Năm 2016, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 5,38% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển rõ rệt, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn. Du lịch khởi sắc, năm qua Bạc Liêu đã đón 1,24 triệu lượt khách; doanh thu khoảng 1000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.780 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,31%, hộ cận nghèo giảm 1%, vượt kế hoạch đề ra.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ban, bộ, ngành bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển của Bạc Liêu sau 20 năm tái lập tỉnh; nhất là kết quả tái cơ cấu kinh tế nói chung, tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của tỉnh Bạc Liêu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, giàu tiềm năng để phát triển, với 3 vùng sinh thái: Nước ngọt, nước lợ, nước mặn, có nhiều đường giao thông huyết mạch đi qua, ngư trường rộng hơn 20.000 km2. Cách làm của Bạc Liêu thời gian qua là đúng đắn, thế nhưng cần quyết tâm, nỗ lực cao hơn. Bạc Liêu phải phấn đấu trở thành “trung tâm tôm” của cả nước.
Cùng với đó, địa phương cũng nên chú trọng phát triển kinh tế biển, tập trung đánh bắt xa bờ, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; chú trọng hơn nữa việc phát triển năng lượng sạch. Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình phát triển, Bạc Liêu cần hết sức chú trọng việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có..
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng, hoan nghênh Bạc Liêu sau 20 năm tái lập tỉnh đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, 2 kết luận thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nghiêm túc; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế.
Tổng Bí thư chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Bạc Liêu phải vượt qua, như điểm xuất phát thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu kém, xa trung tâm. Nhu cầu đầu tư phát triển lớn nhưng khả năng cân đối ngân sách còn hạn hẹp. Thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 33 triệu đồng/năm, thấp hơn mức bình quân chung cả nước…
Nhất trí với những mục tiêu định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, sau khi nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Tổng Bí thư đề nghị Bạc Liêu phải chú trọng hơn nữa việc hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh chọn những việc cần ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện, trước hết là ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản mà mũi nhọn là con tôm, ứng dụng công nghệ cao đưa Bạc Liêu trở thành một trung tâm của ngành tôm cả nước. Đồng thời, Bạc Liêu cần chú trọng phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo; nghiên cứu phát triển mạnh điện gió, tạo nguồn năng lượng sạch cho địa phương, cả vùng và đất nước.
Ghi nhận các kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn phát triển của tỉnh và đang cần sự hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực, cơ chế chính sách, Tổng Bí thư lưu ý Bạc Liêu cần lựa chọn một số việc để tập trung thực hiện theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm trọng điểm, mang lại hiệu quả rõ nét. Tổng Bí thư mong muốn Bạc Liêu tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, vươn lên phát triển mạnh mẽ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.