Sáng ngày 5/3/2021, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia và Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020.
Trong 35 năm qua, Giải thưởng được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin…
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 được trao cho tập thể nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cá nhân là PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương - giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.
Thành công từ đề tài “không khả thi”
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú với số điểm cao, nữ bác sĩ trẻ Trương Thanh Hương về công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội. Với những thành tích xuất sắc trong học tập và công tác, bác sĩ Hương được cử đi tu nghiệp về Tim mạch học lâm sàng và Siêu âm – Doppler tim tại Đại học Paris VI. Bệnh viện Saint Antoin Paris; tiếp đó là Tim bẩm sinh tại Bệnh viện Robert Debre.
Việt Nam những năm cuối của thế kỷ XX, khái niệm rối loạn mỡ máu là một danh từ xa lạ, ngay cả ở trong bệnh viện. Năm 1997, trở về nước với những kiến thức đã được đào tạo, qua sách vở và thực tiễn lâm sàng điều trị hàng ngày, bác sĩ Trương Thanh Hương rất quan tâm và lo ngại đến tình trạng tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
“Được học từ Pháp về và cũng theo sách vở thì xu hướng phát triển bệnh lý của một đất nước sau chiến tranh, thể nào cũng có những rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Yếu tố thuận lợi là do kinh tế khôi phục trở lại, điều kiện về vật chất ăn uống thuận tiện hơn cộng với thói quen có hại như giảm vận động, lười vận động hơn khi chỉ là bật vô tuyến cũng có điều khiển, đi bộ thì ít nên đó chính là nguy cơ về bệnh mạch vành và các bệnh xơ vữa động mạch nói chung sẽ phát triển” – chị đau đáu với nghĩ suy như thế.
Chị bày tỏ mong muốn lao vào nghiên cứu một đề tài mà với các thầy “cây đa, cây đề” của nền y học Việt Nam ngày đó chỉ là công tác thống kê lại kết quả của chuyên ngành hóa sinh, không xứng tầm với một bác sĩ nội trú được đào tạo bài bản từ Pháp trở về. Các thầy, các giáo sư gạo cội của ngành Y lúc đó hầu hết đều mong muốn phát triển bác sĩ Hương theo con đường siêu âm tim.
Khó khăn không lùi bước, cứ đi để thành đường, giờ đây hơn hai mươi năm nhìn lại, sự cần thiết phải lưu tâm đến cả rối loạn lipid máu và tăng huyết áp ở nước ta đã được khẳng định qua thực tiễn điều trị.
Và đến nay xét nghiệm lipid máu đã trở thành xét nghiệm gần như là thường quy và cơ bản cho phần lớn các bệnh nhân trung niên khi đến viện và trong các gói khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên của các cơ quan. Từ đó mà có nhiều người được phát hiện và điều trị rối loạn lipid máu, làm ngừng quá trình xơ vữa động mạch với các biến chứng chết người của bệnh.
Đau đáu vì cộng đồng
Qua quá trình khám chữa bệnh, PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương nhận thấy rằng, nếu bệnh tật được phát hiện, sàng lọc ngay từ khâu gia đình thì sẽ giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội chiến thắng bệnh tật cũng như giảm tải cho bệnh viện.
Không chỉ là thành viên ban đầu của dự án triển khai hệ đào tạo bác sỹ y học gia đình tại Việt Nam, chị còn xây dựng thành công quy trình sàng lọc, chẩn đoán và quy trình phát hiện gen đột biến gây bệnh tăng cholesterol máu gia đình bằng kỹ thuật sinh học phân tử tại Việt Nam.
Áp dụng bộ công cụ chẩn đoán sàng lọc bệnh tăng cholesterol máu gia đình phù hợp với Việt Nam, sàng lọc bệnh tăng cholesterol máu gia đình cho 1.360 người có nguy cơ mắc bệnh, phát hiện 135 người mắc bệnh, tương ứng 1 người bệnh được phát hiện khi sàng lọc 10 người. Lần đầu tiên hàng chục phả hệ đã được tư vấn di truyền bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam.
Tháng 2/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu công trình nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” của PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương. Ước tính, tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này. Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gen bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch.
Chính nhờ công trình nghiên cứu này, bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, giảm chi phí điều trị biến chứng, bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ. Việc quản lý và chăm sóc bệnh lý di truyền này bao gồm việc chăm sóc, phát hiện, chẩn đoán, chữa bệnh cho cả gia đình gồm nhiều thế hệ, điều này giúp ổn định xã hội.
Nhờ mô hình quản lý sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi chăm sóc bệnh nhân mắc tăng cholesterol máu gia đình ở bệnh viện và khu dân cư tại Việt Nam của PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương, bước đầu 31 trẻ em mắc bệnh được phát hiện và đến nay, khi các quy trình này được áp dụng rộng khắp, số bệnh nhi được phát hiện đã tăng lên nhanh chóng. Các em được điều trị phòng bệnh theo quy mô gia đình, phả hệ.
Nhân nói đến bệnh nhân nhi, sở dĩ PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương được nhiều gia đình bệnh nhân nhi gọi thân thiết là “bà tiên” của những trái tim lỗi nhịp vì hơn 30 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, chị khám chữa tận tình cho rất nhiều bệnh nhân nhi mắc bệnh tim. Bản thân là một nhà khoa học nữ, chị thấu hiểu trẻ em có vị trí quan trọng đối với gia đình nói chung và với người phụ nữ nói riêng.
Thời gian dành cho bệnh nhân nhi luôn chiếm tối đa trong quỹ thời gian của chị. Trong một ngày, suy nghĩ đầu tiên khi thức dậy hay cuối cùng lúc đi ngủ đều hướng về việc học hỏi, nghiên cứu để tìm ra những phương pháp điều trị bệnh mới rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân nhi. Không chỉ thế, chị còn luôn có mặt trong các chuyến đi khám bệnh miễn phí cho trẻ em ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Đắk Lắk…