[links()] Câu hỏi thời sự: "Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng" trong đề thi Địa lý sáng 3/6 khiến nhiều thí sinh hào hứng.
Ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, thí sinh Nguyễn Lan ở điểm thi THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đề thi Địa lý rất dễ, đặc biệt là câu hỏi gắn với vấn đề thời sự về "đánh bắt xa bờ".
"Đề thi khiến em rất hào hứng, không còn cảm thấy môn Địa khô khan nữa. Việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Điều này không chỉ được học trên lớp mà em còn được xem trên tivi và báo chí nữa", nữ sinh này chia sẻ.
Nguyễn Gia Dũng (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho rằng, với đề thi này học sinh khối A, B đều làm rất tốt. Các câu lý thuyết gần gũi với cuộc sống hàng ngày, lại được sử dụng Atlat nên để hoàn thành không có gì khó khăn. Câu bài tập vẽ đồ thị thì trong đề thi đã yêu cầu luôn vẽ biểu đồ hình cột nên thí sinh cũng không mất thời gian xác định loại biểu đồ.
Thí sinh Hà Nội sau giờ thi. |
Ở điểm thi THPT Phạm Hồng Thái, nhiều thí sinh làm được bài song không chắc chắn về điểm số vì "các môn xã hội rất khó tính điểm". An Lê (THPT Nguyễn Trãi) phấn khởi khoe, đề thi trúng với phần ôn tập và dạng bài đã được thi thử, chỉ cần dựa vào Atlat đã có thể làm được hết câu hỏi. Trong khi Thu Hương (THPT Nguyễn Trãi) vì lo lắng nên đã quên lý thuyết và phải bỏ dở 1-2 câu.
Trong khi đó, thí sinh Phan Thị Huyền nhận xét, dù nằm trong chương trình ôn tập nhưng đề khá dài. Riêng ý "Tại sao độ cao của đai nhiệt đới gió mùa miền Bắc thấp hơn miền Nam" khá khó, nếu chỉ học thuộc lòng hoặc phân tích không tốt thì khó lấy điểm. Nhiều bạn của Huyền làm rất kém hoặc bỏ trắng ý này.
Khác với tâm trạng hồ hởi ở Hà Nội, thí sinh tại Đà Nẵng có phần kém vui. Lê Hoàng (THPT Phan Chu Trinh) cho rằng, lý thuyết quá nhiều nên lúng túng khi làm bài và khó phân bổ thời gian hợp lý để hoàn thành bài thi.
Vì học chuyên Toán nên ngoài việc học trong sách giáo khoa, nhóm nữ sinh THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) còn lên mạng tìm hiểu kiến thức và cách làm bài thi. Tuy nhiên, các thí sinh này cho hay, bài thi cũng chỉ được 6-7 điểm. "Bạn nào học khá Địa cũng chỉ còn dư 5 phút để đọc lại bài vì đề dài", thí sinh Hoàng Lan nói.
Thí sinh Đà Nẵng sau giờ thi Địa lý. |
Còn tại TP HCM, theo một số thí sinh, đề thi môn Địa không khó nhưng hơi dài, kiến thức nằm rải rác ở nhiều lĩnh vực, học sinh không chuyên hoặc học tủ không hoàn thành hết bài thi trong thời gian 90 phút.
Cô Nguyễn Kim Hoa, giáo viên Địa lý THPT Việt Đức (Hà Nội) nhận xét, đề thi Địa lý năm nay vừa sức với học sinh và không quá dài. Với đề thi này, tỷ lệ đỗ trên trung bình sẽ cao hơn năm ngoái vì chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản sẽ đạt 6 - 8 điểm. "Câu hỏi về ý nghĩa của đánh bắt xa bờ với nền kinh tế và an ninh quốc phòng rất hay, yêu cầu học sinh phải có kiến thức và tinh thần trách nhiệm khi trả lời. Với dạng đề này, điểm 9, 10 sẽ nhiều hơn năm ngoái", cô Hoa nhận định. |
"Em loay hoay mãi nhưng cũng đành bỏ qua câu này", Vinh nói.
Còn Thúy Vy (THPT Lê Quý Đôn) nhận định, đề thi vừa sức, câu hỏi khó nhất là liên quan đến khí hậu và đất. Còn câu hỏi về "sự phân bố dân cư và khó khăn của nó" khá hay và dễ phân tích.
"Em làm hết các câu hỏi nhưng cũng chỉ hi vọng được khoảng 6 điểm. Vì có nhiều câu hỏi nhỏ, không thể nhớ hết được các ý cơ bản nên rất dễ bị quên và mất điểm", nữ sinh cười.
Theo VnExpress