoạn cuối của các bệnh lý ung thư thì hiện nay, nhóm thuốc này đã được mở rộng trong chỉ định điều trị các cơn đau mãn tính như đau lưng, viêm khớp… Đây được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lạm dụng thiếu kiểm soát và làm gia tăng tỉ lệ tử vong do sử dụng thuốc ở nước Mỹ.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, trong vòng 20 năm qua, gần 400.000 người ở nước này đã tử vong vì dùng thuốc quá liều, bao gồm cả việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc dùng trái phép.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng thuốc quá liều. Trong đó, số liệu thống kê cho thấy số ca tử vong do sử dụng các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl đã gia tăng mạnh trong thời gian qua, là nguyên nhân dẫn đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều xảy ra ở Mỹ.
Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết, trong năm 2017, ở nước này đã có hơn 70.000 người tử vong do lạm dụng thuốc, trong đó có gần 48.000 người thiệt mạng vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid. 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.
Ngôi sao nhạc Pop Prince và ca sỹ nhạc rock Tom Perry là 2 trường hợp điển hình trong số những nạn nhân tử vong do lạm dụng loại thuốc giảm đau này. Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỉ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc những đứa trẻ có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề thể hiện ở chỗ Tổng thống Donald Trump vào tháng 10/2018 đã phải ký một dự luật nhằm ngăn chặn đại dịch opioid.
Việc lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid ở Mỹ gia tăng ngoài ý thức chấp hành pháp luật của các công ty dược còn được cho là có một phần nguyên nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của giới chức nước này.
Theo kết quả một cuộc điều tra do các chuyên gia thuộc Đại học Johns Hopkins thực hiện được công bố hồi tháng 2 vừa qua, hàng nghìn bệnh nhân ở Mỹ đã được kê đơn sử dụng Fentanyl - một loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid cực mạnh và có thể gây nghiện - trong quá trình điều trị nhưng có từ 1/3 đến một nửa trong số đó không cần thiết sử dụng loại thuốc giảm đau này.
Cũng theo kết quả điều tra, trong 5 bác sĩ ở Mỹ thì có 1 người nói rằng họ không biết Fantanyl được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư dung nạp opioid. Điều này đã dẫn đến tình trạng Fentanyl được kê đơn sai cho cả những bệnh nhân gặp phải những vấn đề ít nghiêm trọng như đau thắt lưng dưới hoặc đau đầu mãn tính.
Cuộc khủng hoảng nhân tạo tồi tệ nhất
Cũng trong tháng 5 vừa qua, Tập đoàn dược phẩm Teva của Israel cũng đã phải chấp nhận trả cho bang Oklahoma của Mỹ 85 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện liên quan tới cáo buộc tập đoàn này góp phần làm bùng phát cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid khiến hàng chục nghìn người tử vong tại Mỹ.
Thuốc Subsys của Công ty dược phẩm Insys. |
Theo người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Oklahoma Mike Hunter, số tiền mà Teva trả sẽ được sử dụng cho cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid ở bang này. Ông Hunter nhấn mạnh việc dàn xếp vụ kiện cho thấy quyết tâm của bang bang Oklahoma nhằm buộc các thực thể và cá nhân có liên quan phải trách nhiệm đối với đại dịch dùng quá liều thuốc giảm đau gây nghiện opioid chết người.
Trước đó, hồi tháng 3/2019, Tập đoàn dược phẩm Purdue Pharma – một công ty của Mỹ công ty chuyên sản xuất thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, trong đó có thuốc giảm đau Oxycotin bán chạy nhất thế giới - cũng đã bị buộc phải bồi thường 270 triệu USD cho bang Oklahoma vì cáo buộc tương tự.
Một thống kê cho biết, Purdue Pharma đang phải đối mặt tổng cộng hơn 700 vụ kiện liên quan tới việc quảng cáo, tiếp thị không trung thực, che giấu rủi ro việc điều trị những cơn đau mãn tính bằng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid.
Trong đó, đầu tháng 5 vừa qua, 6 bang của Mỹ đã đâm đơn kiện công ty trên với cáo buộc hãng đã lừa dối người tiêu dùng khi thổi phồng những công dụng đặc trị, trong khi giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc giảm đau do công ty sản xuất, vi phạm các quy định về bảo vệ người tiêu dùng.
Các đơn kiện cho rằng hành vi bất hợp pháp của công ty đã khiến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid trên cả nước Mỹ ngày càng trầm trọng. Purdue Pharma hồi tháng 2 đã thông báo ngừng các chiến dịch tiếp thị Oxycotin sau khi thực tế cho thấy phần lớn các bệnh nhân sử dụng thuốc của công ty để giảm đau đã nghiện thuốc như nghiện ma túy.
Một tập đoàn dược phẩm khổng lồ khác là Johnson & Johnson cũng đối mặt với một phiên tòa dân sự tại bang Oklahoma với cáo buộc đã chi hàng triệu USD để tiến hành chiến dịch quảng cáo rầm rộ thuốc giảm đau nhóm opioid bất chấp nguy cơ gây nghiện cao của loại thuốc này.
Chưởng lý bang Oklahoma Mike Hunter cho rằng lòng tham đã khiến công ty đi đầu trong việc đưa đến cuộc khủng hoảng sức khỏe do con người tạo ra tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ nói chung và ở bang Oklahoma nói riêng. Bang này đang đòi bồi thường hàng tỷ USD để giúp trang trải hậu quả lâu dài của “đại dịch opioid” ở bang.
Về phía các cơ quan khác, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế và dịch vụ con người của Mỹ hồi tháng 4 vừa qua thông báo đã bắt giữ 60 người ở 7 bang khác nhau, trong đó có 31 bác sĩ, 7 dược sĩ, 8 y tá và 7 chuyên gia y tế, vì cáo buộc đã kê đơn và phân phối bất hợp pháp các thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid cho người bệnh.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các nghi phạm bị cáo buộc đã kê khoảng 350.000 đơn thuốc với hơn 32 triệu viên thuốc giảm đau thuộc nhóm opiod cho các bệnh nhân tại nhiều bang như Ohio, Tennessee, Alabama, Tây Virginia, Kentucky, Pennsylvania và Florida.
Trong số những người bị bắt giữ, theo Bộ Tư pháp Mỹ, một bác sỹ có biệt danh “Roc Doc” bị cáo buộc đã kê khoảng 500.000 viên thuốc hydrocodone, 300.000 viên thuốc oxycodone, 1.500 miếng dán fentanyl và hơn 600.000 viên thuốc benzodiazepine cho các bệnh nhân chỉ trong 3 năm. Các công tố viên Mỹ cáo buộc người này đã nhận được một số đãi ngộ để đổi lấy việc kê đơn này, trong đó có việc hối lộ bằng tình dục.
Còn tại bang Kentucky, một bác sĩ bị cáo buộc để các đơn thuốc trống đã ký tên trước cho các nhân viên để họ kê đơn thuốc khi ông ta không có ở phòng khám. Tại Ohio, theo cáo trạng, chỉ riêng từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2017, một bác sỹ đã điều hành vài quầy thuốc, phân phối tới hơn 1,75 triệu viên thuốc giảm đau nguy hiểm cho người bệnh.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr trong một tuyên bố được đưa ra sau vụ bắt giữ này nhấn mạnh “đại dịch” lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid là cuộc khủng hoảng dược phẩm tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau vụ dàn xếp thỏa thuận với Công ty Insys và truy tố hình sự các giám đốc điều hành của công ty này, giới chức Mỹ khẳng định đây là một phần trong nỗ lực của cơ quan chức năng Mỹ nhằm trừng phạt các công ty dược phẩm vì vai trò của họ trong việc thúc đẩy “đại dịch” thuốc giảm đau nhóm opioid.
Vụ dàn xếp này phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà sản xuất dược phẩm rằng những hành vi bất hợp pháp như vậy sẽ không được dung thứ. Tôi muốn đảm bảo với các gia đình và cộng đồng bị tàn phá bởi “dịch” này rằng Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ để buộc các nhà sản xuất thuốc giảm đau nhóm opioid phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jody Hunt nói trong một tuyên bố.
Các nguyên đơn tại hàng chục thành phố, các hạt và các bang cùng các cá nhân ở Mỹ trong một tuyên bố cũng cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi hành động pháp lý chống lại Insys để buộc công ty này phải bồi thường những thiệt hại do hành vi của công ty này gây ra, bao gồm từ những thiệt hại do tình trạng tội phạm gia tăng đến chi phí điều trị nghiện và chăm sóc trẻ mồ côi do cha mẹ của chúng tử vong do dùng thuốc.
“Phá sản và tái cấu trúc không nhất thiết có nghĩa là một công ty mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, mục tiêu của vụ kiện không phải là khiến công ty phá sản mà là để tìm kiếm các giải pháp lâu dài, bền vững nhằm loại bỏ “dịch” thuốc giảm đau opioid”, tuyên bố viết.