Liên tiếp bạo lực
Những ngày gần đây, nổi bật nhất là vụ tấn công đền thờ Hồi giáo dòng Shi’ite ở thành phố Herat, miền Tây Afghanistan, ngày 1/8 khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và 63 người khác bị thương.
Một ngày sau, lại xảy ra một vụ đánh bom xe liều chết đã xảy ra nhằm vào đoàn xe hộ tống của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, gây nhiều thương vong. Đến 3/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục thông báo, một đối tượng thuộc Taliban lại thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng nước ngoài tại Afghanistan khiến 1 binh sĩ NATO thiệt mạng và 6 người khác bị thương.
Vụ tấn công xảy ra gần căn cứ không quân Bagram, nằm cách thủ đô Kabul khoảng 50 km về phía Bắc. Một thiết bị nổ tự tạo (IED) đã phát nổ khi lực lượng NATO kết hợp với các binh sĩ của Quân đội Quốc gia Afghanistan đang tiến hành tuần tra đêm tại huyện Qarabagh thuộc tỉnh Kabul. Vụ nổ khiến 1 binh sĩ NATO thiệt mạng và 6 người khác bị thương, trong đó có 5 binh sĩ và 1 phiên dịch.
NATO không thông báo quốc tịch của các binh sĩ thương vong trong vụ tấn công nhưng căn cứ không quân Bagram là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan. Taliban đã ngay lập tức thừa nhận thực hiện vụ đánh bom.
Giao tranh
Afghanistan đang rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng này, nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Theo số liệu thống kê từ Tổng Thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, đã có tổng cộng 2.531 thành viên trong lực lượng an ninh Afghanistan thiệt mạng và 4.238 người bị thương trong cuộc chiến đấu chống lực lượng nổi dậy.
Trước đó, trong báo cáo được Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 2/2017, SIGAR cho biết ít nhất 6.785 binh lính và cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng trong 10 tháng đầu năm 2016. Con số này cho thấy sự thách thức đối với sứ mệnh “Hỗ trợ Kiên quyết” do NATO đứng đầu nhằm xây dựng lực lượng an ninh cho Afghanistan.
Cũng theo báo cáo của SIGAR, các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban hiện vẫn đang ở thế “giằng co”, trong đó quân chính phủ kiểm soát 59,7% trong số 407 quận, huyện ở nước này, còn Taliban kiểm soát 11 quận, huyện và chi phối 34 quận, huyện khác (lần lượt tương đương 11,1% và 29,2%).
Các trung tâm chính mà quân nổi dậy chiếm giữ là các tỉnh ở miền Nam (Helmand, Kandahar, Uruzgan và Zabul), cũng như tỉnh Kunduz của miền Bắc. Khoảng 3 triệu người, tương đương 1/10 dân số, đang sống trong những khu vực bị quân nổi dậy kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng, và khoảng 21 triệu người sống ở những khu vực do chính phủ kiểm soát hoặc chi phối.
Chưa có lối thoát
Dù được sự hỗ trợ từ Mỹ và NATO, tăng cường các chiến dịch an ninh song những con số thống kê trên phần nào cho thấy Afghanistan vẫn đang phải đối mặt với những thách thức an ninh không hề nhỏ. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân của sự yếu kém trong việc bảo đảm an ninh của Afghanistan chính là sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ bất ổn trong chính phủ, ảnh hưởng từ nhân tố bên ngoài, sự gia tăng của các nhóm khủng bố, cho đến nạn tham nhũng, buôn ma túy...
Khủng hoảng chính trị khiến nhiều người dân Afghanistan coi chính phủ đương nhiệm là chế độ không thể tồn tại được nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ và NATO. Nhiều thủ lĩnh phiến quân và chính trị gia, bao gồm cả thành viên nội các, kêu gọi Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức an ninh từ chức với cáo buộc không đủ năng lực lãnh đạo, gây thù hằn sắc tộc.
Trước tình hình trên, Mỹ và các đồng minh buộc phải xem xét đưa ra một chiến lược mới. Ðể bảo đảm an ninh, liên quân quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã triển khai 13.300 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan, trong đó Mỹ góp 8.400 binh sĩ, với nhiệm vụ chính là hỗ trợ lực lượng sở tại chống Taliban, khủng bố và các nhóm cực đoan.
Thế nhưng, cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan tại Afghanistan không thể dựa trên những con số thống kê. Có ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, Mỹ dồn sự quan tâm vào cuộc xung đột Syria và đối phó những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nên thiếu quan tâm đến cuộc chiến tại Afghanistan. Lỗ hổng an ninh “phình” to đã đẩy số người bị chết và bị thương tăng cao, để lại nhiều nỗi đau nhức nhối.
Trong lúc Mỹ vẫn đang loay hoay tìm kiếm phương án hữu hiệu nhất nhằm phá vỡ thế bế tắc trên thực địa tại Afghanistan, thêm vào đó là vòng luẩn quẩn của khủng hoảng chính trị và bạo lực leo thang tại chính quốc gia Nam Á này, thì những thường dân Afghanistan đang là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu