Afghanistan: Mở “cánh cửa hy vọng” hóa giải bất ổn

Hội nghị mang tên "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul"
Hội nghị mang tên "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul"
(PLO) - Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Trong khi đó, Taliban cũng khẳng định sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. 

Đây được coi là nỗ lực nhằm khởi động một tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Tây Nam Á này.

Lộ trình hòa bình mới

Ngày 28/2/2018, hội nghị mang tên "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul" đã diễn ra tại thủ đô Kabul của Afghanistan, trong bối cảnh an ninh tại đây đang được siết chặt. Tham dự hội nghị có đại diện của hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm tìm ra giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Tây Nam Á này. Đây là lần thứ 2 hội nghị như vậy được tổ chức tại Kabul trong 1 năm qua. Hội nghị Kabul trước diễn ra vào tháng 6/2017.

Tại hội nghị, Ngoại trưởng Afghanistan Salahudin Rabbani nhấn mạnh hòa bình tại nước này sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Theo ông, các biện pháp mới trong nỗ lực hòa bình và hòa giải bao gồm một lệnh ngừng bắn, công nhận phiến quân Taliban là một tổ chức chính trị hợp pháp, nỗ lực trong tiến trình xây dựng lòng tin trong thời kỳ quá độ cũng như tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Ghani cũng nhấn mạnh rằng để có thể đạt được hòa bình, Chính phủ Afghanistan sẵn sàng chấp nhận việc xem xét lại Hiến pháp như một phần trong thỏa hiệp với Taliban, phóng thích các tù nhân Taliban, xóa tên các thủ lĩnh Taliban trong danh sách trừng phạt của cộng đồng quốc tế cũng như mở văn phòng đại diện của Taliban tại Kabul hoặc ở các thành phố khác của Afghanistan. Tuy nhiên, đổi lại, Taliban sẽ phải công nhận Chính phủ Afghanistan và tôn trọng nguyên tắc luật pháp.

Tuyên bố vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban được coi là một thay đổi đáng kể của Tổng thống Afghanistan Ghani khi trước đây ông thường coi Taliban là "khủng bố" hoặc "phiến quân" cho dù cũng đề nghị đối thoại như một phần của tiến trình hòa bình. Đây cũng được coi là một tín hiệu nữa từ cả phía Chính phủ Afghanistan và Taliban trong việc thể hiện thiện chí lớn hơn đối với việc cân nhắc đối thoại.

Chính phủ Afghanistan đã đưa ra tuyên bố vạch ra lộ trình hòa bình mới, một ngày sau khi Taliban cho biết sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. Tuyên bố của Taliban đề nghị các quan chức Mỹ trao đổi trực tiếp với văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, Qatar, nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan. Taliban cũng nêu rõ tuyên bố này nhằm đáp lại các phát biểu gần đây của các nước phương Tây rằng Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Taliban.

Lực lượng này nêu rõ nước Mỹ và các đồng minh cần xác định rằng vấn đề Afghanistan không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự và các chiến lược quân sự, vốn được thử nghiệm suốt 17 năm qua ở Afghanistan sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và kéo dài chiến tranh cũng như không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Trước đó, ngày 14/2, trong một thông điệp gửi cho Mỹ, Taliban cũng cho biết sẵn sàng tham gia thương lượng để chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, nhấn mạnh tới giải quyết bạo lực tại Afghanistan thông qua đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, Taliban khẳng định việc sẵn sàng tìm kiếm hòa bình không có nghĩa là tổ chức này đã cạn kiệt nguồn lực đồng thời cảnh báo vẫn đủ khả năng chống phá quân sự.

Giải pháp chính trị quan trọng

Taliban đã phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan kể từ khi bị Mỹ tiến hành các chiến dịch quân sự năm 2001 sau sự kiện khủng bố ngày 11/9.

Còn an ninh đang là vấn đề đặc biệt quan ngại ở Afghanistan khi thời gian qua, Taliban liên tiếp tiến hành các vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan. Ngày 27/1 vừa qua, một vụ đánh bom xe xảy ra ở khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng của các cơ quan nước ngoài cũng như chính phủ ở thủ đô Kabul đã khiến 103 người thiệt mạng và 235 người bị thương. Đây được coi là một trong những vụ tấn công liều chết nghiêm trọng nhất tại quốc gia này trong thời gian gần đây.

Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Kabul
Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ đánh bom liều chết ở Kabul

Vụ tấn công được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Ghani và các đồng minh khi Afghanistan luôn tin tưởng việc đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm đánh bật Taliban ra khỏi các khu vực trung tâm đang phát huy hiệu quả.

Trước đó, ngày 20/1, các tay súng Taliban cũng đã tấn công khách sạn Intercontinental tại thủ đô Kabul khiến 40 người thiệt mạng. Thêm vào đó, phiến quân Taliban cũng liên tục đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và cảnh sát Afghanistan để đáp trả chiến lược mới của Mỹ tại nước này, trong khi các nhóm vũ trang khác cùng với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng không ngừng tiến hành nhiều vụ bạo lực khác nhằm phô trương thế lực. 

Mới đây nhất, ngày 24/2, Taliban đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào các chốt kiểm soát của quân đội khiến 23 binh sĩ thiệt mạng và 2 người bị thương tại Bala Buluk. Trong những tháng qua, tỉnh Farah là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng an ninh Afghanistan và phiến quân Taliban.

Người dân Afghanistan đang hàng ngày phải hứng chịu hậu quả của các cuộc xung đột. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. LHQ cho biết 64% số thương vong của dân thường do lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác gây ra, 20% do lực lượng an ninh và 11% do cả hai bên trong các cuộc giao tranh và 5% còn lại do các nguyên nhân khác. 

Theo giới chức Mỹ, chính phủ Afghanistan hiện mới chỉ kiểm soát được 56% diện tích cả nước, 44% còn lại rơi vào tay các lực lượng nổi dậy hoặc phiến quân Taliban. Trong khi đó, lực lượng Taliban và các nhóm phiến quân khác đang không ngừng gia tăng các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm chiếm nhiều địa phương.

Để đối phó với tình hình bất ổn, thời gian gần đây, các lực lượng an ninh Afghanistan cùng liên quân do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào Taliban cũng như các lực lượng khủng bố và cực đoan trên khắp nước này. Tuy nhiên, giới chức Afghanistan vẫn liên tục lặp lại đề nghị tiến hành hòa đàm với Taliban, nhưng lực lượng này vẫn thẳng thừng từ chối và nêu điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là các lực lượng nước ngoài phải rời Afghanistan.

Thực tế cho thấy, kể từ tháng 1/2015, các lực lượng an ninh Afghanistan đã đảm trách sứ mệnh bảo vệ an ninh từ các lực lượng thuộc NATO và Mỹ, song hiện vẫn còn khoảng 16.000 binh sĩ nước ngoài vẫn đồn trú ở Afghanistan với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh sở tại trong cuộc chiến chống khủng bố.

Với quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, tháng 8/2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Đô-nan Trăm) đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn cũng như tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan từ 8.400 người lên đến 14.000 người. Trong khi đó, NATO cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc lực lượng Taliban liên tiếp tiến hành các vụ bạo lực và hoạt động mạnh như hiện nay là do người dân Afghanistan đã mất lòng tin vào chính quyền. Do vậy, nếu không thay đổi được điều đó thì chiến lược hỗ trợ quân sự mới của Mỹ và NATO tại Afghanistan cũng sẽ không có sự bảo đảm nào để có thể giành chiến thắng cuối cùng trước Taliban. 

Một chuyên gia về chính trị Afghanistan nhận định: “Afghanistan là một quốc gia bị chia rẽ về sắc tộc nên sự gắn kết chính trị là rất quan trọng. Hiện tại, Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh nghiêm trọng và để ổn định đất nước thì quân sự không phải là giải pháp duy nhất. Do đó, ngoài việc hỗ trợ quân sự, cần một giải pháp chính trị cho Afghanistan”.

Chính vì vậy, việc chính phủ Afghanistan đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban cũng như Taliban khẳng định sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan được cho là giải pháp chính trị quan trọng để giải quyết bất ổn tại quốc gia Tây Nam Á này./.

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.