Ai bị nghi chỉ đạo giết nhà báo Khashoggi?

Các nhà hoạt động mang ảnh nhà báo Khashoggi đến biểu tình trước lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/11.
Các nhà hoạt động mang ảnh nhà báo Khashoggi đến biểu tình trước lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/11.
(PLO) - Hơn một tháng sau khi xảy ra sự việc nhà báo Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sự việc vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. 

Diễn biến mới nhất, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ hai chuyên gia chất độc và hóa học Arab Saudi đã tới thành phố Istanbul hồi giữa tháng 10 với mục đích phi tang bằng chứng về vụ sát hại Khashoggi trước khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được vào khám xét lãnh sự quán. "Việc nhóm dọn dẹp xuất hiện chỉ 9 ngày sau vụ mất tích cho thấy Riyadh biết rõ về sự việc", quan chức này cho biết thêm.

Diễn biến điều tra

Nhà báo Khashoggi biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục kết hôn lần thứ ba. Arab Saudi đã thừa nhận nhà báo 60 tuổi chết trong lãnh sự quán và sự việc được lên kế hoạch trước, đồng thời bắt 18 nghi phạm để điều tra.

Công tố viên trưởng Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Irfan Fidan cho biết Khashoggi bị siết cổ ngay khi vào lãnh sự quán và bị chặt xác để phi tang. Trong khi đó một tờ báo Mỹ đưa tin các điều tra viên đang xem xét giả thuyết thi thể nhà báo này bị tiêu hủy bằng axit.

Một tờ nhật báo của Thổ Nhĩ Kỳ thì dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng sau khi nhà báo Jamal Khashoggi khi vào lãnh sự quán, ông bị nhóm sát thủ Arab Saudi siết cổ đến chết rồi phân tách thi thể, đặt vào 5 chiếc vali. Những chiếc vali sau đó được chuyển tới dinh thự của tổng lãnh sự Arab Saudi ở cách đó 200m.

Trước đó, Yasin Aktay, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cũng cho rằng thi thể của nhà báo này đã bị cắt làm nhiều phần và sau đó phi tang bằng cách tiêu hủy, có thể là nhúng trong axit mạnh.

Các quan chức giấu tên nói với tờ Sabah rằng Maher Mutreb, Salah Tubeigy và Thaar al-Harbi là ba người đóng vai trò chủ chốt trong nhóm 15 sát thủ ra tay sát hại và phi tang thi thể Khashoggi trong lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10.

Mutreb là trợ lý thân cận của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, trong khi Tubeigy là người đứng đầu Hội đồng Pháp y của nước này và là một đại tá quân đội. Al-Harbi được thăng chức trung úy trong đội cận vệ hoàng gia năm ngoái vì đã can đảm bảo vệ cung điện Thái tử ở Jeddah.

Những cảnh quay từ camera giám sát cho thấy ba người này đi chung một chiếc xe từ lãnh sự quán đến dinh thự của tổng lãnh sự vào 15h ngày 2/10, ngay sau khi Khashoggi bị giết. Chưa đầy hai giờ sau, Mutreb được nhìn thấy rời khỏi dinh thự.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định "cấp cao nhất" của chính phủ Arab Saudi đã ra lệnh giết nhà báo bất đồng chính kiến này. Tuy nhiên, Erdogan không tin rằng Vua Salman đã ra lệnh giết Khashoggi và ông cũng không trực tiếp cáo buộc Thái tử Mohammed, người có quan hệ với một số nghi phạm mà Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị về đầu tư ở Riyadh ngày 23/10
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị về đầu tư ở Riyadh ngày 23/10

Trưởng phái đoàn Arab Saudi Bandar al-Aiban sau đó phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ: "Vua Salman đã chỉ đạo công tố viên điều tra vụ án, nhằm tìm ra sự thật và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Về cái chết của công dân Jamal Khashoggi, chúng tôi cam kết sẽ truy tố những người có liên quan tới tội ác này".

Phản ứng được đưa ra sau khi phái đoàn Arab Saudi nhận được lời kêu gọi từ 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, yêu cầu Riyadh điều tra một cách triệt để vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Đại sứ al-Aiban không công bố tình trạng của 18 công dân Arab Saudi bị bắt liên quan tới vụ Khashoggi, đồng thời từ chối trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới họ. "Vụ án vẫn trong quá trình điều tra. Tôi nghĩ tuyên bố của mình đã rất rõ ràng", ông phát biểu.

Saud al-Qahtani là ai?

Nhân vật cấp cao được cho là liên quan đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi, là Saud al-Qahtani. Khi Thái tử Mohammed bin Salman đẩy mạnh những cải cách xã hội đầy tham vọng, ông cũng giao trọng trách thực hiện chiến dịch không khoan nhượng chống lại những người phản đối chính phủ cho thân tín Saud al-Qahtani.

Những người am hiểu công việc của al-Qahtani nói rằng ông đã cố dụ Khashoggi từ Mỹ về Arab Saudi và sau đó lên kế hoạch cho vụ giết người tại lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul ngày 2/10.

Al-Qahtani, 40 tuổi, bắt đầu làm việc cho hoàng gia từ thời quốc vương tiền nhiệm là Vua Abdullah. Vị thế của ông tăng lên đáng kể sau khi Vua Salman lên ngôi vào năm 2015 và con trai ông, Hoàng tử Mohammed được phong làm Thái tử năm 2017. Qahtani được bổ nhiệm làm cố vấn pháp lý cho Quốc vương và cố vấn truyền thông cho Thái tử.

Ban đầu, Qahtani sử dụng tên của ông chủ để dụ nhà báo, người sống lưu vong ở nước ngoài từ tháng 9/2017, về nước. "Thái tử coi trọng vai trò biên tập viên của ông. Ông ấy muốn ông trở về Arab Saudi", Qahtani nhắn với Khashoggi trên WhatsApp, một người bạn của nhà báo cho biết. 

Khi nhà báo từ chối quay về, chính phủ Arab Saudi cấm con trai của ông, Salah rời khỏi nước. Khi Khashoggi vào lãnh sự quán ở Istanbul để lấy giấy tờ kết hôn ngày 2/10, một nhóm người Arab Saudi đã đợi sẵn để lấy mạng ông. Viên chức lãnh sự hẹn gặp Khashoggi đã liên lạc với Qahtani từ trước.

Saud al-Qahtani, cố vấn cho hoàng gia Arab Saudi.
Saud al-Qahtani, cố vấn cho hoàng gia Arab Saudi.

Nhóm người Arab Saudi từ Riyadh đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trên hai máy bay Gulfstream của Sky Prime Aviation Services, công ty được điều hành bởi văn phòng của Thái tử. Qahtani chịu trách nhiệm phê chuẩn việc sử dụng các máy bay này. Một tờ báo nước ngoài dẫn nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Qahtani đã chỉ thị cho nhóm người qua Skype rằng họ phải "xử lý" Khashoggi và "mang đầu về".

Qahtani được coi là "cánh tay phải" của Thái tử. Ông này thắt chặt kiểm soát đối với báo chí trong nước và tập hợp một đội ngũ 3.000 người để theo dõi những người chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội, đồng thời lan truyền những thông điệp ủng hộ chính phủ. Tại Mỹ, Khashoggi cố gắng chống lại nỗ lực của Qahtani bằng cách thành lập một đội trực tuyến bao gồm những người chỉ trích chính quyền Arab Saudi.

Cố vấn cũng là người thực hiện một số quyết định gây tranh cãi nhất của Thái tử, trong đó có cắt đứt quan hệ với Qatar và bắt giữ các nhà hoạt động nữ quyền. Ông truy lùng những người Arab Saudi tỏ ra thông cảm với Qatar trên mạng xã hội bằng cách yêu cầu những người theo dõi gắn thẻ họ với cụm từ khóa "Danh sách đen".

Qahtani hồi tháng 8/2017 viết trên Twitter: "Bạn nghĩ rằng tôi đưa ra quyết định mà không cần chỉ đạo từ bên trên ư? Tôi là một nhân viên và là người thực hiện mệnh lệnh của Quốc vương và Thái tử".

Năm ngoái, Qahtani gửi một tin nhắn trên Twitter đến Manal al-Sharif, nhà hoạt động Arab sống lưu vong ở Australia, người đã viết một bài báo chỉ ra những trở ngại phụ nữ tiếp tục phải đối mặt dù vương quốc đã bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe. "Chào chị Manal, bài viết rất hay. Thượng đế phù hộ cho chị. Hãy cho tôi biết nếu chị cần bất kỳ sự hỗ trợ nào", ông viết.

Qahtani nói rằng ông sẽ giúp con trai bà ở Australia có visa để cả hai trở về vương quốc. Al-Sharif ban đầu hoan nghênh đề nghị này nhưng sau đó từ chối vì nghi ngờ đây là mưu mẹo để dụ bà về nước.

Cùng lúc đó, Qahtani thực hiện chiến dịch xử lý các nhà hoạt động nữ quyền. Một trong những người bị nhắm mục tiêu là Loujain al-Hathloul, người đang sống ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi chính quyền địa phương hồi tháng ba kéo bà ra khỏi xe và đưa bà lên máy bay về Arab Saudi.

Al-Hathloul là một trong ít nhất 14 nhà hoạt động dân quyền bị bắt hồi tháng 5. Khi được hỏi về các vụ bắt này, Qahtani nói qua điện thoại rằng "để những người đó biết rằng không ai có thể bẻ cong cánh tay của chính phủ".

Giới chức Arab Saudi đã giam giữ 18 người liên quan đến cái chết của nhà báo và đang chờ kết quả điều tra vụ giết người. Qahtani bị sa thải và bị điều tra hình sự. Ông bị hạn chế hoạt động nhưng không bị bắt.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây cho rằng Thái tử biết về vụ giết nhà báo hoặc chính là người ra lệnh thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên, Arab Saudi nhiều lần bác bỏ.

Một đồng nghiệp cũ cho rằng nỗ lực thay mặt cho Thái tử xử lý những người chỉ trích chính phủ đã gây hại cho Al-Hathloul. "Nếu Qahtani thực sự đã ra lệnh thì ông ấy đã tính toán sai tất cả các bước", người này nói.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.